11/01/2025

“Bổ nhiệm giáo sư là quyền của nhà trường!”

Sáng 16-9, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin thêm về việc nhà trường đang triển khai thực hiện bổ nhiệm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS).

 

“Bổ nhiệm giáo sư là quyền của nhà trường!”

 

Sáng 16-9, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin thêm về việc nhà trường đang triển khai thực hiện bổ nhiệm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS).



 

Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ tự học - Ảnh: Trần Huỳnh
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ tự học – Ảnh: Trần Huỳnh

Trước đó ngày 16-9, Tuổi Trẻ đã phản ánh câu chuyện trên ở bài Trường công nhận giáo sư là phạm luật.

Theo đó, ông Bùi Mạnh Nhị, chánh văn phòng Hội đồng chức danh GS nhà nước, cho biết cách làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng – tự ý phong chức danh GS, PGS – là vi phạm pháp luật.

“Theo quy định, việc công nhận chức danh GS phải được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, từ hội đồng cơ sở, hội đồng ngành và cuối cùng phải đến Hội đồng chức danh GS nhà nước mới quyết định ứng viên có đủ tiêu chuẩn được công nhận GS, PGS không” – ông Bùi Mạnh Nhị cho biết.

“Danh xưng GS, PGS trong nội bộ nhà trường là xưng hô bình thường. Trong quy định của chúng tôi, tất cả những người đã được Hội đồng chức danh GS nhà nước phong PGS, GS đều được nhà trường hoàn toàn công nhận. Vì vậy, sẽ tồn tại GS của Nhà nước phong và GS của Trường ĐH Tôn Đức Thắng phong, nhưng không có sự phân biệt trong cách gọi

Ông Vũ An Ninh

Trường đang thực hiện quyền tự chủ

Theo ông Vũ An Ninh – trưởng phòng tổ chức hành chính Trường ĐH Tôn Đức Thắng, việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho chuyên gia, nhà khoa học của trường được thực hiện dựa trên quyền tự chủ được cho thí điểm bởi quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ.

“Quy chế tự chủ của nhà trường được quy định theo quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó không quy định các hoạt động tự chủ của nhà trường phải xin ý kiến Bộ GD-ĐT. Tất cả hoạt động của nhà trường hiện nay đang thực hiện theo quy định thí điểm Thủ tướng cho phép” – ông Ninh khẳng định.

Trường phân chức vụ được bổ nhiệm trong nhà trường ra làm hai loại: chức vụ quản lý (ban giám hiệu, trưởng phòng – khoa, trưởng bộ môn) và chức vụ chuyên môn: tập sự giảng dạy, trợ giảng, giảng viên, GS trợ lý, PGS, GS (tập sự nghiên cứu, trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, GS trợ lý nghiên cứu, PGS nghiên cứu, GS nghiên cứu, GS xuất sắc).

“Tất cả những chức vụ này đối với nhà trường là chức danh nội bộ bổ nhiệm, để làm chuyên môn chứ không phải bổ nhiệm học hàm. PGS, GS do Trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm không phải là PGS, GS theo nghĩa học hàm của Hội đồng chức danh GS nhà nước bổ nhiệm. PGS, GS của nhà trường được bổ nhiệm cũng sẽ có miễn nhiệm, không phải được bổ nhiệm vĩnh viễn. Khi không thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công thì sẽ bị xem xét miễn nhiệm. Có sự khác biệt rất lớn giữa PGS, GS của nhà trường với PGS, GS của Hội đồng chức danh GS nhà nước. PGS, GS của nhà trường bổ nhiệm gắn liền với công việc, nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với quốc tế. Đây không phải danh vị được tôn vinh” – ông Ninh nhấn mạnh.

Đại diện nhà trường cho biết thêm đối tượng bổ nhiệm PGS, GS là chuyên gia, nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên, hợp đồng làm việc với trường 1 năm trở lên. Vì đối tượng này không phải là công chức, thực hiện nhiệm vụ và hưởng mọi chế độ đãi ngộ, thu nhập do nhà trường trả bằng nguồn thu của trường.

Do vậy việc bổ nhiệm, giao nhiệm vụ, cung cấp điều kiện làm việc tương xứng và trả thu nhập có giá trị trong nội bộ nhà trường là quyền của nhà trường. Mọi sự can thiệp vào việc bổ nhiệm nội bộ của trường là vi phạm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH, theo tinh thần nghị quyết 29 và quy 
định của Luật giáo dục ĐH.

“Chức vụ GS, PGS của nhà trường được nhà trường công nhận, còn các đơn vị khác, trường khác hoặc ai đó có công nhận hay không là tuỳ. Nhà trường không yêu cầu tất cả mọi tổ chức, xã hội, đơn vị khác công nhận” – ông Ninh nói.

Tự bổ nhiệm GS để hội nhập với quốc tế

Ông Ninh băn khoăn: Hội đồng chức danh GS nhà nước gọi người được phong là GS, nếu nhà trường không muốn dùng từ đó để khỏi trùng lắp thì gọi là gì để thể hiện chuyên môn? Đối với các trường ĐH quốc tế chỉ có PGS, GS của trường ĐH mà hầu như không có PGS, GS không thuộc một 
trường ĐH nào cả.

“Dùng một từ gì để chỉ chức vụ chuyên môn trong trường ĐH, chúng tôi không tìm ra được tên gọi nào khác. Để có thể hội nhập với quốc tế có lẽ chỉ có từ PGS, GS để chỉ chuyên môn là đúng nhất. Mục tiêu của nhà trường trong việc bổ nhiệm chức danh PGS, GS là để tạo sự phân công công việc rõ ràng, phát huy năng lực của từng người, và gắn trách nhiệm của người được bổ nhiệm để làm việc tốt hơn. Đây không phải là vinh danh, vinh dự mà là nhiệm vụ nặng nề. Chúng tôi không dám so sánh tiêu chuẩn bổ nhiệm GS của Trường ĐH Tôn Đức Thắng khó hơn, cao hơn hay thấp hơn so với điều kiện của Hội đồng chức danh GS nhà nước, nhưng có thể khẳng định để được bổ nhiệm PGS, GS của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là rất khó” – ông Ninh khẳng định.

Đồng thời, nhà trường cho rằng quy định bổ nhiệm PGS, GS của trường gắn liền với công việc khoa học, đòi hỏi cách đánh giá rất nghiêm túc, thông qua các công bố quốc tế, có bằng sáng chế quốc tế được bình duyệt chặt chẽ.

Quy trình xem xét bổ nhiệm thông qua hội đồng có chuyên gia uy tín của nhà trường và chuyên gia được mời từ bên ngoài. Việc xem xét bổ nhiệm được thực hiện công khai, không bỏ phiếu kín để loại bỏ những cá nhân trù ếm, bất đồng.

“Hiện nay chỉ có quy định bổ nhiệm PGS, GS thông qua Hội đồng chức danh GS nhà nước, nhưng chưa có quy định nào không cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng hay bất kỳ trường ĐH nào khác bổ nhiệm PGS, GS. Những gì luật không cấm thì chúng ta được phép làm. Vì vậy, việc làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng không phải là việc làm vi phạm pháp luật”- ông Ninh cho biết.

Chỉ tồn tại chức vụ khi còn làm việc tại trường

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, trưởng khoa luật Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng: “PGS, GS do Nhà nước phong là học hàm tồn tại suốt đời, còn chức vụ PGS, GS của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ tồn tại khi chủ thể còn đang làm việc tại trường và gắn liền với chức vụ chuyên môn.

Học hàm PGS, GS của Nhà nước phong được hưởng các quyền lợi, hệ số lương do Nhà nước quy định. Còn chức vụ PGS, GS của Trường ĐH Tôn Đức Thắng được giải quyết lương theo cơ chế tự chủ của nhà trường. Vì vậy, không thể so sánh quy chế học hàm chức danh GS của Hội đồng chức danh GS nhà nước với quy chế chức vụ của nhà trường”.

Chúng tôi muốn làm rõ!

Việc xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn GS, PGS tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng là một hoạt động và quy định nội bộ, có giá trị bên trong nhà trường, để có cơ sở tính thu nhập, chế độ phục vụ, điều kiện làm việc và nhiệm vụ của người có chức vụ trên.

Khi chưa hiểu nội hàm nhà trường làm gì đã quy kết cách làm của trường vi phạm pháp luật là cực kỳ thiếu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo cấp trên, Bộ GD-ĐT để đề nghị ông chánh văn phòng làm rõ xem Trường ĐH Tôn Đức Thắng vi phạm pháp luật gì?

Bởi chẳng có điều luật nào cấm trường bổ nhiệm và miễn nhiệm chức vụ chuyên môn bên trong nhà trường. Sau khi gửi văn bản báo cáo cấp trên, chúng tôi sẽ chờ ông Bùi Mạnh Nhị 30 ngày để xem lại và đính chính. Nếu không, chúng tôi sẽ khởi kiện việc này ra toà và ông ấy sẽ có dịp trả lời trách nhiệm hơn tại toà.

GS LÊ VINH DANH (hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng)

 

TRẦN HUỲNH ([email protected])