09/01/2025

Đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cuba

LA HABANA – Trong diễn văn đầu tiên tại Cuba, ĐTC Phanxicô cổ vũ các vị lãnh đạo chính trị tiếp tục tiến trình cởi mở và hoà giải. Sau gần 12 giờ bay từ Roma, máy bay của hãng Alitalia, chở ĐTC Phanxicô, đoàn tuỳ tùng và 75 ký giả quốc tế, đã đáp xuống phi trường José Marti ở La Habana, thủ đô Cuba, lúc gần 4 giờ chiều thứ bảy, 19-9-2015, mở đầu cho các hoạt động của ngài trong 10 ngày viếng thăm tại Cuba, Hoa Kỳ và LHQ, chuyến đi dài nhất trong 10 cuộc tông du ngài thực hiện trong 2 năm rưỡi qua.

Đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cuba
 

LA HABANA – Trong diễn văn đầu tiên tại Cuba, ĐTC Phanxicô cổ vũ các vị lãnh đạo chính trị tiếp tục tiến trình cởi mở và hoà giải.

 

Sau gần 12 giờ bay từ Roma, máy bay của hãng Alitalia, chở ĐTC Phanxicô, đoàn tuỳ tùng và 75 ký giả quốc tế, đã đáp xuống phi trường José Marti ở La Habana, thủ đô Cuba, lúc gần 4 giờ chiều thứ bảy, 19-9-2015, mở đầu cho các hoạt động của ngài trong 10 ngày viếng thăm tại Cuba, Hoa Kỳ và LHQ, chuyến đi dài nhất trong 10 cuộc tông du ngài thực hiện trong 2 năm rưỡi qua.

 

Cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Cuba có chủ đề là “Thừa sai của lòng thương xót”, ám chỉ tới Năm Thánh ngoại thường về lòng xót thương của Chúa sẽ được chính thức khai mạc vào ngày 8-12 tới đây, kỷ niệm đúng 50 năm bế mạc Công đồng chung Vatican II.

 

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC ngài đã được Chủ tịch Raoul Castro cùng với ĐHY Jaime Ortega, TGM Giáo phận La Habana sở tại tiếp đón, trong khi 21 phát đại bác nổ vang chào mừng vị quốc khách. 5 em bé đã tặng hoa cho ngài, và ngài dừng lại hỏi thăm các em và tặng mỗi em một xâu chuỗi mân côi.

 

Trong diễn văn chào mừng, Chủ tịch Raoul Castro đã bày tỏ lòng quí mến, kính trọng và tâm tình nồng nhiệt của nhân dân Cuba được đón tiếp ĐGH và ông nói: “Chúng tôi rất quý chuộng và biết ơn vì sự nâng đỡ của ngài dành cho cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Cuba. Việc tái lập quan hệ ngoại giao là bước đầu tiên trong tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, giải quyết các vấn đề và sửa chữa những bất công… Sự cấm vận đã gây ra những thiệt hại cho con người và những khó khăn cho các gia đình Cuba. Việc cấm vận ấy là điều tàn ác, vô luân và bất hợp pháp. Cần phải loại bỏ cấm vận.

 

Chủ tịch Castro cũng gọi chế độ kinh tế quốc tế hiện nay là bất công vì nó hoàn cầu hoá tư bản và biến tiền bạc thành thần tượng. Ông hãnh diện vì những chinh phục của chế độ xã hội chủ nghĩa Cuba, nhất là trong lĩnh vực y tế, học đường, nhưng ông cũng nhìn nhận cần hải thực thi kiểu mẫu này về mặt kinh tế và xã hội.

 

Diễn văn đầu tiên của ĐTC tại Cuba

 

Về phần ĐTC, lên tiếng sau lời chào mừng của Chủ tịch Castro, ĐTC cám ơn chính quyền, giáo quyền và tất cả những người đã chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ngài và nhắc đến các vị tiền nhiệm đã đến thăm nước này:

 

“Trong năm 2015 này, có kỷ niệm 80 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hoà Cuba và Toà Thánh. Chúa Quan phòng cho tôi được đến đây ngày hôm nay, tại đất nước yêu quý này, theo vết không thể xoá nhoà trên con đường đã được các cuộc tông du đáng ghi nhớ mở ra, các cuộc viếng thăm của hai vị tiền nhiệm của tôi tại nước này, Thánh Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI. Tôi biết rằng việc nhớ lại các vị gợi lên lòng biết ơn và quý mến nơi dân chúng và chính quyền Cuba. Hôm nay, chúng ta canh tâm những quan hệ cộng tác và thân hữu để Giáo Hội tiếp tục tháp tùng và khích lệ nhân dân Cuba trong niềm hy vọng và lo âu, với tự do và những phương thế, cũng như những không gian cần thiết để đưa việc loan báo Nước Trời đến tận các môi trường ngoại ô của cuộc sống trong xã hội.”

 

 ĐTC cũng nhận xét rằng cuộc tông du này cũng trùng với dịp kỷ niệm 100 năm tuyên bố Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng là bổn mạng của Cuba, do ĐGH Bênêđictô XV 15 xác định. Chính các cựu chiến binh dành độc lập, do tâm tình đức tin và lòng yêu nước thúc đẩy, đã xin Đức Trinh Nữ mambisa là bổn mạng của Cuba như một nước tự do và có chủ quyền. Từ đó Mẹ đã tháp tùng lich sử nhân dân Cuba, nâng đỡ niềm hy vọng giữ gìn phẩm giá con người trong những hoàn cảnh khó khăn nhất và bảo vệc sự thăng tiến tất cả những gì mang lại phẩm giá cho con người. Lòng sùng kính gia tăng đối với Đức Trinh Nữ Bác Ái mỏ đồng là một chứng tá hữu hình về sự hiện diện của Đức Mẹ trong tâm hồn người dân Cuba. Trong những ngày này tôi sẽ được cơ hội đến Đền thánh Mỏ Đồng như người con và như người lữ hành, để cầu xin Mẹ cho tất cả những người con Cuba của Mẹ và cho đất nước yêu quí này, để tiến bước trên con đường công lý, hoà  bình, tự do và hoà giải.

 

“Về mặt địa lý, Cuba là một quần đảo quay về mọi hướng, với một giá trị đặc biệt như “chìa khoá” giữa bắc và nam, giữa đông và tây. Ơn gọi tự nhiên là ơn gọi trở thành điểm gặp gỡ để tất cả mọi dân tộc ở trong tình thân hữu, như José Martí vẫn mơ ước,””vượt lên trên những chật hẹp của eo biển và những hàng rào của biển cả” (Hội nghị Tiền tệ của các Cộng hoà Mỹ châu, Obras escogidas II, La Habana 1992, 505). Đây cũng chính là ước muốn của Thánh Gioan Phaolô II với lời kêu gọi nồng nhiệt của ngài “để Cuba cởi mở đối với tất cả những khả thể tuyệt vời của mình với thế giới và thế giới cởi mở với Cuba” (diễn văn 21-1-1998,5).

 

Nhắc đến những biến cố gần đây, ĐTC nói: “Từ vài tháng nay, chúng ta chứng kiến một biến cố khiến chúng ta đầy hy vọng: đó là tiến trình bình thường hoá những quan hệ giữa hai dân tộc, sau bao năm xa cách. Đó là một dấu chỉ về sự trổi vượt của nền văn hóa gặp gỡ, đối thoại, hệ thống giá trị đại đồng.. trên chế độ triều đại và phe nhóm đã chết mãi mãi.” (José Martí, ibid.). Tôi khuyến khích các vị lãnh đạo chính trị hãy tiếp tục con đường này và phát huy mọi tiềm năng của nó, như bằng chứng về sự phục vụ cao quý mà họ được kêu gọi thực hiện cho hoà bình và an sinh của các dân tộc của mình, của toàn Mỹ châu và như mẫu gương về sự hòa giải cho toàn thế giới.

 

Tôi phó thác những ngày này cho sự chuyển cầu cảu Đức Trinh Nữ Bác ái Mỏ đồng, Chân phước Olallo Valdés và José López Pieteira và đấng đáng kính Félix Varela, nhà đại phổ biến tình thương giữa người Cuba và tất cả mọi người, để gia tăng những mối liên hệ hoà bình, tình liên đới và tôn trọng lẫn nhau.”

 

Rời phi trường, ĐTC đã về Toà Sứ thần Toà  Thánh để dùng bữa chiều và qua đêm. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết dọc đường dài 18 cây số, có hơn 100.000 người đứng hai bên đường để chào đón ngài. Theo báo chí, số người phải đông đảo hơn nhiều, với những hàng dài ngày càng dầy đặc hơn khi xe chở ĐTC đến gần Toà Sứ thần Toà Thánh.

 

 

G. Trần Đức Anh OP