11/01/2025

Huế – một miền đất võ – Kỳ 1: Trọng võ như văn

Nhắc đến Huế, ai cũng sẽ mặc định đó là đất văn, thành phố của thi ca nhạc vũ, của ẩm thực… Nhưng ít ai biết rằng Huế còn là miền đất võ.

 

Huế – một miền đất võ – Kỳ 1: Trọng võ như văn

 

Nhắc đến Huế, ai cũng sẽ mặc định đó là đất văn, thành phố của thi ca nhạc vũ, của ẩm thực… Nhưng ít ai biết rằng Huế còn là miền đất võ.



Ảnh: Đoàn Cường
Ảnh: Đoàn Cường

Huế cũng là nơi hội tụ những tinh tuý từ môn phái võ cổ truyền đến hiện đại mà “đặc sản” là võ kinh.

“Điều cốt yếu trong việc trị nước phải gồm cả văn lẫn võ, không thể thiên về một bên” – lời dụ của vua Minh Mạng về việc thành lập Võ Thánh miếu có lẽ tỏ tường quan niệm cha ông về võ thuật nay vẫn còn khắc trên bia đá tại phế tích công trình này ở cố đô Huế.

Võ Thánh miếu do KTS Nguyễn Phước Thiện và cộng sự tái hiện bằng công nghệ đồ họa ba chiều
Võ Thánh miếu do KTS Nguyễn Phước Thiện và cộng sự tái hiện bằng công nghệ đồ họa ba chiều

Đề cao nền võ nước nhà

Từ chùa Thiên Mụ ôm một vòng cua trên con đường ven đoạn sông Hương thơ mộng rồi thả xuôi theo con dốc ngắn là tới Võ Thánh miếu triều Nguyễn, thuộc địa phận làng An Ninh Thượng, thị xã Hương Trà.

Đây là nơi hành hương của nhiều dòng họ võ tướng, nhất là các tiến sĩ võ đã được lưu danh trên bia đá.

Võ Thánh miếu nay đã không còn gì ngoài năm tấm bia đá lớn nằm trơ trọi giữa bãi cỏ rộng lớn, nơi đá bóng của thanh niên trong vùng. Đằng sau là khu đồi với tầng tầng lớp lớp mồ mả của người dân địa phương.

Trong ba tấm bia lớn, tấm ở giữa khắc bài ký võ công, hai bên là bia nêu danh những danh tướng đóng góp nhiều công trạng cho triều đình. Hai tấm bia nhỏ hơn lưu danh mười vị tiến sĩ võ ba khoa thi dưới thời Tự Đức các năm 1865, 1868 và 1869.

Sử liệu ghi rõ trên bãi đất trống này đúng 180 năm trước, vua Minh Mạng cho xây Võ Thánh miếu để thờ những bậc anh tài quân sự nhằm đề cao nền võ học nước nhà.

Công trình có quy mô gần như tương đương với khu Văn Thánh miếu ở bên cạnh, với một dãy nhà chính theo lối trùng thiềm điệp ốc rất quy mô, hai bên là tả vu – hữu vu cùng cổng vào phía trước uy nghi…

Trong bài dụ của vua Minh Mạng viết về lý do xây dựng Võ miếu: “Điều cốt yếu trong việc trị nước phải gồm cả văn lẫn võ, không thể thiên về một bên. Việc xây dựng Võ miếu là việc nên làm… Từ Đinh, Lê, Lý, Trần… đời nào cũng có người tài giỏi binh cơ mưu lược.

Huống chi trong triều đình ta từ lúc khai quốc cho đến giai đoạn trung hưng, nhiều người ra mưu giúp nước, công lao rực rỡ không kém gì xưa, cần biểu dương để khuyến khích nhân tài”.

Thời nhà Nguyễn, những người đã tòng quân đương nhiên phải thường xuyên luyện tập võ nghệ và trong năm thường có lịch trình sát hạch. Nhưng muốn có bằng cấp, họ phải được tuyển chọn để dự thi võ.

Học vị cao nhất mà người theo đời nghiệp võ là tiến sĩ. Các khoa thi tổ chức không chỉ dành cho những người trong quân ngũ mà ai cũng có thể tham dự. Vì thế triều đình nhà Nguyễn đã mở hệ thống trường đào tạo võ bị.

Vào thời Tự Đức, triều đình có lệ định: những người học thông binh thư, có tài thao lược, tinh thông súng ống, sức vóc hơn người mà còn trong dân… cho phép được tiến cử.

Cũng giai đoạn vị vua này, những người thi đỗ cử nhân võ cho bổ sung vào Võ học đường luyện tập chờ thi tiến sĩ. Còn trong khoa thi Hội, trừ những người đỗ tiến sĩ và phó bảng ra, còn lại hoặc về học lại ở Võ học đường hoặc sát hạch phân loại mà bổ sung.

Cũng như bên ngành văn có Quốc tử giám, ngành võ cũng có trường Anh danh, Giáo dưỡng. Những võ quan có công lao theo vua tòng chinh được thờ trong Hiền Lương Từ thì con cháu được nhận vào trường Anh danh.

Với quan văn có con không muốn học văn mà tình nguyện theo đòi nghiệp võ cũng cho nhập vào trường Anh danh này…

Võ Thánh miếu ngày nay chỉ còn lại năm tấm bia trơ trọi giữa bãi đất trống - Ảnh: THÁI LỘC
Võ Thánh miếu ngày nay chỉ còn lại năm tấm bia trơ trọi giữa bãi đất trống – Ảnh: THÁI LỘC

Võ ở trong văn

Theo nội dung khắc trên bia đá, trong số chín công thần là danh tướng đầu triều được khắc tên, có đến bốn người con của đất Huế.

Đó là các tướng quân: Phạm Hữu Tâm, Tạ Quang Cự, Mai Công Ngôn và Phạm Văn Điển. Đặc biệt, trong mười tiến sĩ võ của triều đại này, có đến ba vị quê ở đất Thừa Thiên: Nguyễn Văn Vận, Dương Viết Thiệu và Trần Văn Hiển.

Tuy nhiên, sách khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn ghi chép về mười vị tiến sĩ võ triều Nguyễn tại ba khoa thi, tất cả đều với “hành trạng về sau thế nào không rõ” hoặc “chưa khảo cứu được”…

Chúng tôi may mắn tìm ra manh mối tiến sĩ võ Dương Viết Thiệu người làng Dưỡng Mông Thượng (nay là Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ). Ông đỗ tiến sĩ võ năm 1868 lúc 37 tuổi.

Ông Dương Viết Hồng gọi tiến sĩ võ Dương Viết Thiệu là ông cố nội, chia sẻ: lúc sinh thời nhà ông Thiệu rất nghèo, bản thân ông có thân hình hộ pháp, giọng nói oang oang, dõng dạc như sấm. 17 – 18 tuổi đã cùng trai tráng trong làng lập hội đi gặt lúa thuê cho các làng khác.

Một lần nọ, khi qua làng Dạ Lê Chánh thì thanh niên làng bên thách thức gánh lúa thi. Ông lấy dao chặt một cây tre thẳng thớm, dài tới 12 mắt tre để làm đòn gánh.

Một buổi sáng ông gánh sáu gánh, mỗi gánh đến 12 bó lúa khiến thanh niên làng bên khiếp phục. Sức vóc phi phàm của ông đồn vang tận kinh thành. Ông vừa luyện võ nghiệp vừa trau dồi kinh sử, binh thư yếu lược, võ kinh yếu lược và đỗ tiến sĩ võ năm 1868.

Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, đồng chủ biên sách khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, cho rằng các vua Nguyễn đã có những quan niệm ngộ nhận về võ.

Nhìn vào lịch sử, Võ Thánh miếu được thành lập dưới thời Minh Mạng, nhưng đến thời Tự Đức thì triều đình mới tổ chức thi tiến sĩ võ và chỉ tồn tại được ba khoa rồi bỏ.

“Có lẽ đương thời triều đình cứ nghe đến võ thuật kỳ bí như truyền thuyết, nào là những ngón nghề siêu phàm như bay qua đọt cây, đi trên nước hay làm được những điều phi phàm. Và triều đình tổ chức kỳ thi nhằm thu hút những bậc kỳ nhân có năng lực siêu phàm ấy ra để giúp nước.

Tuy nhiên, tất cả những điều ấy là lời đồn lan truyền, ảnh hưởng từ những câu chuyện trong sách chứ thực tế võ Việt hay bất cứ võ nào cũng không có như vậy. Chúng ta hiện nay mà còn quan niệm không đúng về võ như thế thì hồi xưa tin vào điều đó là dễ hiểu!” – ông Dũng nhận xét.

Đồng quan điểm này, nhà văn – võ sư Nguyễn Văn Dũng (võ đường Nghĩa Dũng Karate-do, Huế) cho rằng trong võ thuật không có điều gì vượt ngoài quy luật vật lý cả, có chăng chỉ là những lời đồn đại trong dân gian, không có thật.

Lần xem lại các bài thi võ, kể cả tiến sĩ, khá đơn giản, nào là xách tạ, múa côn và múa thương, bắn súng điểu thương… Do đó, nhiều người đỗ tiến sĩ võ thường được gọi là dân võ biền, có người không biết chữ.

Bởi vậy trong dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện dân văn rất coi thường dân võ. Đó cũng là lý do các kỳ thi võ về sau, triều đình còn ra đề văn cho thí sinh thi võ nhưng đề thi cũng đơn giản. Dần dần thấy các kỳ thi võ không thu nhặt được gì nên triều đình cũng ngưng tổ chức thi.

Tuy nhiên, võ thuật không phải vì vậy mà không được đề cao, bởi lẽ theo nhiều người, ở đây là “võ ở trong văn”.

Nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan nhận xét: “Nhìn dọc theo lịch sử, những danh tướng thành danh thường từ văn, có gốc văn mà ra, điển hình như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản…”.

Đó cũng là những người đã thông kim cổ, minh tường đấu pháp, dụng binh ở tầm chiến lược chứ không chỉ trông đợi vào sức mạnh của thể lực, của cơ bắp. Vì lẽ đó mà trong văn có võ. Điều quan trọng là tinh thần thượng võ được sử dụng, được tôn vinh và được duy trì tiếp nối.

______________

Kỳ tới: Võ ta – Bạch hổ sơn quân

 

ĐOÀN CƯỜNG – THÁI LỘC