10/01/2025

Bùng nổ đại học và những hệ luỵ

Thống kê của Bộ GD-ĐT dựa trên số liệu đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 của các trường cho thấy hiện cả nước có khoảng 480 trường ĐH, CĐ – tăng gấp đôi số trường so với 14 – 15 năm về trước.

 

Bùng nổ đại học và những hệ luỵ

 

Thống kê của Bộ GD-ĐT dựa trên số liệu đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 của các trường cho thấy hiện cả nước có khoảng 480 trường ĐH, CĐ – tăng gấp đôi số trường so với 14 – 15 năm về trước.




Trường nâng cấp ào ạt đã dẫn đến hệ quả tất yếu là có những trường trung cấp tốt sau nâng cấp lại thành trường CĐ tệ và trường CĐ tốt sau nâng cấp lại đẻ ra trường ĐH tồi, kém chất lượng

GS Nguyễn Minh Thuyết

Đáng nói, nếu tính trong 10 năm từ 2001 đến 2011, số trường tăng lên chủ yếu ở khối trường công lập với mức tăng trưởng thêm đến 170 trường, trong khi số trường ngoài công lập mới chỉ gần 60 trường. Khu vực ĐBSCL dù điều kiện kinh tế – xã hội còn rất hạn chế cũng có đến 43 trường ĐH, CĐ, vùng núi phía Bắc có 52 trường. Địa phương có nhiều trường ĐH, CĐ nhất hiện nay là Hà Nội với 114 trường, tiếp đến là TP.HCM với 74 trường…

1 triệu dân, hơn 10 trường ĐH, CĐ

Theo thống kê dân số năm 2012, Bắc Ninh chưa đầy 1,1 triệu người nhưng trên địa bàn tỉnh có đến 11 học viện, trường ĐH, CĐ. Số trường nhiều, nhưng số thí sinh vào trường lại quá ít sau mấy năm đi vào hoạt động.

Năm 2014, Trường ĐH quốc tế Bắc Hà, Trường ĐH Kinh Bắc đều tuyển mới chưa đến 400 sinh viên ĐH. Ở hệ CĐ, Trường ĐH quốc tế Bắc Hà tuyển thêm được 18 sinh viên, Trường ĐH Kinh Bắc tuyển được 10 sinh viên, Trường CĐ Đại Việt tuyển mới chưa đến 30 sinh viên CĐ, Trường CĐ Thuỷ sản chưa được 150 sinh viên CĐ mới, Trường CĐ Thống kê cũng chỉ tuyển được 200 sinh viên…

Không riêng Bắc Ninh, Hưng Yên với dân số gần 1,2 triệu người cũng có đến 8 trường ĐH, CĐ. Các tỉnh như Nam Định, Hải Dương dân số chưa đầy 2 triệu người cũng có 7 – 8 trường ĐH, CĐ ở mỗi tỉnh…

Cho dù khi mới thành lập, phần lớn các trường đóng tại địa phương cho rằng lý do thành lập không chỉ đáp ứng đào tạo nhân lực tại chỗ mà còn ghé vai “gánh vác”, làm “vệ tinh” cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, song thực tế các trường đều không hút nổi sinh viên như kỳ vọng.

Ở phía Bắc, nhiều trường ĐH, CĐ đóng tại Bắc Ninh, Hưng Yên… nhưng vẫn cố vớt vát mở thêm cơ sở tại Hà Nội. Những cơ sở này không chỉ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính mà còn thực hiện việc đào tạo ngay tại Hà Nội bởi thực tế nếu đưa về tỉnh thì thí sinh không mặn mà, người học càng khan hiếm.

Nhiều trường chấp nhận xử phạt khi bị phát hiện mở cơ sở đào tạo ngoài trường (thực chất là ngoài tỉnh) mà chưa hề được cấp phép chỉ cốt hút nguồn tuyển, tăng nguồn thu.

Trong đợt kiểm tra về hoạt động liên kết đào tạo trên địa bàn năm 2013, đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội từng phát hiện Trường ĐH quốc tế Bắc Hà thành lập và đăng ký trụ sở chính tại Bắc Ninh, nhưng lại đang tuyển sinh và đào tạo tại một cơ sở trên đường Vũ Trọng Phụng (Hà Nội) mà không hề được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội và Bộ GD-ĐT trong nhiều năm.

Tương tự, Trường ĐH Trưng Vương (trụ sở chính tại Vĩnh Phúc) cũng tổ chức tuyển sinh, đào tạo tại văn phòng đại diện ở Hà Nội khi chưa hề có sự đồng ý chính thức nào từ UBND TP Hà Nội cũng như Bộ GD-ĐT.

Tương tự, tại ĐBSCL, trước năm 2000 nơi này chỉ có hai trường ĐH là Cần Thơ và An Giang (năm 1999) thì đến năm 2015 vùng này có tổng cộng 17 trường ĐH và 26 trường CĐ. Hầu hết các trường được thành lập mới tại đây đều trên cơ sở nâng cấp các trường CĐ sư phạm địa phương để thành trường ĐH trực thuộc UBND tỉnh. Trong số 15 trường ĐH thành lập mới có năm trường ĐH ngoài công lập.

Trong khi đó, trước năm 2000, khu vực Đông Nam bộ (không tính TP.HCM) chỉ có hai trường ĐH ngoài công lập là Lạc Hồng và Bình Dương nhưng đến năm 2015, khu vực này có đến 14 trường ĐH, trong đó phân nửa là trường ĐH ngoài công lập.

Đồ họa Việt Anh
Đồ hoạ: Việt Anh

Quy hoạch thiếu tầm nhìn xa

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội – cho rằng chính vì quy hoạch thiếu một tầm nhìn xa nên mới xảy ra hiện tượng đua nhau bung ra các trường ĐH, CĐ – nhất là giai đoạn từ năm 2005. “Còn nhớ, lúc đó, trung bình cứ hai tuần lại ra đời một trường ĐH, CĐ mới.

Trong đó, nhiều trường không đáp ứng đủ điều kiện thành lập mới và rất nhiều trường được nâng cấp một cách vội vàng. Trường trung cấp vừa được nâng lên thành trường CĐ chưa đủ “ấm chỗ” thì hai năm sau đã lại mang tên trường ĐH”.

                         Trường ĐH Hùng Vương (TP HCM) là trường ĐH bị đình chỉ tuyển sinh nhiều năm nay - Ảnh: Như Hùng

Trường ĐH Hùng Vương (TP HCM) là trường ĐH bị đình chỉ tuyển sinh nhiều năm nay – Ảnh: Như Hùng

0: Tính đến nay, Đắk Nông là tỉnh duy nhất trong cả nước không có trường ĐH, CĐ. Hiện nay tại tỉnh này chỉ có một trường trung cấp chuyên nghiệp đang hoạt động, còn Trường CĐ Cộng đồng Đắk Nông đang được xây dựng.

114: TP Hà Nội là TP có nhiều học viện, trường ĐH, CĐ với 114 trường (trong đó gồm cả các khoa, trường trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội). Tiếp theo là TP.HCM với 74 học viện, trường ĐH, CĐ (trong đó gồm cả các khoa, trường trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM).

13: Là các tỉnh chưa có trường ĐH, cơ sở đào tạo ĐH (phân hiệu của các ĐH, trường ĐH), đó là các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hoà Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bình Phước, Đắk Nông, Bến Tre, Sóc Trăng.

4: Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã bị Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh hơn bốn năm, đây là trường ĐH duy nhất trên cả nước bị đình chỉ tuyển sinh trong thời gian dài như vậy. Nguyên nhân do trường chưa khắc phục các quy định của Bộ GD-ĐT về ngừng tuyển sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… theo quy định. 

(Số liệu năm học 2014-2015 – Nguồn: Bộ GD-ĐT, số liệu này chưa tính đến các trường công an, quân đội)

Hệ số K = số thí sinh đến dự thi/số chỉ tiêu - Nguồn: Bộ Giáo dục - đào tạo
Hệ số K = số thí sinh đến dự thi/số chỉ tiêu – Nguồn: Bộ Giáo dục – đào tạo

 

NGỌC HÀ – MINH GIẢNG ([email protected])