CSGT làm nghiêm, vi phạm sẽ giảm
Có đến 62,5% người tham gia khảo sát không tin rằng việc tăng cao mức phạt sẽ giảm tình trạng vi phạm Luật giao thông. 37,5% còn lại cho rằng giảm được, nhưng kèm theo đó là nhiều băn khoăn lo lắng khác.
CSGT làm nghiêm, vi phạm sẽ giảm
Có đến 62,5% người tham gia khảo sát không tin rằng việc tăng cao mức phạt sẽ giảm tình trạng vi phạm Luật giao thông. 37,5% còn lại cho rằng giảm được, nhưng kèm theo đó là nhiều băn khoăn lo lắng khác.
Xe máy chạy lên vỉa hè dành cho người đi bộ. Ảnh chụp trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM – Ảnh: T.T.D. |
Đó là kết quả cuộc khảo sát nhanh với 40 người dân TP.HCM quanh chủ đề giải pháp nào để giảm vi phạm Luật giao thông mà Tuổi Trẻ vừa thực hiện.
Mức phạt cao dễ sinh tiêu cực?
Theo dự thảo nghị định thay thế nghị định số 171 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến, nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt tăng nặng, thậm chí tăng gấp nhiều lần so với mức cũ.
Tuy nhiên có 62,5% người trả lời khảo sát cho rằng có tăng mức phạt cũng không giảm được vi phạm giao thông.
Lý do được đưa ra nhiều nhất là vi phạm Luật giao thông còn do nhiều nguyên nhân khác chứ không chỉ là ý thức người dân (56%), ví dụ như đường sá chật chội, kẹt xe kéo dài, biển báo không rõ ràng, thay đổi quy định tại tuyến đường nào đó mà không thông báo trước…
Lý do kế tiếp là việc tăng mức phạt sẽ làm tăng tình trạng tiêu cực, vì khi ý thức người dân và điều kiện đường sá không thay đổi thì việc vi phạm vẫn như thường (44%).
“Mức phạt cao càng dễ khiến người vi phạm thoả thuận, sẵn sàng chung chi để được bỏ qua, vì nếu đi đóng phạt theo quy định sẽ tốn tiền hơn rất nhiều”, chị Lý Vĩnh Quyên (32 tuổi) nhận định.
Nỗi lo về nạn tiêu cực dường như là điểm chung giữa hai luồng ý kiến cho rằng có thể giảm và không thể giảm vi phạm giao thông khi tăng nặng mức phạt.
Nói rằng “Người dân sợ bị phạt nhiều tiền thì sẽ có ý thức hơn”, song anh Trần Văn Thanh, kỹ sư xây dựng, vẫn băn khoăn: “Nhưng tăng mức phạt quá cao lại dễ sinh tiêu cực”.
Còn anh Nguyễn Ngọc Thuận (Q.Bình Thạnh) nhận định: “Giảm được đấy, nhưng cũng chỉ một phần thôi, chủ yếu ở bộ phận người nghèo, người lao động bình dân vì sợ không có tiền đóng phạt. Còn người giàu hoặc những người cậy quen biết, quyền thế mà ý thức không tốt, họ vẫn vi phạm như thường”.
Chỉ có 2 trong tổng số 40 người nói rằng cần phải tăng mức phạt hơn nữa, tăng thời gian giam xe… để răn đe người vi phạm. Trái lại, có tới 4 ý kiến cho rằng “đừng có cái gì cũng phạt tiền”, bởi vì việc trừng phạt chỉ thể hiện sự bất lực của Nhà nước trong việc giáo dục công dân chấp hành luật pháp.
Ông V.V.Đ., một lái xe đường dài, nói: “Xử phạt vốn chỉ là một trong các chức năng của cảnh sát giao thông (CSGT), nhưng ở nhiều nơi nhiều lúc, người ta thấy chức năng này là chính”.
Anh Diệp Trung (Q.5) cũng cho rằng: “Không phải lúc nào cũng phạt tiền để răn đe người dân được. Việc tuyên truyền giáo dục là chủ yếu, nếu lỗi nào không lớn và do vô tình thì chỉ nên nhắc nhở, góp ý cho người ta biết mà sửa thôi”.
Đồ hoạ: Việt Anh |
Tăng cường giám sát việc thực thi luật
Kết quả khảo sát cũng cho thấy có 42,5% số trường hợp phạm lỗi chấp nhận bị lập biên bản, nộp phạt tại kho bạc nhà nước theo đúng quy định.
Những người này nói rằng nếu đúng là mình đã phạm lỗi, có bằng chứng rõ ràng thì “cứ làm theo pháp luật, đi nộp phạt cũng chẳng phiền hà gì”, “thay vì dành thời gian khúm núm năn nỉ thì lên kho bạc đóng phạt cho thoải mái”…
Nhưng có đến 57,5% tìm cách để không bị lập biên bản. Trong số những người này (23 người), có tới 69,9% chọn cách đưa tiền, 56,5% năn nỉ xin xỏ, 13% nhờ người khác can thiệp.
Như vậy, nếu bộ máy thực thi pháp luật làm việc nghiêm chỉnh để ngăn chặn tình trạng này thì chắc sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông của người dân.
Một điều đáng ghi nhận là khi được hỏi về những biện pháp bổ sung cần áp dụng (bên cạnh phạt tiền) để giảm vi phạm giao thông, nhiều người trả lời đều đặt vấn đề tăng cường giám sát công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.
“Yếu tố quan trọng nhất là đội ngũ CSGT, họ làm nghiêm, cứ theo luật mà xử thì sẽ tốt ngay thôi”, chị Trần Kim Ngân (Q.Bình Thạnh) góp ý kiến. Anh xe ôm Cao Văn Phát (Q.Bình Thạnh) cũng cho rằng: “CSGT nên giữ lại giấy tờ, xử phạt theo đúng quy định pháp luật với người vi phạm”.
Anh Thành Long, nhân viên giao hàng 23 tuổi, đề nghị gắn camera lên nón CSGT để kiểm tra, theo dõi việc xử lý vi phạm.
Các camera giao thông trên đường cũng được người dân ủng hộ, vì khi đó việc xử phạt có bằng chứng rõ ràng, khả năng xảy ra tiêu cực thấp hơn, mặt khác giúp người dân ý thức hơn, tránh vi phạm để bị phạt.
Có tới 55% ý kiến trả lời rằng cần chấn chỉnh tình trạng tiêu cực trong đội ngũ thực thi công vụ, nếu phát hiện tiêu cực cần phạt thật nặng như đuổi khỏi ngành, phạt tù…
Các “biện pháp mạnh” đối với người vi phạm như một số nước áp dụng (phạt roi, buộc lao động công ích…) ít được ủng hộ.
“Buộc lao động công ích là biện pháp hay, tôi nghĩ là nên áp dụng, không chỉ với lỗi giao thông. Nhưng việc phạt phải công khai, công bằng thì người dân mới phục”, anh Nguyễn Ngọc Thuận nhận định. Trái lại, các biện pháp mềm mỏng như tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật lại nhận được sự đồng tình của 52,5% số người tham gia khảo sát.
Ông Hoàng Cơ Tạo (55 tuổi, ngụ Q.2):
Tuyên truyền cho người dân biết rõ các mức phạt. Nếu biết vừa chạy xe vừa nghe điện thoại mà bị phạt tới 600.000-800.000 đồng thì nhiều người sẽ sợ và chấp hành luật. Hoàng Mạnh Nam (21 tuổi, nhân viên giao hàng):
Nên tạo điều kiện cho người dân vi phạm giao thông nộp phạt dễ dàng hơn, thay vì phải tốn thời gian tới kho bạc. CSGT cần được trang bị camera ghi hình lại. Khi lập biên bản xử phạt phải có bằng chứng kèm theo lỗi vi phạm. |