28/11/2024

Giáo dục Pháp với chi phí thấp

Hợp tác giáo dục giữa VN – Pháp đã có từ lâu đời và đến nay vẫn luôn được xem là “chất xúc tác” quan trọng để phát triển quan hệ hai nước.

 

Giáo dục Pháp với chi phí thấp

 

 

Hợp tác giáo dục giữa VN – Pháp đã có từ lâu đời và đến nay vẫn luôn được xem là “chất xúc tác” quan trọng để phát triển quan hệ hai nước.



Học sinh chương trình song ngữ Pháp - Việt của Trường tiểu học Kết Đoàn, TP.HCM trong giờ học tiếng Pháp - Ảnh: Viện Pháp tại VNHọc sinh chương trình song ngữ Pháp – Việt của Trường tiểu học Kết Đoàn, TP.HCM trong giờ học tiếng Pháp – Ảnh: Viện Pháp tại VN
Phóng viên Thanh Niên đã trao đổi với GS Ngô Bảo Châu để có cái nhìn rõ nét hơn về giáo dục Pháp.
* Từng học tại những trường hàng đầu của Pháp như ĐH Paris 6, ĐH Paris 11, Trường Sư phạm Paris (École Normale Supérieure – ENS), giáo sư nhận xét thế nào về hệ thống giáo dục của Pháp?
– Pháp có một nền giáo dục rất chất lượng vì các ĐH của họ có các nhà khoa học hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Và nền giáo dục rất chất lượng đó lại đi kèm với điểm rất đặc biệt, nếu so với các trường ở Anh – Mỹ, là gần như miễn phí. Chính phủ chi trả phần lớn học phí và sinh viên chỉ đóng một khoản phí tượng trưng cùng với phí bảo hiểm xã hội. Đáng chú ý là chế độ này áp dụng với cả sinh viên bản xứ lẫn sinh viên nước ngoài. Đây là sự hào phóng rất lớn của nước Pháp, tuy có thể dẫn đến một số hạn chế là ở nhiều trường, sĩ số sinh viên trên giảng đường khá đông so với những trường tư thục có học phí cao ở Anh, Mỹ. Bù lại, mọi người đều có điều kiện để tiếp xúc với những nhà khoa học có trình độ rất cao.
GS Ngô Bảo Châu

GS Ngô Bảo Châu
* Có một số ý kiến cho rằng giáo dục Pháp hơi thiên về lý thuyết?
– Ở các ĐH tổng hợp, với một số ngành chuyên về nghiên cứu, họ có thể đặt nặng lý thuyết. Nhưng song song đó, Pháp còn có hệ thống trường kỹ sư, trường thương mại… rất chú trọng thực hành. Theo tôi biết, hệ thống đào tạo kỹ sư của Pháp vẫn luôn được đánh giá rất cao trên thị trường lao động quốc tế, đặc biệt là ở những ngành mũi nhọn như cầu đường.
* Nếu tính vài trường hợp nhập tịch hoặc định cư ở nước ngoài sau khi được trao giải thì đến giờ Pháp cùng với Mỹ là 2 nước có nhiều nhà khoa học được nhận huy chương Fields nhất thế giới (13 huy chương). Đâu là bí quyết thành công của ngành toán học Pháp?
– Pháp là nước có truyền thống toán học từ thế kỷ 18, 19. Họ cứ phát huy truyền thống đó nên luôn là nước đi đầu của toán học thế giới. Một điểm quan trọng khác là hệ thống giáo dục của Pháp cũng tạo điều kiện tốt để ngành toán phát triển. Bạn có thể nhận thấy là hầu hết các nhà toán học được trao huy chương Fields của Pháp đều từng học Trường Sư phạm Paris (ENS). ENS có thể xem là nơi hội tụ những sinh viên xuất sắc nhất, những tinh hoa của nước Pháp trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là toán. Học tại đây, bạn có 2 lợi thế: được dạy rất tốt; khi nhiều người giỏi quy tụ lại thì mức độ “tinh hoa” sẽ được nhân lên rất nhiều lần. Nếu so sánh, tại Mỹ, về toán, vẫn có những trường có chất lượng giảng dạy tương đương nhưng theo tôi, có lẽ không có nơi nào trên thế giới có nhiều sinh viên xuất sắc tập trung ở cùng một chỗ như ENS.
Một điểm quan trọng nữa là sau khi xong luận án tiến sĩ, những người xuất sắc nhất sẽ được nhận vào Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS). Đây là một công việc ổn định vĩnh viễn, trong khi ở Mỹ thường là những vị trí làm việc có thời hạn 3 năm. Tuy mức lương có thể không cao so với Mỹ nhưng đối với các nhà khoa học trẻ thì quý giá vô cùng. Vì họ không phải chịu áp lực phải đạt kết quả trong một thời hạn định trước nên có thể theo đuổi những “giấc mộng” to lớn, lựa chọn những đề tài dài hạn. Cách làm này đã thúc đẩy toán học Pháp đạt rất nhiều thành công.
Những lợi điểm vừa nêu đều được áp dụng với cá nhân tôi. Chẳng hạn, môi trường của ENS làm tôi luôn cảm thấy bạn bè xung quanh biết nhiều hơn mình. Tôi không tự ti, nhưng luôn thấy mình còn thiếu kiến thức, phải liên tục bổ sung để học tốt như các bạn. Ngoài ra, do là một trường “tinh hoa” nên sĩ số các lớp ở ENS không cao, giáo sư có thể theo sát sinh viên. Nhờ vậy mà khi làm nghiên cứu sinh, tôi đã được thầy trưởng khoa toán của trường giới thiệu với GS Gérard Laumon. Nếu không được giới thiệu với ông, tôi đã không có cơ hội để đạt nhiều thành quả như ngày nay. Nhiều người gọi GS Laumon là “thầy giáo giỏi nhất thế giới” vì hiếm có ai có đến 2 học trò đạt giải Fields như ông (ngoài GS Ngô Bảo Châu là nhà toán học Laurent Lafforgue – NV). Ông là người thầy vô cùng tận tuỵ, là một nhà toán học lớn nhưng có lẽ giáo sư không xem việc nghiên cứu của chính mình quan trọng bằng hướng dẫn học trò. Được học với GS Laumon là điều rất may mắn trong cuộc đời tôi.
Hợp tác từ gốc đến ngọn

Hợp tác giáo dục Pháp – Việt được xây dựng rất bài bản: chương trình song ngữ Pháp – Việt từ tiểu học đến THPT; các văn phòng, chi nhánh Campus France chuyên hỗ trợ về du học do Đại sứ quán Pháp mở tại Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng; các chương trình liên kết đào tạo tại nhiều ĐH VN; Trung tâm đào tạo về quản lý Pháp – Việt (CFVG); các chương trình học bổng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là y tế (hơn 2.000 bác sĩ đào tạo tại Pháp trong 20 năm qua), giáo dục…
Tiêu biểu là chương trình song ngữ Pháp – Việt đã tròn 20 năm kể từ khi chính thức thực hiện trên toàn quốc vào năm học 1994 – 1995. Chương trình này do chính phủ Pháp triển khai và từ năm 2006 giao lại cho Bộ GD-ĐT VN quản lý nhưng vẫn hỗ trợ tích cực về mọi mặt, đặc biệt là đào tạo giáo viên. Chương trình song ngữ đang được giảng dạy ở 90 trường học các cấp, với 13.000 học sinh và 400 giáo viên. Học sinh tốt nghiệp chương trình này với bằng tú tài cộng đồng Pháp ngữ sẽ được các ĐH Pháp nhận mà không cần có thêm bằng cấp về ngôn ngữ.
Sau bậc phổ thông, nếu không theo học các chương trình liên kết đào tạo trong nước, học sinh có thể nộp hồ sơ để du học Pháp. Học phí tại ĐH công lập ở nước này được nhà nước chi trả gần như toàn bộ nên sinh viên chỉ đóng một khoản phí rất thấp cho chi phí thật sự từ 10.000 – 14.000 euro/năm: 184 euro (4,7 triệu đồng)/năm cho bậc cử nhân; 256 euro (6,5 triệu đồng)/năm cho bậc thạc sĩ… Chi phí cao nhất là về ăn ở, sinh hoạt nhưng cũng được chính phủ hỗ trợ rất nhiều, phần còn lại, sinh viên có thể đi làm thêm để trang trải. Hiện có khoảng 6.500 sinh viên VN đang theo học tại Pháp, 20% trong số đó đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Ngoài ra, Pháp áp dụng hệ đào tạo chung của EU với số năm học và chứng chỉ đồng nhất nên sinh viên dễ dàng học chuyển tiếp tại các ĐH trong khu vực.
Mạng lưới France Alumni VN vừa ra mắt tại TP.HCM được xem là một yếu tố mới để hợp tác giáo dục song phương đạt hiệu quả hơn. Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Emmanuel Ly-Batallan cho biết Pháp sẽ ưu tiên xét cấp thị thực từ 1 – 5 năm cho các cựu sinh viên nước ngoài tốt nghiệp thạc sĩ hoặc các bậc học tương đương tại nước này.

Lan Chi