10/01/2025

Trường bổ nhiệm PGS, GS: Có ủng hộ nhưng cũng băn khoăn

Các chuyên gia đã có nhiều góc nhìn khác nhau trước sự kiện ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm PGS, GS.

 

Trường bổ nhiệm PGS, GS: Có ủng hộ nhưng cũng băn khoăn

 

Các chuyên gia đã có nhiều góc nhìn khác nhau trước sự kiện ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm PGS, GS.


 


Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám tháng 2-2015 - Ảnh: Ngọc Hà
Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám tháng 2-2015 – Ảnh: Ngọc Hà

“Hiện nay, khi tiêu chí đạt chuẩn chức danh GS của chúng ta vẫn đang còn nhiều điểm phải bàn luận, trường nào tiên phong thực hiện bổ nhiệm GS theo chuẩn chất lượng quốc tế chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng. Còn tiên phong để thực hiện mà chuẩn thấp hơn quốc tế thì các trường nên cân nhắc đến các hiệu ứng nhiều chiều

GS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC 
(ĐH Quốc gia 
Hà Nội)

GS.TS Nguyễn Đông Phong (hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ủy viên Hội đồng chức danh GS ngành kinh tế):

Trường tự bổ nhiệm, cần thêm thời gian

Những quyết định của Chính phủ về việc bổ nhiệm PGS, GS đã có sẵn, cho nên các trường phải chấp hành. Nay nhà trường tự đưa ra chuẩn bổ nhiệm PGS, GS riêng sẽ gây xáo trộn trong xã hội. Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng việc trường tự bổ nhiệm PGS, GS là công việc nội bộ của trường, nhưng khi người của trường này xưng danh ra bên ngoài cũng là PGS, GS. Làm sao người dân phân biệt được đâu là GS của trường và đâu là GS của Hội đồng chức danh GS nhà nước?

Ông Lê Vinh Danh – hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng – được trường bổ nhiệm GS, hiện ông Danh ký tên trên bằng tốt nghiệp với chức danh GS. Những bằng tốt nghiệp này được cả xã hội công nhận, vậy đâu còn là việc nội bộ của trường nữa!

Việc các trường ĐH tự bổ nhiệm PGS, GS khá phổ biến ở các nước, tuy nhiên ở VN cần có thêm thời gian. Với thực tế hiện nay của VN, cách bổ nhiệm PGS, GS theo quy định hiện tại là phù hợp để tạo mặt bằng chuẩn mực chung của cả nước. Quan điểm của cá nhân tôi cũng như hội đồng ngành là Trường ĐH Tôn Đức Thắng nên dừng lại việc này và không nên làm.

Nếu sau này đến lúc nào đó Thủ tướng có quyết định Nhà nước không đứng ra làm việc này nữa, có văn bản pháp luật cho phép các trường tự làm thì lúc đó các trường mới được quyền làm. Nhà trường lấy lý lẽ trường được tự chủ rồi thì được phép làm là không đúng. Không phải trường được tự chủ thì muốn làm gì cũng được.

GS.TS Đặng Lương Mô
(GS ĐH Hosel, Tokyo, Nhật Bản):

Đảm bảo công minh thì nên làm

Hiện nay, việc hội đồng của nhà nước phong PGS, GS chỉ còn ở một số nước. Ở rất nhiều nước, nhà nước đã uỷ nhiệm việc này cho các trường ĐH với các tiêu chí rõ ràng. Nhưng dù sao cần tìm hiểu xem ở nước ta đây có phải là vấn đề luật định hay không. Nếu phải thì nên vận động sửa đổi luật trước khi làm khác với luật. Việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện tự bổ nhiệm PGS, GS có lẽ là hơi vội vàng chăng?

Ở các nước người ta làm việc này rất bài bản, cẩn thận. Theo đó, các trường ĐH được quyền tự phong PGS, GS và không có sự phân biệt giữa các trường. Ở các nước tiên tiến, GS các trường ĐH công hay trường ĐH tư đều có giải thưởng lớn, kể cả giải Nobel, điều đó chứng tỏ GS của họ rất xứng đáng.

Tôi nghĩ hiện nay VN đã hội nhập quốc tế, việc gì quốc tế làm được thì ta cũng có thể làm được, nhưng đây là vấn đề khá tế nhị. Khi nào mình thấy đảm bảo được sự công minh, chính xác trong đánh giá năng lực giảng viên để phong danh hiệu xứng đáng thì nên làm.

GS.TS Võ Văn Tới (Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM):

Nhà nước nên giao quyền cho trường ĐH

Ở Thụy Sĩ hiện nay chính phủ liên bang bổ nhiệm GS, PGS. Còn ở Mỹ, chức danh PGS, GS đều do các trường ĐH bổ nhiệm. Các trường được toàn quyền tự phong PGS, GS nhưng phải thông qua một hội đồng GS với luật định rất chặt chẽ. Những quy định này được nhà trường đặt ra, nhưng phải được hội đồng GS chấp nhận.

Ngoài ra khi nhà trường muốn xét bổ nhiệm PGS, GS cho người nào đó, không phải chỉ nội bộ nhà trường xem xét quyết định mà họ còn lấy ý kiến của người bên ngoài. Sau đó, hội đồng trường sẽ mời một trong số những GS đã tham gia đánh giá hồ sơ của ứng viên đến trao đổi với hội đồng để đưa ra quyết định cuối cùng.

Ở các nước, GS của một trường ĐH có thứ hạng thấp có thể được nhận vào làm việc ở trường ĐH có thứ hạng cao hơn (tất nhiên phải qua hội đồng tuyển dụng), nhưng người đó không được công nhận GS mà phải làm lại từ đầu. Ở VN, chức danh PGS, GS do Nhà nước bổ nhiệm được thực hiện với quy định tiêu chuẩn, thủ tục bài bản, nhưng thực tế tôi thấy có những người xứng đáng nhưng lại chưa được bổ nhiệm. Theo tôi, Nhà nước nên giao quyền cho các trường ĐH tự làm việc này.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội):

Đi tiên phong
cần cân nhắc nhiều chiều

Quy trình bổ nhiệm GS, PGS hiện nay ở VN dù hội nhập có phần còn chậm nhưng đã tiếp cận được cách làm của một số quốc gia phát triển. Ví dụ như ở Pháp, việc xét chọn, bổ nhiệm GS là quyền tự chủ của các trường ĐH, nhưng họ vẫn có hội đồng quốc gia để hằng năm đánh giá tiêu chuẩn chuyên môn của các ứng viên GS.

Các ứng viên đạt chuẩn có thể đăng ký để được bổ nhiệm vào vị trí GS ở bất cứ trường ĐH nào có nhu cầu. Không hạn chế về mặt địa lý và thời gian, miễn khi nào được thông báo có nhu cầu tuyển dụng. Nghĩa là đánh giá đạt chuẩn theo chuẩn chung, chỉ một năm một đợt; nhưng bổ nhiệm thì nhiều đợt, theo nhu cầu và thực tế của các trường. Có người được chứng nhận đạt chuẩn nhưng không có vị trí trống hoặc mới thì đành phải đợi.

Hơn thế nữa, ở các nước khi tuyển một vị trí GS thường có một số hồ sơ gửi đến và chỉ một người được chọn. Không phải như ở nước ta đánh giá một lần và các trường bổ nhiệm cùng đợt. Và hầu như tất cả người đạt chuẩn đều được bổ nhiệm, không kể bộ môn đó đã có GS hay chưa, nhiều hay ít.

Tôi ủng hộ sự tự chủ và hội nhập của giáo dục ĐH. Nhưng tự chủ và hội nhập phải được nghiên cứu, thực hiện đầy đủ và toàn diện, tránh việc chỉ áp dụng phương thức nhưng nội hàm lại nửa vời.

Hiện nay, khi tiêu chí đạt chuẩn chức danh GS của chúng ta vẫn đang còn nhiều điểm phải bàn luận, trường nào tiên phong thực hiện bổ nhiệm GS theo chuẩn chất lượng quốc tế chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng. Còn tiên phong để thực hiện mà chuẩn thấp hơn quốc tế thì các trường nên cân nhắc đến các hiệu ứng nhiều chiều.

Cũng phải nói thêm khi thực hiện việc tự công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, Trường ĐH Tôn Đức Thắng lý giải đây là bổ nhiệm chức vụ chuyên môn trong nội bộ nhà trường chứ không phải bổ nhiệm học hàm như cách làm của Hội đồng GS nhà nước.

Tuy nhiên trong cùng một thực thể quốc gia, hệ thống chức danh của công chức, viên chức cũng nên thống nhất chung, tránh gây hiểu lầm và lạm dụng. Một danh từ chỉ nên dùng cho một vị trí, một nghĩa, không cần phải chú thích kèm theo. Tôi rất muốn nhắc lại ở đây là tên gọi và nội hàm phải tương thích với nhau, phù hợp với hệ thống.

GS Bạch Thành Công (chủ tịch Hội đồng chức danh GS ngành vật lý):

Nên có lộ trình
cụ thể

Hiện nay, việc công nhận chức danh GS tại VN được thực hiện theo quy chuẩn thống nhất bằng hệ thống từ hội đồng cơ sở, lên hội đồng ngành rồi Hội đồng chức danh GS nhà nước. Đây là quy trình tương đối ổn định trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, hiện tại trên thế giới nhiều nước cũng đã thực hiện mô hình để các trường được tự chủ trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm GS, PGS với sự cạnh tranh rất lành mạnh. Vấn đề là VN cũng có thể áp dụng mô hình này nhưng là ở lộ trình lâu dài, khi đội ngũ chuyên môn nói chung và ở từng trường mạnh hơn, việc công nhận GS, PGS tại trường ĐH có giá trị tín nhiệm cao và thuyết phục hơn.

Nếu một trường ĐH như Trường ĐH Tôn Đức Thắng muốn triển khai việc công nhận, bổ nhiệm GS, PGS thì họ cần chứng minh cách làm của họ là ưu việt, và các nhà chuyên môn cũng nên xem xét đề xuất này một cách thấu đáo. Bản thân cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có trách nhiệm nghiên cứu các đề xuất này và trả lời ý kiến một cách cụ thể.

Thực tế vài năm trước, Ban cải cách hành chính của Chính phủ và Hội đồng chức danh GS nhà nước từng đề cập đến việc xem xét khả năng giao các trường được tự chủ trong việc này.

Tuy nhiên do đội ngũ GS chưa đông, chưa đủ mạnh nên chưa thể thực hiện tốt việc tuyển chọn GS từ cơ sở giáo dục ĐH. Xét đến cùng, giao tự chủ cho các trường về việc tuyển chọn, công nhận GS, PGS là vấn đề cần xem xét nghiêm túc và có lộ trình cụ thể, chỉ rõ lộ trình ấy sẽ thực hiện bao nhiêu năm, trải qua các bước thế nào chứ không thể chỉ nói “có lộ trình” chung chung, đại khái được. Theo tôi quan sát, việc giao quyền tự chủ về vấn đề này cho các trường đã được nói tới, nhưng mấy năm qua chúng ta chưa có kế hoạch cụ thể nào để thực hiện…

Tự chủ phải trong khuôn khổ của pháp luật

Ngày 17-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hải Thập, phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết cục đã yêu cầu Trường ĐH Tôn Đức Thắng báo cáo về việc nhà trường triển khai bổ nhiệm chức danh GS, PGS theo các tiêu chuẩn riêng, quy trình riêng.

Hiện Bộ GD-ĐT chưa nhận được báo cáo của nhà trường. Tuy nhiên trong những ngày tới, ngay sau khi có báo cáo, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục sẽ xem xét cách làm của trường có phù hợp với các quy định của pháp luật không và báo cáo lãnh đạo Bộ GD-ĐT.

Theo ông Thập, kể cả khi trường được giao thí điểm quyền tự chủ thì việc tự chủ vẫn phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật.

 

TRẦN HUỲNH – NGỌC HÀ thực hiện ([email protected])