Dạy hoà nhập theo cách riêng
Nhờ xen kẽ việc học và chơi, thư giãn đầu óc mà việc học tập của học sinh hoà nhập (các em chậm phát triển so với lứa tuổi) ở Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) ngày càng tốt hơn, tiếng lành đồn xa.
Dạy hoà nhập theo cách riêng
Nhờ xen kẽ việc học và chơi, thư giãn đầu óc mà việc học tập của học sinh hoà nhập (các em chậm phát triển so với lứa tuổi) ở Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) ngày càng tốt hơn, tiếng lành đồn xa.
Học sinh Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian – Ảnh: MỸ DUNG |
Học sinh hoà nhập nếu không đủ sức khoẻ, chỉ học một buổi, buổi còn lại được về lớp hoà nhập để thư giãn đầu óc hoặc gia đình đón về. Mỗi lớp chỉ có tối đa hai học sinh hoà nhập để các em mau tiến bộ.
Mạnh dạn làm khác
Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11) khác biệt với hầu hết các trường tiểu học khác tại TP.HCM vì có một lớp trẻ chậm phát triển với 23 học sinh đủ lứa tuổi. Lớp học đó được xây dựng lên từ một dự án từ thiện, rồi ở lại với trường như một phần không thể thiếu tại nơi đây. Trước năm học 2013 – 2014, trẻ ở lớp học này vẫn học kiến thức mỗi ngày hai buổi, nhưng sau đó hiệu trưởng nhà trường quyết định “một buổi học, một buổi dành để chơi!”.
“Nếu học cùng lúc bảy tiết văn hoá/ngày, trẻ sẽ mệt mỏi. Nên từ hai năm nay, chúng tôi chỉ cho trẻ học một buổi, buổi còn lại để cho bảo mẫu giữ, tổ chức các hoạt động riêng, không tập trung cho trẻ học tập nữa” – ông Văn Nhật Phương, hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ, cho biết.
Trẻ hòa nhập là những trẻ chậm phát triển so với lứa tuổi, nhiều trẻ vừa học vừa uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Giáo viên đứng lớp Phùng Thị Việt cho biết từ khi trẻ hòa nhập chỉ học một buổi, buổi còn lại được tập múa, tập hát, tham gia các hoạt động khác thì sự tiến bộ của trẻ nhanh hơn, số lượng trẻ được ra học hoà nhập với học sinh lớp 1, lớp 2 tăng lên.
Thấy việc học một buổi có kết quả với trẻ hpà nhập, nhà trường mạnh dạn thực hiện cả với những học sinh hoà nhập không đủ sức khoẻ, hoặc trong các ngày thời tiết thất thường. Thời tiết ở TP.HCM vào những tháng 3, 4, 5 là nắng nóng nhất. Đó cũng là thời điểm học sinh hoà nhập trong các trường tiểu học, THCS dễ bực bội nhất. Tại Trường tiểu học Phú Thọ, những ngày tháng 3, 4, 5 học sinh hoà nhập vẫn vui tươi sinh hoạt.
“Trời nắng nóng, người bình thường còn dễ cáu gắt, những trẻ tăng động, có bệnh về thần kinh càng… cá tính hơn. Vì thế trong những ngày như vậy, trường lưu ý giáo viên để ý nhiều hơn đến học sinh hoà nhập, nếu thấy các em khó ở là cho thư giãn – như xuống lớp để tham gia các hoạt động, vào học các giờ thể dục với những lớp khác hoặc đề nghị gia đình đón về” – thầy Phương kể.
Không tách riêng học sinh hòa nhập
Học sinh hoà nhập được phép học một buổi, nghỉ một buổi (nếu muốn), nhưng lớp học phải luôn đảm bảo một điều: không được tách riêng học sinh hoà nhập trong tất cả các hoạt động và mỗi lớp tối đa chỉ hai học sinh thuộc diện này.
Tại lớp 1/8, trong một giờ tập đọc, hai học sinh hoà nhập là T.V.P., H.H.T. dường như được chú ý nhiều hơn.
Trong khi nhiều học sinh bình thường tỏ ra nhút nhát khi có người lạ vào lớp, nhưng P. vẫn tự tin giơ tay đọc bài, dù bàn tay em giơ lên không được thẳng như các bạn. Thi thoảng P. lại nhâm nhi cục kẹo trong miệng, rồi tự nhiên đi xuống vứt vỏ kẹo vào thùng rác dưới góc lớp. P. được sắp xếp ngồi gần một học sinh khá nhanh nhẹn.
T. cao hơn, ngồi ở vị trí giữa lớp và cũng được sắp xếp ngồi cạnh một học sinh sôi nổi. Như tất cả học sinh khác, sau khi học sinh hoà nhập trả lời xong câu hỏi của giáo viên, cả lớp lại được cô giáo khuyến khích “chúng ta vỗ tay khen bạn nào” và lớp học lại rộn rã tiếng vỗ tay.
Cô Hoàng Thị Bắc, giáo viên chủ nhiệm lớp, kể cả T. và P. đều đã hơn 10 tuổi, đầu năm học, vào lớp các bạn hoà nhập chưa quen với lớp. P. bị chàm máu, chậm phát triển. T. thì bị tự kỷ, dễ nổi nóng và hay đánh bạn. Điều quan trọng của những học sinh này là học cách giao tiếp, chơi với bạn, học các thói quen như giơ tay khi phát biểu, biết kiềm chế cảm xúc…
Vì thế, cô giáo yêu cầu cả lớp không được trêu chọc bạn, cô nói với cả lớp: “Bạn không được khoẻ, nên chúng ta phải giúp đỡ bạn để bạn khoẻ lên, không làm bạn giận”. Chín tháng học trôi đi nhanh chóng, năm nay cả T. và P. đều được lên lớp 2.
Hiện Trường tiểu học Phú Thọ có 58 học sinh hoà nhập trên tổng số hơn 1.700 học sinh. Học sinh hòa nhập được chia đều ra cho từng khối, từng lớp, những cô giáo có kinh nghiệm chuyên môn sẽ phải nhận 2 học sinh hoà nhập/lớp. Khối 1: 6, khối 2: 13, khối 3: 8, khối 4: 3, khối 5: 5.
“Chỉ mới đầu hè, nhiều phụ huynh từ các nơi đã về xin vào trường, để con học hoà nhập. Nhưng tôi phải kiên quyết từ chối. Vì mỗi lớp chỉ có 1 – 2 học sinh trái tính trái nết đã là khó học, mà có đến 4 – 5 học sinh học hoà nhập thì không thể nào các em nhanh tiến bộ lên được” – thầy Văn Nhật Phương giãi bày.
Nguyên tắc “cùng bạn hơn cùng cô” Tại Trường tiểu học Phú Thọ, lớp 2 luôn là lớp đông học sinh hoà nhập nhất. Theo các giáo viên ở đây, vì khối 2 bài vở không nhiều, các em lại ổn định tâm lý do đã có khoảng thời gian làm quen với bạn học; nên độ tuổi này thích hợp nhất để giáo viên có thể giúp học sinh hoà nhập giao tiếp nhiều hơn với bạn, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Do vậy, nhiều trường hợp phụ huynh có con học hoà nhập lớp 1 muốn xin… ở lại lớp 1 vì “thích cô giáo, con đã quen với cô giáo” cũng được nhà trường khuyên nên cho con lên lớp 2 cùng bạn. Theo nhà trường, nguyên tắc “cùng bạn hơn cùng cô” tỏ ra hữu ích hơn đối với học sinh hoà nhập. |
“Em quen hết ban giám hiệu!” Một lần đang ngồi ở văn phòng trường, chúng tôi hết sức bất ngờ khi một bạn dáng to cao bước vào văn phòng, ra vẻ như muốn nói chuyện với thầy Dương Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ. Hỏi ra mới biết đó là một học sinh hoà nhập. Thầy Văn Nhật Phương, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Các em rất tự nhiên với ban giám hiệu”. Riêng thầy Phương không chỉ nhớ hết tên các học sinh hoà nhập mà còn biết được sở trường của các em. “Có em rất giỏi máy vi tính, chuyên vào tắt giùm máy vi tính của ban giám hiệu. Có em lại mê tivi, luôn đến để hỏi thầy “tivi này 3D phải không thầy?”. Với ban giám hiệu nhà trường, muốn cho các em học sinh hoà nhập gần gũi, chơi với bạn thì trước tiên thầy cô phải làm gương về sự thân thiện, hoà đồng với học sinh. Khi chúng tôi gặp em N.H.N., học sinh hòa nhập lớp 2/6, em cho biết mình biết tên và quen tất cả thầy cô trong ban giám hiệu, văn phòng. |