10/01/2025

Nhân hậu hơn sau ghép tạng

Hai bệnh nhân nằm ở Hà Nội vừa được ghép tim và gan. Người cho tạng là một thanh niên nằm ở TP.HCM, cách nơi ghép tạng hơn 1.700km.

 

Nhân hậu hơn sau ghép tạng

 

Hai bệnh nhân nằm ở Hà Nội vừa được ghép tim và gan. Người cho tạng là một thanh niên nằm ở TP.HCM, cách nơi ghép tạng hơn 1.700km.



 

GS.TS Trần Ngọc Sinh - Ảnh: Thành Tùng
GS.TS Trần Ngọc Sinh – Ảnh: Thành Tùng

GS.TS Trần Ngọc Sinh, một chuyên gia hàng đầu về ghép tạng ở VN, cho biết:

– Ghép thận có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh sau khi ghép như: việc gia tăng tần số ung thư của bệnh nhân, việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch thường xuyên sẽ làm nảy sinh các rối loạn trong cơ thể, vấn đề ký ức tế bào của cơ quan người cho mà một số công trình nghiên cứu đã nhắc đến…

Tuy nhiên, cho đến nay đây vẫn là một phương pháp điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, nhất là những người trẻ tuổi. Nếu tính chung cho toàn thế giới thì tỉ lệ người được ghép thận lên đến 15% tổng số bệnh nhân bị suy thận mãn.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam:

* Thưa GS, ghép cơ quan của người sống hay của người chết là tốt nhất?

GS.TS Trần Ngọc Sinh:

– Hiện nay trên thế giới có hai nguồn lấy thận để ghép. Đó là thận lấy từ người cho thận còn sống, thông thường là từ người thân cùng huyết thống: cha mẹ, anh chị em… và thận từ những người bị chết não: tai nạn, tử tù…

Thận ghép từ người sống, cùng huyết thống có những lợi thế hơn hẳn so với thận nhận từ người chết, đó là: khả năng sống của thận cao hơn trong những năm đầu, tỉ lệ thành công cao hơn, việc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch cũng đơn giản và ít hơn.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tại Mỹ chỉ có 35% số người ghép thận được nhận thận từ người thân còn sống.

GS Trần Văn Sáng, nguyên chủ nhiệm bộ môn niệu Trường đại học Y dược TP.HCM, đã cho rằng có thể lấy thận của người yêu, vợ hoặc chồng để ghép cho nhau cũng cho kết quả tốt, mặc dù họ không cùng huyết thống.

Nguồn cho thứ hai là lấy từ người chết, nhưng số lượng ghép lấy từ người chết đủ tiêu chuẩn cũng không nhiều. Ở Mỹ, trung bình bệnh nhân phải chờ mất 3 – 4 năm.

Càng ngày cung càng ít hơn cầu gây rất nhiều khó khăn cho ngành y tế và cũng không ít chuyện rắc rối đã xảy ra.

* Nói về vấn đề tâm linh của mỗi người, có phải khi cho đi một phần thân thể đó là lúc họ đang thực hiện mong ước trường sinh bất tử của con người?

– Một điều ít người biết đến là những người bệnh nặng được cứu sống bằng ghép cơ quan hiến tặng của người khác (không có yếu tố vụ lợi buôn bán) có một cuộc sống tinh thần cởi mở hơn nhiều. Họ có một quan điểm hoàn toàn mới về cuộc sống, họ sống nhân hậu hơn, sâu sắc hơn rất nhiều.

Một điều nữa cũng cần nói đến là từ thời xa xưa, con người tuy biết cuộc sống là hữu hạn nhưng tất cả đều mong muốn mình bất tử.

Tuy nhiên, con người chỉ bất tử qua con cái, mỗi con người sinh ra và lớn lên trên Trái đất này đều mang trong mình những tế bào và âm hưởng của người đi trước.

Vậy, việc hiến tặng cơ quan cho những người bệnh có thể là một con đường mới để thực hiện ước mong bất tử của con người.

Nếu mọi người đều nghĩ như vậy thì số bệnh nhân được ghép cơ quan hằng năm sẽ tăng lên rất nhiều và sẽ có nhiều người được cứu sống.

Tỉ lệ người bệnh được ghép tạng rất thấp

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – cho biết tùy loại tạng ghép, tỉ lệ sống sau năm năm là khác nhau.

Cụ thể, tỉ lệ sống sau năm năm ghép gan là 87%; sau năm năm ghép thận có thể sống khoẻ mạnh, làm việc bình thường là 95%.

Riêng ghép tim chưa có đánh giá sau năm năm vì người ghép đầu tiên mới chỉ bước qua năm thứ ba, hiện tỉ lệ sống sau khi ghép tim sau một năm là 70%.

Theo ông Quyết, một người chết não có thể cứu được 10 người khác nếu như hiến tạng, thế nhưng nguồn tạng rất khan hiếm, ngay tại Bệnh viện Việt Đức trung bình mỗi ngày có 2 – 3 trường hợp chết não có thể cho tạng.

Tuy nhiên, trong 5 năm qua, bệnh viện mới chỉ xin được 26 trường hợp chết não đồng ý hiến tạng.

“Tỉ lệ bệnh nhân được ghép tạng rất thấp so với nhu cầu thật sự. Bên cạnh đó, chi phí cho việc ghép gan, tim hiện nay khá cao, trở thành rào cản đối với những người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo, khó khăn về kinh tế…” – ông Quyết nói.

Q.LIÊN

 

PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM thực hiện