11/01/2025

Văcxin dịch vụ tăng giá mạnh

Thời gian qua, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhận được thông báo tăng giá 6 loại văcxin dịch vụ, mức tăng phổ biến 5 – 10% …

 

Văcxin dịch vụ tăng giá mạnh

 

Thời gian qua, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhận được thông báo tăng giá 6 loại văcxin dịch vụ, mức tăng phổ biến 5 – 10% …


 


Ngày 14-9, một phụ nữ theo dõi bảng giá tiêm chủng trong một cơ sở y tế tại Hà Nội, trong đó có nhiều mức giá mới vừa được điều chỉnh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ngày 14-9, một phụ nữ theo dõi bảng giá tiêm chủng trong một cơ sở y tế tại Hà Nội, trong đó có nhiều mức giá mới vừa được điều chỉnh – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Loạn giá văcxin dịch vụ chỉ là 
phần ngọn 
Giá phải rẻ hơn cho người dân…

 
 

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho hay trong thời gian qua, trung tâm này nhận được thông báo tăng giá 6 loại văcxin dịch vụ, mức tăng phổ biến 5 – 10%.

Theo thống kê các biểu giá kê khai lại, có thêm nhiều loại thuốc và văcxin tăng giá trong thời gian tới, như văcxin phòng thương hàn giá bán lẻ thông thường trước đây 135.000 đồng/mũi, mức giá trần bán buôn mới kê khai lại lên tới 120.000 đồng/mũi, nhiều cơ sở tiêm chủng đã áp dụng giá bán lẻ mới 185.000 đồng/mũi.

Nhiều lý do tăng giá

Khảo sát tại cơ sở tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội ngày 14-9, rất nhiều trong số hơn 20 loại văcxin mà cơ sở này niêm yết giá đều đang hết hàng, trong đó nóng nhất là văcxin 5 trong 1 và 6 trong 1 dịch vụ. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, trung tâm đã hết văcxin 5 trong 1 từ hơn một tháng trở lại đây, còn 6 trong 1 thì từ đầu năm 2015 chưa nhận được liều nào. “Dự báo là cuối tháng 10 tới sẽ có một đợt văcxin 5 trong 1 dịch vụ nhập khẩu về, nhưng chúng tôi cũng chưa chắc chắn lắm” – ông Cảm chia sẻ.

Tuy văcxin hết sạch, nhưng văcxin 5 trong 1 dịch vụ lại là một trong những loại văcxin có điều chỉnh tăng giá nhiều nhất trong số các văcxin tăng giá đợt này: từ giá bán buôn 485.000 đồng/mũi trước đây lên 629.000 đồng/mũi.

Bên cạnh đó, các văcxin ngừa viêm màng não mủ, huyết thanh kháng dại cho người, văcxin phòng thương hàn, thuỷ đậu… cũng lên giá, chủ yếu ở mức 5 – 10%. Do giá văcxin thay đổi, các cơ sở tiêm chủng cũng đã điều chỉnh giá tiêm mới, từ 630.000 đồng/mũi văcxin 5 trong 1 dịch vụ trước đây lên 710.000 đồng, và tới đây giá sẽ còn điều chỉnh theo tỉ giá và mức giá bán buôn cụ thể của lô hàng sắp về.

Theo ông Cảm, có năm yếu tố cấu thành nên giá bán lẻ văcxin dịch vụ, bao gồm giá văcxin, chi phí bảo quản, phần chi cho hao hụt văcxin, công tiêm và thuế. Trong đó, phần hao hụt văcxin dịch vụ được tính 1 – 2% giá trị lô hàng, còn văcxin thông thường phần hao hụt có thể cho phép lên tới 10 – 100% tuỳ loại văcxin.

Về lý do văcxin tăng giá, ông Cảm cho rằng tỉ giá ngoại tệ thay đổi cũng là lý do quan trọng, thứ nữa là yếu tố thị trường, văcxin dịch vụ thực hiện theo cơ chế thị trường, thuận mua vừa bán, bên cạnh đó là xu hướng giá văcxin cũng như nhiều mặt hàng khác luôn có xu hướng tăng chứ ít khi giảm giá.

Về phía nhà cung cấp văcxin, theo bà Đặng Hồng Thuý – giám đốc Công ty Hồng Thúy, nhà nhập khẩu văcxin 5 trong 1 ở phía Bắc, nhiều năm nay công ty này không điều chỉnh giá văcxin, mà giữ ở mức 485.000 đồng/mũi, kể cả các giai đoạn khan hiếm văcxin cũng không tăng giá văcxin, nhưng hiện nay tăng giá vì nhà sản xuất có điều chỉnh chính sách với thị trường VN.

“Trước đây ở giai đoạn mới mở thị trường, nhà sản xuất khuyến mãi bằng cách giảm giá cho thị trường VN 10%, chúng tôi trừ luôn vào giá bán buôn. Nhưng gần đây thị trường đã phát triển, nhà cung cấp cũng không đủ văcxin cung cấp nên họ không còn chính sách khuyến mãi này, vì thế chúng tôi phải điều chỉnh giá” – bà Thuý cho biết.

Mỗi nơi một giá

Theo khảo sát của chúng tôi trong cập nhật giá thuốc kê khai lại tới ngày 8-9 của Cục Quản lý dược, ít nhất có khoảng 10 loại văcxin dịch vụ có điều chỉnh tăng giá. Bên cạnh đó, có hàng chục loại kháng sinh, thuốc điều trị cho người thiếu canxi hoặc loãng xương, thuốc chống ung thư và điều hoà miễn dịch kê khai lại theo hướng tăng giá.

Tuy nhiên, trả lời Tuổi Trẻ ngày 14-9, Cục Quản lý dược cho biết… chỉ có một mặt hàng tăng giá 4% theo lộ trình (do giá nhập khẩu từ nước ngoài tăng), còn hoàn toàn không có đợt điều chỉnh tăng giá nào!?

Trong khi đó, thống kê từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), số lượng mặt hàng có giá nhập khẩu thay đổi chiếm 3 – 5% tổng số các mặt hàng đang lưu hành, trong đó Dicloberl 50mg nhập từ Đức giá 1,78 USD/hộp, tăng 3,25%; Imacef 100mg giá 1,2 USD/hộp, tăng 7,14%…

Cập nhật giá kê khai lại cũng cho thấy có 61 lượt mặt hàng nhập khẩu, 606 lượt mặt hàng sản xuất trong nước, chiếm khoảng 2,5%/tổng số 25.000 loại thuốc đang lưu hành trên thị trường có điều chỉnh tăng giá. Phải chăng hệ thống báo cáo, thống kê về giá thuốc của các cơ quan chức năng đang mỗi nơi một kiểu?

Trong khi nhà cung cấp văcxin 5 trong 1 mới điều chỉnh giá lần này là lần đầu kể từ năm 2008, nhưng giá tiêm ngừa văcxin 5 trong 1 dịch vụ đã mỗi nơi một giá từ lâu. Gần đây, Sở Y tế Hà Nội phát hiện một y tá ở quận Ba Đình rao giá tiêm một liều văcxin 5 trong 1 dịch vụ lên tới 4 triệu đồng, gấp gần 7 lần so với giá tiêm thông thường ở cơ sở tiêm chủng.

Các cơ sở tiêm chủng hầu hết cũng đã điều chỉnh giá 2 – 3 lần trong vòng ba năm qua, chủ yếu họ kê khai tăng giá do chi phí tư vấn trước tiêm – sau tiêm và công tiêm tăng, nhưng theo một chuyên gia, rất khó tính toán phí tư vấn trước – sau tiêm như thế nào là vừa vì thông thường mỗi buổi tiêm, một bàn tiêm cũng tiêm chủng cho 50 trẻ.

Do tăng giá tại khâu tiêm chủng, chi phí cho một mũi tiêm văcxin dịch vụ đã tăng 30.000 – 150.000 đồng nếu so sánh giá 2012 với giá tiêm hiện nay, trong khi tính từ năm 2008, đây là lần đầu tiên các nhà nhập khẩu văcxin tăng giá văcxin bán buôn.

Dù đã thông báo điều chỉnh giá nhưng nhiều loại văcxin dịch vụ (trong ảnh là văcxin Pentaxim) đang trong tình trạng “đã hết” (ảnh chụp chiều 14-9 tại một cơ sở y tế ở Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Dù đã thông báo điều chỉnh giá nhưng nhiều loại văcxin dịch vụ (trong ảnh là văcxin Pentaxim) đang trong tình trạng “đã hết” (ảnh chụp chiều 14-9 tại một cơ sở y tế ở Hà Nội) – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tỉ lệ người dân sử dụng văcxin dịch vụ gia tăng rất mạnh

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, do Hà Nội không tái lưu hành tả và thương hàn, nên hiện chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm phòng 10 loại bệnh cho khu vực Hà Nội.

Tuy nhiên tại các phòng tiêm dịch vụ đang sử dụng các loại văcxin phòng trên 20 loại bệnh và nhiều bệnh trong đó đang phổ biến ở VN như thủy đậu, viêm gan A, tiêu chảy do rota virus, viêm màng não mủ do não mô cầu… Ông Cảm cho rằng muốn phòng bệnh chủ động thì tỉ lệ tiêm phòng phải tăng lên, trong đó có cả tiêm chủng dịch vụ.

Theo tính toán, tỉ lệ người dân sử dụng văcxin dịch vụ đang gia tăng rất mạnh, như số lượng văcxin ngừa thủy đậu nhập đã tăng 2 – 3 lần trong hai năm vừa qua. Tuy nhiên, việc quản lý ở khu vực tiêm dịch vụ lại chưa tương xứng với quy mô.

Gần đây, Cục Y tế dự phòng có ý tưởng khởi động một dự án sổ tiêm chủng điện tử nhằm thống nhất quản lý đối với cả hai nhóm tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng (sổ điện tử sẽ đánh dấu bất kể là trẻ tiêm chủng mở rộng, tiêm dịch vụ ở bất kỳ địa điểm nào và lần đi tiêm kế tiếp, cán bộ y tế sẽ xác định mũi trước đó bé đã được tiêm văcxin nào, tránh bỏ sót và trùng lặp mũi tiêm). Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn chưa được triển khai rộng rãi.

* Chị Lê Phương Thúy (quận Ba Đình, Hà Nội):

Tiêm dịch vụ trễ lịch, tiêm chủng mở rộng thì ngại

Con tôi 15 tháng nhưng mới được tiêm 2/3 mũi văcxin 5 trong 1 theo lịch, trong khi lịch tiêm văcxin dịch vụ này là khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Lần tiêm nào của con tôi cũng trễ lịch vì cha mẹ phải vất vả canh văcxin, chen chúc… mới có thể được tiêm. Hiện nay muốn tiêm mũi thứ ba cho bé cũng khó vì không tìm ra văcxin.

Hôm trước thấy có thông tin từ giờ đến cuối năm sẽ có hàng trăm ngàn liều văcxin dịch vụ tổng hợp về Việt Nam, tôi đã mừng thầm. Nhưng khoảng một tháng nay gọi điện đi khắp phòng tiêm chủng, nơi nào cũng nói không còn văcxin tổng hợp 5 trong 1, 6 trong 1, hay thậm chí 3 trong 1. Tôi cũng đã mấy lần định cho con tiêm văcxin tiêm chủng mở rộng, nhưng lại nghe tin các cháu sốt nhiều, sưng đau chỗ tiêm sau tiêm nên lại e ngại.

* Chị Nguyễn Thị Hà (Q.9, TP.HCM):

Nhịn ăn, nhịn mặc để tiêm 
văcxin dịch vụ cho con

Tôi có con trai 18 tháng tuổi. Từ ngày sinh bé ra đến nay, những loại văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà có văcxin dịch vụ tôi đều lựa văcxin dịch vụ để chích ngừa cho cháu, cho yên tâm. Mới đây, tôi mới biết đến văcxin dịch vụ phế cầu (văcxin ngừa phế cầu khuẩn có thể gây viêm màng não, viêm phổi…). Nếu loại văcxin này cần thiết cho con, dù văcxin tăng giá tôi vẫn nhịn ăn, nhịn mặc để chích ngừa cho con.

QUỲNH LIÊN – THÙY DƯƠNG ghi