29/11/2024

Đầu tư nhiều hơn cho nguồn nhân lực

Đó là mong muốn được nhiều cán bộ Đoàn, Hội, Đội, trí thức trẻ, công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM bày tỏ tại buổi góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần X, do Thành đoàn tổ chức chiều 17-9.

 

Đầu tư nhiều hơn cho nguồn nhân lực

 

Đó là mong muốn được nhiều cán bộ Đoàn, Hội, Đội, trí thức trẻ, công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM bày tỏ tại buổi góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần X, do Thành đoàn tổ chức chiều 17-9.


 


Anh Cao Văn Đức - bí thư Đoàn khối doanh nghiệp công nghiệp trung ương tại TP.HCM - góp ý cần nâng cao mức sống của người dân - Ảnh: Thanh Tùng
Anh Cao Văn Đức – bí thư Đoàn khối doanh nghiệp công nghiệp trung ương tại TP.HCM – góp ý cần nâng cao mức sống của người dân – Ảnh: Thanh Tùng

Thành phố nên có cơ chế cho cán bộ công chức dư sống chứ không phải là đủ sống để mọi người yên tâm cống hiến

Anh TRẦN TUẤN PHƯƠNG 
(Ban cán sự Đoàn ĐHQG TP.HCM)

Nhiều ý kiến còn mong TP có chính sách cởi mở cho khoa học công nghệ, nâng cao mức sống người dân, công chức phải dư sống…

Không bỏ quên bất cứ ai

“Đến nay, TP còn hơn 20.000 hộ nghèo và gần 52.000 hộ cận nghèo. Cần phải có chính sách thật cụ thể để nâng cao mức sống cho các hộ này” – anh Nguyễn Nhật Quang (Công dân trẻ tiêu biểu TP) đặt vấn đề.

Theo anh Quang, cần phải xác định rõ địa bàn tập trung những hộ này, xác định nguyên nhân khiến họ nghèo và cách nào giúp họ thoát nghèo. Ý kiến của anh Quang được giảng viên Nguyễn Anh Tuấn (ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) chia sẻ: “Nếu tỉ lệ giảm nghèo mỗi năm chỉ hơn 1% thì 20.000 hộ nghèo của TP chừng nào mới giải quyết hết?”.

“Dự thảo văn kiện đề cập rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Chúng ta cần xác định là nâng cao đời sống của người dân, xóa hộ nghèo, nâng mức sống người dân ngày càng cao hơn” – anh Cao Văn Đức, bí thư Đoàn khối doanh nghiệp công nghiệp trung ương tại TP.HCM, có ý kiến.

Hội trường sôi động hẳn sau ý kiến của anh Cao Văn Đức: “Hiện nay, công nhân trên địa bàn TP vẫn gặp nhiều khó khăn về nhà ở, trường học cho con em, chế độ chăm sóc sức khỏe… Đó là chưa kể sân chơi cho thanh niên công nhân còn hạn chế. Vừa qua số doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động khá nhiều cũng ảnh hưởng xấu đến đời sống, công ăn việc làm của công nhân”.

Chưa hết, theo anh Đức, quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp những chợ tự phát rất nhiều, công nhân sau giờ làm thấy cái gì rẻ thì mua mà không quan tâm đến chất lượng, an toàn thực phẩm. Từ đó, anh Đức đề nghị: “TP nên bố trí những khu chợ ở các khu vực này vì vừa qua đã có những vụ công nhân bị ngộ độc thực phẩm”. Ý kiến của anh Đức cũng là mối quan tâm, trăn trở của nhiều đại biểu.

Còn chị Trần Nguyễn Ngọc Phượng, phó bí thư Quận đoàn 8, mong lãnh đạo TP quan tâm giải quyết những câu chuyện dân sinh, thiết thực với từng hộ dân. Chị Phượng dẫn ngay câu chuyện nhiều hộ dân ở P.5 (Q.8) đến nay vẫn chưa có nước sạch để dùng dù đã kêu cứu, gửi hồ sơ, đơn từ khắp nơi vì nguyên nhân là do vướng một dự án…

Tạo điều kiện cho người trẻ cống hiến

Chị Trần Nguyễn Ngọc Phượng đề nghị cần phải có cách nào đó để người trẻ phát huy được hết khả năng của mình khi được cử đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài về.

Anh Hoàng Ngọc Hiếu (bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế – luật, ĐHQG TP.HCM) góp ý thêm: “Nhiều trí thức trẻ chưa được tạo điều kiện cống hiến hết mình. Không ít trường hợp sau khi đi học về lại bố trí công việc không phù hợp. Người trẻ chúng tôi luôn mong lãnh đạo thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của mình, quyết tâm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng thì mới tạo được niềm tin cho những người trẻ”.

Anh Trần Tuấn Phương (Ban cán sự Đoàn ĐHQG TP.HCM) góp ý lãnh đạo TP cần có chính sách để mỗi cán bộ công chức không thể bằng lòng rằng khi đã vào biên chế thì không lo chuyện mất việc.

Có ý kiến của đại biểu cho rằng TP cần có môi trường để tập hợp các ý tưởng, mô hình, cách làm từ chính đóng góp của người dân để khi cần sẽ dùng chính những điều này và hiện thực hoá vào cuộc sống. Đại biểu cũng đề nghị khi nói là TP đáng sống nên có các tiêu chí cụ thể để người dân biết, hiểu và nhận ra được vai trò, trách nhiệm của từng người trong góp tay xây dựng môi trường đáng sống ấy ra sao.

Thành uỷ trân trọng và lắng nghe ý kiến đóng góp

Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ Lê Văn Minh cho biết đây là lần đầu tiên song song với việc công bố dự thảo văn kiện, Thành uỷ trân trọng gửi thư mời nhân dân TP cùng tham gia góp ý cho Đại hội Đảng bộ TP.

“Điều này chín nhiệm kỳ đại hội đã qua chưa từng làm, Thành uỷ trân trọng và cầu thị lắng nghe, tiếp nhận đầy đủ và tiếp thu phù hợp các ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân TP” – ông Minh cho biết.

Bí thư Thành đoàn Nguyễn Mạnh Cường cho rằng với vai trò người trong cuộc, mỗi đoàn viên thanh niên TP xem việc góp ý văn kiện như là trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ xây dựng TP.

Theo anh Cường, từng cơ sở Đoàn bằng các diễn đàn, toạ đàm hay bất cứ hình thức nào, hãy xem đây là cơ hội để nói lên tiếng nói của giới trẻ cùng hoạch định hướng phát triển cho TP năm năm tới.

 

Q.LINH – MAI HOA ([email protected])