10/01/2025

Giẫm lên người chữa… bá bệnh?!

Đó là kiểu chữa bệnh quái dị mà bà Phạm Thị Phú (được gọi trân trọng là “cô Phú”) đang áp dụng, lôi kéo rất đông người bệnh đến, gây xáo trộn an ninh trật tự địa phương.

 

Giẫm lên người chữa… bá bệnh?!

 

 

Đó là kiểu chữa bệnh quái dị mà bà Phạm Thị Phú (được gọi trân trọng là “cô Phú”) đang áp dụng, lôi kéo rất đông người bệnh đến, gây xáo trộn an ninh trật tự địa phương.



Giẫm lên người chữa... bá bệnh?! - ảnh 1
Giẫm lên người chữa... bá bệnh?! - ảnh 2
Giẫm lên người chữa... bá bệnh?! - ảnh 3
Giẫm lên người chữa... bá bệnh?! - ảnh 4

Phương pháp chữa bách bệnh của cô Phú “cá” – Ảnh: C.T.V

Ngoại trừ 2 ngày thứ hai và thứ sáu đóng cửa, những ngày còn lại trong tuần hàng trăm người bệnh lũ lượt đổ về khu nhà khám bệnh của “cô Phú” (43 tuổi, ngụ P.Thắng Lợi, TX.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Nhiều người phải chờ gần hết ngày mới đến lượt, thậm chí cả tuần vẫn chưa đến lượt. Theo lời đồn, rỉ tai những người bệnh đang theo chữa trị tại đây, “cô Phú” là “người giời”, có biệt tài chữa khỏi bách bệnh, kể cả ung thư, bại liệt, thần kinh, tự kỷ…
Bệnh gì cũng… lột và giẫm !
Bà Trịnh Thị H., ở gần nhà mẹ đẻ “cô Phú”, nói với chúng tôi: “Cô Phú chữa bệnh gần chục năm nay. Trước tôi học cùng cô ấy nên biết rất rõ. Sau thời gian đi bán cá ở chợ, cô ấy bỗng tuyên bố có người ở trên trời nhập vào cô ấy để chữa bệnh. Thế là từ đó rất đông người tìm đến nhà cô Phú để chữa… Lạ ghê, bác sĩ chữa bệnh theo từng chuyên khoa, còn với cô Phú bệnh nào tới cô cũng nhận, cũng gật đầu, rồi nói họ cởi trần ra để cô giẫm đạp lên người”. Bà H. còn cho biết thêm, người dân địa phương chẳng ai tin “cô Phú” chữa được bệnh, vì trước đây có vài người trong làng bị ung thư đến nhờ “cô Phú” chữa nhưng rồi họ vẫn chết vì bệnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người bệnh tìm tới nhờ “cô Phú” chữa chủ yếu là những người ở ngoại tỉnh. Đến đây, “cô Phú” đều bắt lột quần, áo, chỉ còn chiếc quần lót, rồi nằm úp xuống đất thành một hàng dài… để “cô Phú” với đôi chân trần đi lại, giẫm đạp lên lưng người bệnh, “truyền dòng điện siêu nhiên trị bệnh”. Trong khi số người khỏi thì chưa thấy đâu, nhưng thông tin “cô Phú” chữa bách bệnh lại được truyền tai nhau rất nhiều. Nhiều trường hợp sau thời gian dài trị bệnh không khỏi vẫn u mê ở lại với mong muốn được “điện siêu nhiên” chữa trị. Như trường hợp cô gái tên N.T.P (24 tuổi, ngụ H.Gia Lâm, TP.Hà Nội) mắc bệnh tâm thần. Gia đình đưa P. đến “cô Phú” chữa trị mấy năm, tốn kém rất nhiều nhưng bệnh vẫn không khỏi.
“Tôi khẳng định cô Phú không thể chữa được bệnh ung thư với cách chữa như vậy. Đừng tin mù quáng mà mất tiền oan. Bố tôi bị ung thư phổi, từng chạy chữa chỗ cô Phú, nhưng không khỏi. Bố tôi mất đã được 6 năm. Chắc khi đọc những dòng này, cô Phú vẫn nhớ đến bố tôi”, anh Tân, quê Nam Định, một nạn nhân của “cô Phú”, chia sẻ.
 

Rất đông người đến “cô Phú” chữa trị

Rất đông người đến “cô Phú” chữa trị

“Người giời” từng bị tâm thần
Ông Trần Văn Thắng (65 tuổi, ở H.Chương Mỹ, TP.Hà Nội, mắc bệnh ung thư phổi) từng được “cô Phú” chữa trị nói với chúng tôi: “Ngày đầu khi tôi đến đây thì được mấy cô cậu trẻ lắm, họ nhận là người được cô Phú ra tay cứu chữa, giờ họ đến để cảm ơn. Họ kể, do trong người cô Phú có quá nhiều năng lượng siêu nhiên, nếu không chữa bệnh để phát tán năng lượng thì sẽ bị phát rồ, phát dại. Trước đây cô ấy cũng bị phát điên một lần, phải đi bệnh viện tâm thần, nhưng giờ về cứu người làm phúc đức nên trở lại bình thường rồi… Vài tháng sau tôi quay lại nhà cô Phú, tôi vẫn thấy mấy cô cậu trẻ đó tới “cảm ơn” và kể những câu chuyện cũ cho những người khác nghe như từng kể với tôi”. Sau mấy lần tìm tới “cô Phú” chữa trị nhưng bệnh không thuyên giảm, giờ ông Thắng đến cơ sở y tế để thăm khám.
Ngụ cùng tổ dân phố với “cô Phú”, bà T.T.H (48 tuổi) kể: “Tôi biết rõ cô Phú này chẳng có bằng cấp gì về y tế hết. Khi chưa hành nghề, cô Phú chuyên bán cá ngoài chợ và chuyên cân điêu (cân thiếu – PV), vì vậy mà tới giờ dân làng chúng tôi vẫn gọi cô ấy là Phú “cá””.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ tháng 2.2005, bà Phú bắt đầu có hoạt động biểu hiện mê tín dị đoan, như lên đồng, xem bói và chữa bệnh. Trong thời gian này, bà Phú bị đoàn kiểm tra liên ngành phạt tới 4 lần. Từ năm 2006, bà Phú chuyển sang hoạt động chữa bệnh và tiếp tục bị cơ quan chức năng nhiều lần lập biên bản xử phạt, yêu cầu chấm dứt.
“Lãnh đạo bận đi họp giao ban”
Cơ quan chức năng cũng chỉ rõ: bà Phú không được đào tạo về y khoa, không có bất cứ chứng nhận, chứng chỉ, bằng cấp về đào tạo y khoa; không có giấy chứng nhận lương y, không có giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền cũng như không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Cơ sở chữa bệnh của bà Phú cũng không có quy trình kỹ thuật chữa bệnh; không có bất cứ dụng cụ, phương tiện y khoa hiện đại nào, không có thuốc và phương tiện để cấp cứu người bệnh…
Ấy vậy mà không hiểu vì lý do gì gần chục năm nay cơ sở chữa bách bệnh của cô Phú “cá” vẫn tồn tại? Hôm qua PV Thanh Niên đã tìm đến chính quyền sở tại, cũng như lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, khi vừa nghe đến tên “cô Phú” thì bảo vệ, nhân viên hai cơ quan trên đều trả lời: “Lãnh đạo bận đi họp giao ban, sẽ thông tin lại sau”.
Trách nhiệm của chính quyền địa phương
Theo ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược học cổ truyền Bộ Y tế, hiện Bộ vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ y tế địa phương về sự việc này. Trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền, cơ quan quản lý y tế địa phương, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động về khám chữa bệnh trên địa bàn.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khẳng định trong danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế chưa từng có kỹ thuật, phương pháp nào là trị bệnh bằng cách giẫm lên lưng. Do đó, chính quyền, cơ quan quản lý y tế địa phương cần có biện pháp chấn chỉnh ngay hoạt động chữa bệnh không phép nói trên, nhằm tránh gây hậu quả cho người bệnh.
Nam Sơn

Hỗn độn như khu tị nạn
Hôm qua (14.9) mặc dù không phải ngày “cô Phú” mở cửa theo lịch nhưng vẫn có rất đông người trong căn phòng rộng khoảng 100 m2 ở khu nhà chữa bệnh, nằm chen chúc cả nam lẫn nữ. Những người này từ địa phương khác tới, phải ở lại để sáng hôm sau đợi tới lượt chữa trị. Ngay cạnh phòng họ nằm là những túp lều mọc lên san sát để làm nơi nấu nướng và đun thuốc. Nồi, chảo, bát, đũa… đặt lộn xộn – khung cảnh hỗn độn như ở khu tị nạn. Những người phục vụ tại đây cho hay, số lượng người bệnh lưu lại mỗi ngày cũng lên tới cả trăm người và “không phải ai thích là đều được nghỉ lại tại đây, mà phải do cô Phú phê duyệt”. Khi chúng tôi hỏi tìm nơi để trọ, người này chỉ đến nhà bà nội và bà ngoại của “cô Phú” cách đó không xa để thuê. Phòng trọ bình dân giá trung bình 15.000 đồng/người/ngày; phòng máy lạnh 70.000 – 80.000 đồng/ngày. Ngoài ra còn dịch vụ xe ôm, quán cơm, tạp hóa…
Một số người dựng lều bán nước gần nơi chữa bệnh của “cô Phú” khẳng định: “Người bệnh đến từ Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ… đủ cả. Họ đến rồi thuê nhà ở lại, ăn uống ngủ nghỉ nhiều ngày gây xáo trộn cả khu vực và làm “béo” cho những người cung cấp dịch vụ ăn, nghỉ – đều là con cháu, họ hàng của bà Phú”.

 

Hà An – Thanh Tâm