11/01/2025

Tận dụng mọi cơ hội cho trẻ vận động

Gần hai năm sống và làm việc tại TP.HCM, tôi nhận thấy trẻ em VN béo bụng, quá cân nhiều hơn ở Nhật Bản.

 

Tận dụng mọi cơ hội cho trẻ vận động

 

Gần hai năm sống và làm việc tại TP.HCM, tôi nhận thấy trẻ em VN béo bụng, quá cân nhiều hơn ở Nhật Bản.



Trẻ em ít vận động, ăn uống không khoa học dễ bị béo phì - Ảnh: N.C.T.
Trẻ em ít vận động, ăn uống không khoa học dễ bị béo phì – Ảnh: N.C.T.
Ở Nhật khi trẻ đi bộ đến trường, phụ huynh không được phép xách đồ giúp trẻ cho dù là đường có đèo dốc, ngày đông giá lạnh hay ngày hè oi bức

Khi biết tỉ lệ trẻ em thừa cân ở TP.HCM lên đến 20,1% và 31,3% trẻ béo bụng, tôi không ngạc nhiên lắm vì nghĩ trẻ em VN ít vận động và chế độ ăn uống không khoa học.

Vận động mọi lúc, mọi nơi

Người Nhật chú trọng cả giáo dục văn hoá và thể chất ngang nhau vì chúng tôi cho rằng bản thân người dân có khoẻ mạnh thì xã hội mới khoẻ mạnh, bớt gánh nặng tài chính cho xã hội đỡ phải tốn tiền chữa bệnh…

Vì vậy các trường học đều rất chú trọng đến môn thể dục dành cho trẻ. Theo chuẩn bắt buộc của Nhật, trong khuôn viên các trường học đều phải có hồ bơi, nhà thi đấu, sân cỏ có đường chạy.

Các trường đều có chế độ bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9, trong mỗi tuần phải có ba tiết học thể dục và tổng số tiết học thể dục trong một năm là 105 tiết. Các tiết học này được chia ra một cách khoa học để có hôm học sáng, hôm khác học chiều, hôm học trưa chứ không học cố định.

Các môn thể dục của học sinh học trong suốt chín năm này sẽ liên tục để giúp trẻ có thể phát triển thể chất tốt nhất và liên tục.

Nhờ có cơ sở vật chất tốt như vậy nên trẻ em sẽ liên tục học các môn như chạy bộ, nhảy xa, nhảy cao, bơi lội, nhảy bao bố, võ thuật, bóng chày, bóng đá, bóng rổ…

Các học sinh yêu thích thể thao cũng có thể tập hợp vào các câu lạc bộ sinh hoạt với nhiều thời gian hơn.

Đối với khối tiểu học, Bộ Giáo dục Nhật bắt buộc nhà trường mỗi năm phải tổ chức những cuộc thi các môn thể thao cho học sinh trong trường cùng tham gia để kích thích tinh thần thi đấu thể thao của các em, mong các em cố gắng học tập, rèn luyện thể thao để khoẻ mạnh.

Theo đó, cố định tháng 5 có đại hội thể thao, tháng 7 có đại hội bơi lội, tháng 12 có thi chạy tiếp sức.

Bộ Giáo dục Nhật cũng bắt buộc các trường phải có bảng điều tra về kết quả sức khoẻ học sinh để biết sự phát triển thể chất của học sinh như thế nào cũng như có những bài kiểm tra thể chất: kiểm tra lực nắm của bàn tay, nhảy cao, kiểm tra độ dẻo dai, ném bóng…

Kết quả kiểm tra này sẽ được đối chiếu với chuẩn về sức khoẻ của quốc gia và báo cáo cho phụ huynh biết sức khoẻ của con em họ phát triển như thế nào.

Ở Nhật, các trường học yêu cầu trẻ em hằng ngày phải tự đi bộ đến trường với tổng thời lượng 30 – 50 phút cùng cặp đeo trên lưng và các vật dụng cần thiết cho ngày học hôm đó.

Em nào đến trường đều nhễ nhại mồ hôi, nhưng chúng tôi xem đây là một hình thức vận động bắt buộc cho trẻ em mỗi ngày bên cạnh các hoạt động thể thao trong trường.

Ở Nhật trong trường tiểu học trẻ em sẽ được dạy để có thể đi xe đạp một bánh, đu xà đơn… cốt yếu để rèn luyện khả năng khéo léo, linh hoạt cho trẻ.

Ông Oya Kunihiro - Ảnh: L.N.
Ông Oya Kunihiro – Ảnh: L.N.

Tránh ăn uống quá mức cần thiết

Trong thời gian ở VN, khi đi ăn ở nhà hàng và bên ngoài, tôi quan sát thấy thói quen ăn uống của người VN khá dễ dãi: lấy rất nhiều thức ăn rồi ăn không hết cũng như ăn nhiều quá mức cần thiết, ăn không hết thì người này ép người kia ăn…

Theo tôi, điều này dẫn đến việc béo bụng, béo phì vì ăn uống vượt quá mức cần thiết.

Người Nhật ý thức được công sức và nỗi khó nhọc của người làm ra lương thực, chế biến thức ăn nên rất trân trọng thức ăn, chỉ lấy vừa phải, vừa đủ cho lần ăn của mình.

Trước và sau khi ăn, chúng tôi đều cảm ơn những người đã nỗ lực lao động để làm nên các món ăn cho mình.

Một điều nữa tôi quan sát thấy hầu hết phụ huynh VN không có thói quen cho trẻ mang giày mà thay vào đó là mang dép, chắc để xỏ vào cho tiện khi cần di chuyển.

Ở Nhật, dép chỉ dùng trong nhà, còn đi ra ngoài phải mang giày, trong trường cũng phải mang giày để tạo thuận lợi, bảo vệ cho trẻ khi vận động.

Tôi nghĩ phụ huynh nên khuyến khích các em đi bộ mỗi ngày để tranh thủ vận động, đặc biệt khi thời gian cho việc tập thể dục và chơi thể thao phù hợp với trẻ không có nhiều.

Học hành rất quan trọng nhưng để con trẻ béo bụng, béo phì thì hệ luỵ kéo theo cũng không ít: dễ bệnh, trẻ chậm chạp, dễ bị trêu chọc…

Phụ huynh nên cố gắng sắp xếp thời gian cho các em vận động và tham gia các trò chơi phù hợp với độ tuổi, chẳng hạn như bơi lội. Sức khoẻ là nền tảng tốt cho bản thân và gia đình.

Trẻ em là tương lai của đất nước, hãy cố chăm sóc chúng tốt nhất trong khả năng của mình.

Nên có khoảng sân cỏ trong trường

Tôi cũng thỉnh thoảng đến tìm hiểu, giao lưu với một số trường tiểu học ở TP.HCM nên thấy ngoài tỉ lệ khoảng không cho trẻ em vận động trong trường học quá ít thì khoảng sân nhỏ bé đó lại gần như bị bêtông hoá toàn bộ.

Điều này thật không may cho các em học ở đây. Sân tráng ximăng, bêtông hoá thì đẹp nhưng sẽ khiến trẻ em ngại chạy nhảy vì nếu va chạm, trượt chân… sẽ trầy xước và dễ chấn thương.

Các trường tiểu học nên có một khoảng sân cỏ để khuyến khích các em chơi đùa, chạy nhảy trên khoảng đất này trong thời gian học ở trường.

 

LÊ NAM ghi , [email protected], OYA KUNIHIRO (HIệU TRưởNG TRườNG NHậT BảN TạI TP.HCM)