Lập rào cản ngăn chuyện “bôi trơn”
Với mục tiêu là được việc, đa số coi việc chạy vạy, lo lót là chuyện bình thường và chấp nhận nó như lẽ đương nhiên để “bôi trơn” cho công việc.
VIẾT TIẾP BÀI THÓI QUEN TÌM “QUYỀN TRỢ GIÚP
Lập rào cản ngăn chuyện “bôi trơn”
Với mục tiêu là được việc, đa số coi việc chạy vạy, lo lót là chuyện bình thường và chấp nhận nó như lẽ đương nhiên để “bôi trơn” cho công việc.
Đẩy mạnh cải cách hành chính cũng góp phần hạn chế tình trạng “bôi trơn”. Trong ảnh: Người dân tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ được thông báo công khai qua máy tính đặt ở trụ sở UBND Q.Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: Thuận Thắng |
Thực tế cho thấy ít nhiều trong cuộc sống, để nhanh chóng giải quyết những vướng mắc trong công việc thì gần như ai cũng từng phải chạy vạy, lo lót ngay từ những điều nhỏ nhặt liên quan đến hành chính, dân sự ở khu dân cư cho đến những việc ở trường học, bệnh viện, công sở, các cơ quan công quyền…
Với mục tiêu là được việc, đa số coi việc chạy vạy, lo lót là chuyện bình thường và chấp nhận nó như lẽ đương nhiên để “bôi trơn” cho công việc.
Chính thái độ này đã tạo môi trường nuôi dưỡng tiêu cực, tham nhũng “vặt” phát triển tới mức tràn lan ở mọi cấp, mọi ngành, mọi đơn vị, địa phương.
Ngày 1-8-2015, nghị định số 56/2015/NĐ-CP “Quy định về đánh giá, phân loại công chức, viên chức” có hiệu lực thi hành. Nghị định này sẽ có tác động như thế nào đến cán bộ, công chức trong việc xây dựng đạo đức, tác phong trong thực thi công vụ, hình thành thói quen sống liêm chính, trung thực? Người dân rất mong mỏi vào điều này |
“Phổ biến nhưng khó xử lý”
Trong các loại tham nhũng “vặt”, có việc hối lộ để người nhận hối lộ thực hiện hành vi phi pháp. Đây thật sự là sự móc nối giữa trong và ngoài khu vực công làm thiệt hại cho Nhà nước, tạo ra môi trường bất bình đẳng và gây mất trật tự xã hội.
Các vụ hối lộ này thường xảy ra ở các lĩnh vực thuế, hải quan, công an… để bảo kê cho các hoạt động xã hội đen như buôn lậu, cờ bạc, trốn thuế…
Loại hối lộ theo kiểu “bôi trơn” hay bồi dưỡng thường diễn ra phổ biến và được coi là thông lệ, bình thường, xuất hiện trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính với những khoản tiền và quà không lớn nhằm giải quyết công việc của mình một cách nhanh chóng.
Đặc điểm của loại hối lộ này là cả người đưa và kẻ nhận đều thực hiện công việc trong khuôn khổ pháp luật. Người đưa mong muốn nhanh chóng đạt được những lợi ích hợp pháp của mình, còn người nhận thì làm đúng phận sự trong phạm vi chức trách, quyền hạn của mình.
Có loại hối lộ theo kiểu cảm ơn, mặc dù không có sự thỏa thuận trước nhưng sau khi giải quyết xong một công việc nào đó, người được việc sẽ tìm cách gặp gỡ và có món quà để cảm ơn người đã giải quyết việc cho mình. Hiện tượng này gần với việc quà cáp, do đó cũng khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có thể nói hối lộ dưới các hình thức quà cáp, bồi dưỡng, “bôi trơn”, cảm ơn… mang tính phổ biến nhưng hầu như không bị phát hiện và xử lý.
Trong thực tế, người đưa hối lộ rất hiếm khi tố cáo, chỉ khi họ thấy bị lừa dối hoặc mục đích không đạt được như thoả thuận thì họ mới tố cáo, nhưng lúc này tội phạm về đưa hối lộ đã hoàn thành nên khi tố giác hành vi nhận hối lộ đồng nghĩa người ấy tự tố cáo chính mình, tự chui đầu vào vòng “tố tụng”.
Ngoài ra, hành vi hối lộ được tiến hành với sự đồng loã từ cả hai phía – người hối lộ và người nhận hối lộ – nên người ta dễ có khuynh hướng bao che cho nhau.
Lý do thứ hai là tùy văn hoá, có những văn hoá xem tham nhũng là điều xấu xa và không thể chấp nhận, nhưng cũng có những văn hoá xem việc tham nhũng như một trong những cách giao tiếp và làm ăn chứ không phải từ góc độ đạo đức, cho nên nó có thể chấp nhận được khi số lợi ích do tham nhũng mang lại nhiều hơn các nguy cơ họ phải đối diện.
Chặn từ phía người nhận
Tham nhũng “vặt” khá phổ biến và đã làm ảnh hưởng đến uy tín, gây tổn hại cho nền thiết chế chính trị pháp lý hiện hành và lòng tin của nhân dân. Rõ ràng trong phòng chống tham nhũng, cái nhỏ nếu không được ngăn chặn ắt sẽ dẫn đến cái lớn hơn, gây hậu quả lớn hơn.
Suy cho cùng “cái gốc” của tham nhũng “vặt” là từ người nhận. Bởi lẽ người nhận hối lộ là người có thẩm quyền quyết định làm hoặc không làm một việc và người này luôn ở vào thế chủ động, thế của “người trên”. Người này có toàn quyền quyết định nhận hoặc không nhận tiền hối lộ.
Trong khi đó, phần lớn người đưa hối lộ ở vào thế “kẻ dưới”, chẳng hạn do “cơ chế” không đưa tiền thì không thể giải quyết công việc trôi chảy hoặc bị cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh.
Để đối phó với các biểu hiện muôn hình vạn trạng của nạn tham nhũng “vặt”, cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Đặc biệt, cần quan tâm tới việc giải quyết, xử lý các vấn đề sai phạm, vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên.
Tránh tình trạng nhiều vụ việc điều tra xử lý hàng tháng, thậm chí hàng năm, rồi từ năm này sang năm khác vẫn chưa có kết quả hoặc bỏ dở khiến nhân dân mất dần niềm tin, bức xúc, nghi ngờ có sự bao che lẫn nhau giữa các đảng viên, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, cần phải đề cao lối sống liêm chính, trung thực, từ đó tác động đến cán bộ, công chức để họ gương mẫu, làm việc công tâm, tuân thủ đúng quy định luật pháp.
Để thực hiện được lối sống liêm chính, trung thực, cái cốt lõi vẫn là ở tự thân cán bộ, công chức. Họ phải tu dưỡng rèn luyện lại chính mình rồi sau nữa mới đến việc thực thi pháp luật cho hiệu quả.
Cán bộ, công chức phải trở thành hạt nhân lan toả lối sống liêm chính, trung thực ra cả cộng đồng, tới mọi tầng lớp nhân dân.