Dùng thức ăn thừa “nuôi” rau sạch
Trên tầng 12 ở một chung cư, diện tích bancông hơn 1m2, chị Đinh Thị Dự (ngụ đường Lý Thường Kiệt, Q.11, TP.HCM) trồng nhiều loại rau củ quả và cả cây thuốc.
Dùng thức ăn thừa “nuôi” rau sạch
Trên tầng 12 ở một chung cư, diện tích ban công hơn 1m2, chị Đinh Thị Dự (ngụ đường Lý Thường Kiệt, Q.11, TP.HCM) trồng nhiều loại rau củ quả và cả cây thuốc.
Yên tâm với rau trái nhà tự trồng – Ảnh: Minh Huyền |
Giờ đây, chị khá yên tâm với bữa ăn gia đình vì đã có rau quả “của nhà trồng được”.
Điều chị Dự hài lòng nữa là phân bón cho cây được dùng từ thức ăn thừa, vỏ trái cây, rau, bã từ nước ép trái cây, bã sữa đậu nành…
Rau sạch tại gia
Chị Dự trồng cải mầm, ngải cứu, rau ngót, mồng tơi, rau muống cạn, khế… trong chậu đất nhỏ. Ngoài ra, chị bắc giàn trồng thêm cây leo (khổ qua, thiên lý, mướp hương, nho, cà chua bi, bầu hồ lô…). Các loại cây được luân phiên thay đổi cho phong phú.
“Dùng thức ăn thừa làm phân bón cho cây tại nhà giúp tôi vừa không lãng phí thức ăn, vừa có bữa ăn sạch, ngon, an tâm. Đất tơi xốp do có nhiều vi khuẩn có lợi cho đất, không dùng phân hóa học hay bất kỳ loại thuốc nào”, chị Dự chia sẻ.
Chị Đinh Thị Minh Nguyệt (P.15, Q.10, TP.HCM) cũng áp dụng phương pháp tương tự. Giờ đây nhà chị có một vườn rau sạch nho nhỏ, hạn chế những nỗi lo về nguồn gốc rau củ ngoài chợ. Chị Nguyệt kể: “Sau khi pha cà phê, tôi chôn bã sâu xuống đất và tưới nước bình thường. Rất đơn giản. Rau lên nhanh, xanh tốt, mập mạp, tươi non”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Định (P.15, Q.10, TP.HCM) tận dụng sân thượng của cơ quan trồng rau củ cho nhà và đồng nghiệp ăn. “Tôi thường dùng vỏ trái cây, rau củ thừa của nhà ăn ủ vào thùng xốp từ 2 – 4 tháng rồi chôn xuống lòng đất để trồng cây. Ngoài ra, thi thoảng tôi cũng chôn trực tiếp đồ ăn thừa vào đất”, anh Định nói.
Yên tâm với rau trái nhà tự trồng – Ảnh: Minh Huyền |
Các bước thực hiện
Thức ăn thừa (cơm thừa, rau quả hư hỏng, vỏ trái cây và củ, bã cà phê, bã chè, phần bỏ đi của rau…) là một trong những loại rác thải khá nhiều trong các gia đình Việt có thể tận dụng để ủ thành phân bón.
Tuy nhiên, các loại xương, sản phẩm có dầu mỡ, sữa, cành cây cứng, than, các loại thịt cá thì không nên cho vào đất.
Khi chọn thùng để ủ, hằng ngày mọi người có thể bỏ các loại rác hữu cơ vào thùng (thùng xốp, thùng gỗ hoặc thùng nhựa đục nhiều lỗ nhỏ). Nếu trong thùng quá khô có thể bổ sung một ít nước. Đây gọi là phương pháp ủ phân compost.
Theo ông Hà Sỹ Tân và bà Lò Thị Hương, kỹ sư nông nghiệp, chuyên tư vấn về trồng rau tại nhà thì mọi người có thể “tự làm” các loại phân bón như sau:
+ Làm thùng ủ compost (nếu không có sẵn).
+ Cho các nguyên liệu vào trong thùng ủ, nên cắt nhỏ để phân hủy nhanh hơn.
+ Nếu thấy có nhiều nước thì có thể bỏ nước đó, chỉ để lại phần bã phân huỷ. Sau 2 – 4 tuần có thể sử dụng được.
Chú ý:
– Chỉ sử dụng bã phân để bón cho cây.
– Phải để ở nơi có nước hay phải có ống nhựa dẫn nước để trộn compost.
– Có khuất tầm nhìn không? Có tránh được gió, mưa? Không được để ở vùng trũng, ngập nước.
– Các vật liệu được cắt nhỏ sẽ phân huỷ nhanh hơn.
– Bổ sung vi sinh vật vào giúp phân huỷ nhanh các chất hữu cơ, đồng thời ức chế được các mầm bệnh phát triển trong đống ủ (nên mua các chế phẩm vi sinh trong nông nghiệp để tăng vi sinh vật).
Việc sử dụng phân bón từ thức ăn thừa có thể phát sinh một số vấn đề: * Không phải thức ăn nào cũng có thể làm phân bón. * Phải ủ kỹ trước khi bón cho cây trồng. * Trong quá trình ủ nếu không đúng cách có thể gây ô nhiêm môi trường (mùi hôi, thối). * Nhiều chất khó phân huỷ, các chất hoá học có trong thức ăn thừa có thể được cây hấp thụ, khi chúng ta ăn có thể gây độc hại. |