Lo sợ khi trẻ nhiễm vi khuẩn HP
Khi phát hiện trẻ nhiễm vi khuẩn HP, các bậc cha mẹ đưa trẻ đến cơ sở y tế để nhờ bác sĩ diệt tận gốc con HP này. Lý do khiến các bậc cha mẹ sợ vì họ lo HP gây viêm, loét, ung thư dạ dày.
Lo sợ khi trẻ nhiễm vi khuẩn HP
Khi phát hiện trẻ nhiễm vi khuẩn HP, các bậc cha mẹ đưa trẻ đến cơ sở y tế để nhờ bác sĩ diệt tận gốc con HP này. Lý do khiến các bậc cha mẹ sợ vì họ lo HP gây viêm, loét, ung thư dạ dày.
Một bệnh nhi 14 tuổi bị nhiễm vi khuẩn HP đang được bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Chiều 4-9, đang ngồi học ở trường, em Nguyễn Minh P. (14 tuổi, ở TP.HCM) bị ói ra thức ăn. Em cứ đi được vài bước lại bị ói tiếp. P. kêu chóng mặt và được bạn chở về nhà. Lúc này mẹ P. chỉ nghĩ con bị mệt, cảm lạnh. Đến 2 giờ sáng em đau bụng, đi cầu ra phân đen, sau đó ói ra máu. Gia đình vội vàng đưa em đến cấp cứu tại Bệnh viện Q.6, sau đó em được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại đây em bị ói ra máu liên tục. Các bác sĩ cho P. đi nội soi và chẩn đoán bệnh nhi có ổ loét trong dạ dày, làm vỡ các mạch máu trong dạ dày. Trưa 10-9, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi dương tính với vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Các bác sĩ cho biết chính vi khuẩn HP đã gây ra ổ loét dạ dày. Bệnh nhi cần được điều trị HP để ngừa những ổ loét sau này.
Chưa có triệu chứng, vẫn năn nỉ điều trị
Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, P. là một trong số ít trẻ bị nhiễm HP có triệu chứng. Phần lớn trẻ bị nhiễm HP vẫn chung sống hòa bình với con vi khuẩn này mà không triệu chứng gì.
Tuy nhiên, trong thực tế số trẻ bị nhiễm HP không có triệu chứng đến bệnh viện khám lại nhiều hơn số trẻ có triệu chứng. Chỉ cần phát hiện ra một thành viên trong gia đình như ba, mẹ hoặc anh, chị trẻ bị nhiễm HP, lập tức nhiều bậc cha mẹ lo lắng, đưa trẻ đi xét nghiệm tìm vi khuẩn HP. Sau đó đưa trẻ đến các cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện Nhi Đồng 1, để nhờ bác sĩ diệt tận gốc con HP này. Lý do khiến các bậc cha mẹ sợ vì lo HP có thể gây viêm, loét, ung thư dạ dày.
Trước sự lo lắng của phụ huynh khi trẻ bị nhiễm HP, các bác sĩ tư vấn cho phụ huynh hiểu không cần thiết phải điều trị HP. Hiện nay, dù sử dụng phác đồ điều trị HP tối ưu cũng chỉ có 75% trường hợp nhiễm HP được điều trị hết, số còn lại không những vẫn còn HP và con HP này còn có nguy cơ kháng thuốc. Vi khuẩn HP kháng thuốc này nếu lây sang một người trưởng thành thì người đó sẽ không có thuốc điều trị.
Bác sĩ Phúc nhấn mạnh ngay cả khi trẻ đã được diệt HP thì nguy cơ bị nhiễm lại cũng rất cao do trẻ chưa tự ý thức trong việc giữ vệ sinh ăn uống để tránh bị nhiễm lại. Trẻ có thể ăn uống chung với bạn bè và những người xung quanh, trong khi hiện nay hơn 50% dân số bị nhiễm HP. Những nghiên cứu cho thấy nhà ở càng chật hẹp, đông con thì khả năng những người sống trong nhà bị lây nhiễm HP càng cao.
HP nằm trong dịch dạ dày người nhiễm, khi người nhiễm ói ra dịch dạ dày, người khác ăn phải dịch này sẽ bị lây. Ví dụ một bà mẹ bị nhiễm HP, khi ợ lên đúng lúc đang nhai cơm để đút cho trẻ ăn sẽ dễ lây HP cho trẻ. Một lý do nữa để bác sĩ tư vấn không cần phải điều trị cho trẻ nhiễm HP là có một số trẻ khi lớn lên, sức đề kháng tốt có thể không còn HP.
Dù được các bác sĩ tư vấn như vậy nhưng vẫn có những bậc phụ huynh ra sức năn nỉ bác sĩ diệt HP cho con họ với lý lẽ “biết đâu con tôi lại nằm trong số ít những trẻ nhiễm HP có triệu chứng”. Mặc dù đại đa số bác sĩ “kiên quyết” không điều trị những trường hợp này song cũng có một số bác sĩ đã “mềm lòng” chấp nhận cho điều trị vì chính bác sĩ cũng không chắc trẻ có thể sống “hoà bình” mãi với HP, hay một hôm nào đó trẻ bỗng bị xuất huyết phải đưa đi cấp cứu. Bác sĩ cũng “sợ” phụ huynh lại “đổ vạ” cho rằng tại ngày đó bác sĩ không chịu điều trị cho con họ!
Trong y khoa, các bác sĩ sẽ điều trị cho trẻ nhiễm HP gây loét dạ dày hoặc có ông bà, anh chị em bị ung thư dạ dày. Với trẻ nhiễm HP gây viêm dạ dày, các bác sĩ rất cân nhắc trước khi quyết định điều trị.
Tuổi nào cần điều trị?
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, giảng viên bộ môn nội tổng quát Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết trẻ nhiễm HP sau 15 tuổi nếu không có triệu chứng vẫn không cần điều trị. Chỉ khi nào người nhiễm HP có triệu chứng mới cần điều trị.
Ngoài ra, người nhiễm HP sau 15 tuổi bị viêm dạ dày hoặc có biểu hiện hôi miệng đều nên được điều trị. Trước khi điều trị cho người nhiễm HP bị hôi miệng, các bác sĩ yêu cầu người bệnh kiểm tra và xác định không mắc các bệnh lý về răng miệng và hô hấp.
Với những người nhiễm HP không có triệu chứng, bác sĩ Lưu Phương khuyên nên ăn những loại thực phẩm có nhiều vitamin C như cam, quýt, xơri, việt quất, mâm xôi… để làm giảm sự hoạt động của loại vi khuẩn này.
Hiện nay, tại Việt Nam để xác định một người đang bị nhiễm HP trong dạ dày hay không có ba cách.
Đó là nội soi dạ dày, lấy mẫu trong dạ dày xét nghiệm tìm HP hoặc xét nghiệm hơi thở tìm HP (bác sĩ sẽ cho người bệnh uống một viên thuốc, sau đó thổi bong bóng, rồi đo nồng độ sẽ biết người bệnh còn HP hay không). Xét nghiệm phân cũng tìm được vi khuẩn HP.
Còn khi kết quả xét nghiệm máu dương tính với HP chỉ chứng tỏ cơ thể từng tiếp xúc với vi khuẩn HP chứ không thể khẳng định vi khuẩn HP còn tồn tại không.
Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, việc quan trọng nhất khi trẻ bị nhiễm HP là cần theo dõi những triệu chứng để đưa trẻ đi điều trị sớm, kịp thời. Trẻ bị nhiễm HP gây loét dạ dày có thể vẫn không có triệu chứng nhưng cũng có thể bị đau bụng, ợ chua, ợ hơi, no ngang, đầy bụng, thậm chí xuất huyết, thủng dạ dày. Trẻ bị nhiễm HP gây viêm dạ dày có thể bị đau bụng từ ít đến nhiều, tuy nhiên cần lưu ý trẻ bị đau bụng do rất nhiều nguyên nhân chứ không chỉ riêng HP. Cũng có trẻ bị nhiễm HP loét dạ dày âm thầm, chảy máu rỉ rả, nhìn xanh xao, hay bị chóng mặt, học tập không có hiệu quả do bị thiếu máu mãn. Một hôm bất thình lình trẻ bị xuất huyết một mạch máu lớn nào đó, trẻ đi ngoài ra phân đen hoặc ói ra máu. Nếu trẻ bị xuất huyết nhiều, không được điều trị kịp thời có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Với trẻ bị loét dạ dày cấp tính, các bác sĩ sẽ nội soi cấp cứu để cầm máu ổ loét, nếu trẻ bị thủng dạ dày các bác sĩ sẽ tiến hành khâu lại lỗ thủng cho trẻ… Để hạn chế bị nhiễm HP, bác sĩ khuyên không nên ăn chung, không dùng đồ chung cá nhân. |