Hội chợ sách quốc tế chưa đủ tầm quốc tế
Được hy vọng mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, nhưng công tác tổ chức Hội chợ – Triển lãm sách quốc tế lần thứ 5 diễn ra từ ngày 10 – 14.9 vừa qua tại công viên Thống Nhất (Hà Nội) đã để lại nhiều nỗi băn khoăn.
Hội chợ sách quốc tế chưa đủ tầm quốc tế
Được hy vọng mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, nhưng công tác tổ chức Hội chợ - Triển lãm sách quốc tế lần thứ 5 diễn ra từ ngày 10 – 14.9 vừa qua tại công viên Thống Nhất (Hà Nội) đã để lại nhiều nỗi băn khoăn.
Có thể kể đến một số hoạt động đáng chú ý của hội chợ lần này như ra mắt cuốn sách Ataturk người khai sinh ra nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại và giao lưu với Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ của Công ty CP sách Alpha; Chương trình giới thiệu, quảng bá về tổ chức Hội chợ sách quốc tế Frankfurt và thị trường xuất bản thế giới do Thaiha books tổ chức; giao lưu với bà Sonia Santiango – Tổng thư ký Hiệp hội Xuất bản ASEAN (đây là 3 hoạt động được ghi nhận là có sự tham gia của các gương mặt quốc tế); Ngoài ra, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ban tổ chức hội chợ, tổng số lượng sách phục vụ bạn đọc lần này khoảng gần 5 triệu bản, với tổng doanh thu khoảng hơn 15 tỉ đồng.
Lèo tèo các nhà xuất bản thế giới
Lúc đầu ban tổ chức quảng bá rằng hội chợ sẽ có sự góp mặt của 20 nhà xuất bản lớn và uy tín quốc tế trong đó có 5 NXB hàng đầu thế giới (như: Oxford University Press, Cambridge University Press, Macmillan, Cengage, Pearson, Efuture, PageOne, Taschen, Basheer, Tan Yang, Bookpoint Limited, Harper Collins, Scholastic, Penguin Random house, Simon & Schuster, Hachette Book Group USA, The Book Service LTD…). Vậy mà ngày khai mạc, số lượng các nhà xuất bản, đơn vị phát hành quốc tế chỉ lèo tèo. Ông Chu Văn Hoà, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục Xuất bản) giải thích, do thời gian tổ chức thay đổi nên một số đơn vị không thu xếp kịp.
Vài đơn vị còn lại dường như chỉ đến cho vui. Thực tế là họ chỉ xuất hiện với tấm bảng hiệu quốc tế, còn các hoạt động giao lưu, quảng bá hoàn toàn được đảm nhận bởi các đơn vị phát hành trong nước. Lưa thưa vài gian hàng của các nhà xuất bản gắn mác quốc tế nằm lọt thỏm trong không gian hội chợ.
Các hoạt động giao lưu với tác giả, tác phẩm quốc tế hoàn toàn không có. Các hoạt động đàm phán về bản quyền sách tại hội chợ giữa các đơn vị xuất bản VN với đối tác nước ngoài cũng không. Đại diện các đơn vị tham gia hoạt động xuất bản liên kết quốc tế khi chia sẻ với PV Báo Thanh Niên đều tỏ ra thất vọng khi không có những hoạt động này.
Sách lậu cũng được bày bán
Một điểm trừ khác cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là với quy mô hội chợ quốc tế nhưng hầu hết các chương trình hoạt động lại mang đậm dấu ấn của các đơn vị xuất bản trong nước. Không chỉ có vậy, trong khuôn viên Hội chợ sách quốc tế lần này, có những cuốn sách của các tác giả nổi tiếng trong nước được xuất bản lậu và in trái phép cũng được bày bán. Đó là cuốn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng được bày bán tại gian hàng của TriViet Books, cuốn Ba phút sự thật của nhà văn Phùng Quán và cuốn Thú chơi sách của Vương Hồng Sển được bày bán tại gian hàng sách cũ không đề biển của người đàn ông tên là Chiến…
Trong sự kiện giới thiệu, quảng bá về tổ chức Hội chợ sách quốc tế Frankfurt và thị trường xuất bản thế giới được tổ chức ngày 11.9, bà Claudia Kaiser – Phó chủ tịch Ban tổ chức Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, đã thẳng thắn chia sẻ với các PV rằng bà rất ngạc nhiên và thấy thú vị với việc tổ chức hoạt động này ngoài công viên. “Nhưng tôi nghĩ rằng rất khó để biến đây thành hội chợ sách quốc tế được. Tôi chưa biết nếu hội thảo thì sẽ tổ chức ở đâu? Hàng trăm, hàng nghìn người sẽ ngồi ở chỗ nào? Người giới thiệu sách quốc tế sẽ giới thiệu ở đâu? Khu vực giao lưu, trao đổi về bản quyền sẽ ngồi ở chỗ nào? Tôi đều không thấy”. Bà Kaiser cũng nói rằng “điểm dở nhất là chúng tôi hoàn toàn không biết một chút nào về văn hóa VN cả”, rằng bà không được biết bất cứ tác phẩm nào của VN và bà đề nghị các PV giới thiệu cho bà một số đầu sách của VN để bà tìm đọc.
Hội chợ sách không chỉ để bán sách
Từng tham gia các hội chợ sách quốc tế trong khu vực và trên thế giới (Thượng Hải, Bắc Kinh, Malaysia, Frankfurt…), tôi không khỏi cám cảnh khi bạn bè xuất bản quốc tế thường lắc đầu khi được hỏi về hội chợ sách quốc tế ở nước ta.
Nguyên do chính theo họ, là chúng ta tổ chức quá sơ sài. Một hội chợ sách quốc tế thường có tầm quy mô lớn hơn, ngoài việc “bán sách”. Các đơn vị xuất bản nước ngoài hào hứng tới tham dự các hội chợ sách quốc tế bởi họ muốn được sống, được hít thở, được cảm nhận những nét tinh tuý nhất trong ngành xuất bản, cũng như những xu hướng xuất bản mới của từng nước nói riêng và quốc tế nói chung; đồng thời cũng mong muốn tìm kiếm các đối tác xuất bản và phát hành mới ở các nước.
Các hội thảo quy tụ rất nhiều nhân sĩ, trí thức tên tuổi trong ngành xuất bản, và những vấn đề họ đưa ra, đề cập, bàn bạc, mổ xẻ được đông đảo giới xuất bản, phát hành quốc tế quan tâm, chứ không chỉ tập trung đề cập tới vấn đề xuất bản riêng lẻ mỗi nước.
Việc giao lưu với các nhà văn, giới thiệu sách… chỉ được coi là các hoạt động hết sức bình thường, không có gì đặc biệt, nhằm làm tăng thêm độ nhấn nhá của các gian hàng mỗi nước.
Nguyễn Lệ Chi
(Giám đốc Chibooks) |
Hiếu Trình