29/11/2024

Tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động báo chí

Chiều qua (17.9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự luật Báo chí (sửa đổi).

 

Tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động báo chí

 

 

 

Chiều qua (17.9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự luật Báo chí (sửa đổi).




Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son giải thích thêm về dự án luật

Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son giải thích thêm về dự án luật – Ảnh: Ngọc Thắng

Báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết về tổng thể, dự luật đã kế thừa những nội dung cơ bản của luật hiện hành, tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra tới 12 điểm bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh.
Sắp xếp lại cơ quan báo chí hưởng ngân sách
Theo cơ quan thẩm tra, dự luật quy định đến 9 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí. Do vậy cần rà soát lại các quy định về giấy phép và thủ tục thông báo, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí. Việc này nhằm tăng quyền tự chủ, tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động, phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của các cơ quan báo chí.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, hiện có quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Dự luật cần có những quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, cơ quan thẩm tra cho biết điều 10 đã kế thừa quy định về những nội dung không được thông tin trên báo chí của luật hiện hành, đồng thời có bổ sung thêm. Tuy nhiên, để không làm hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, cần phải cụ thể, minh bạch hoá ngay trong luật theo quy định của Hiến pháp. “Tuy nhiên, điểm i khoản 2 và khoản 3 lại uỷ quyền cho Chính phủ quy định thêm các hành vi cấm khác và quy định chi tiết hướng dẫn thi hành ở các văn bản dưới luật là không phù hợp”, đại diện cơ quan này nói.
Liên quan đến quy định về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí, dự luật quy định văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chỉ được hoạt động tại địa phương khi được chấp thuận bằng văn bản của UBND địa phương đó. Theo cơ quan thẩm tra, quy định như vậy là hạn chế quyền tự do báo chí vì thực tế cho thấy trong một số trường hợp, UBND địa phương gây khó dễ hoặc không đồng ý cho phóng viên thường trú hoạt động do đưa tin, bài viết về các vụ việc tiêu cực của địa phương. Theo ông Đào Trọng Thi, chỉ cần yêu cầu cơ quan báo chí phải gửi thông báo đến UBND tỉnh trước khi đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú hoạt động tại địa phương là đủ.
“Quy định không sai nhưng căng lắm”
Góp ý cho dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bày tỏ băn khoăn về quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chủ quản. Theo bà Mai, thực tế hiện nay VN không thực hiện kiểm duyệt báo chí, các cơ quan chủ quản cũng không duyệt nội dung tin, bài trước khi đăng tải. Vì vậy, với báo chí hiện đại từ lúc có sự kiện đến lúc tin, bài được đăng tải nhiều khi chỉ 5 – 10 phút, xu thế như vậy nếu bắt người đứng đầu cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm là “quá căng thẳng”. “Quy định này không sai nhưng căng lắm, khó lắm anh Tuấn ạ”, bà Mai nói với ông Trương Minh Tuấn (Thứ trưởng Bộ TT-TT phụ trách báo chí, người có mặt cùng Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tại phiên họp).
Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý lưu ý: “Dự luật đang loại bỏ ra ngoài nhiều loại hình mà chúng ta nói có thông tin giống báo chí nhưng không được coi là báo chí. Nếu chỉ có báo chí “có tên, có tuổi” thì việc quản lý rất khó. Tôi băn khoăn luật Báo chí này với vai trò là công cụ quản lý nhà nước sẽ thực hiện quản lý như thế nào”.
Trước quan điểm dự luật không đưa vào quy định các trang tin điện tử, trang cá nhân “có thông tin giống báo chí nhưng không phải báo chí” của cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng bày tỏ không đồng tình. Ông Dũng nói: “Không đưa vào luật thì hóa ra việc khó thì không quản lý à, trong khi đây là vấn đề đang rất nhức nhối trong xã hội”.
Không tư nhân hóa báo chí
Giải trình thêm về dự án luật, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết đây là dự luật khá “nhạy cảm, phức tạp” và đã được sửa đổi tới 18 lần trước khi trình ra Uỷ ban Thường vụ QH. Bộ trưởng cũng cho biết trong quá trình xây dựng dự luật, tại các hội thảo có nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo tự do báo chí phải cho phép tư nhân hoá báo chí.
Lý giải cho việc tư nhân hoá báo chí không được đưa vào dự luật, Bộ trưởng Son cho biết đây là quan điểm của Đảng. Quan điểm của Đảng khẳng định “báo chí là phương tiện thông tin, là phương tiện truyền thông và là vũ khí tư tưởng quan trọng đặc biệt của Đảng, Nhà nước… Đảng, Nhà nước phải nắm chắc công cụ này”.
Các văn bản này cũng nêu rõ: “Báo chí VN là báo chí cách mạng, phải được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện trực tiếp của Đảng, quản lý của nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Không thương mại hoá, không tư nhân hoá báo chí”.

 

Trường Sơn