11/01/2025

Đồng tình phạt nặng người say, vượt đèn đỏ

Nhiều ý kiến đồng tình với việc phạt nặng người say xỉn lái xe và người vượt đèn đỏ, nhưng đa số ý kiến cho rằng nếu chỉ phạt nặng người vi phạm là không đồng bộ.

 

Đồng tình phạt nặng người say, vượt đèn đỏ

 

Nhiều ý kiến đồng tình với việc phạt nặng người say xỉn lái xe và người vượt đèn đỏ, nhưng đa số ý kiến cho rằng nếu chỉ phạt nặng người vi phạm là không đồng bộ. 




Đi xe máy vượt đèn đỏ tại ngã tư Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG
Đi xe máy vượt đèn đỏ tại ngã tư Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: THUẬN THẮNG

Gần 200 ý kiến bạn đọc phản hồi thông tin Tăng mạnh mức phạt vi phạm giao thông”.

Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình với việc phạt nặng người say xỉn lái xe và người vượt đèn đỏ, nhưng đa số ý kiến cho rằng nếu chỉ phạt nặng người vi phạm là không đồng bộ. 

Xung quanh vấn đề này, Tuổi Trẻ Online cũng đã đưa ra câu hỏi thăm dò. Mời bạn tham gia bày tỏ chính kiến của mình.

Kết quả thăm dò bạn đọc TTO đến sáng 12-9
Kết quả thăm dò bạn đọc TTO đến sáng 12-9

Dưới đây Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến:

Đại tá Đào Vịnh Thắng (trưởng Phòng CSGT – PC67 
Công an Hà Nội):

Phạt nặng hành vi 
tiềm ẩn nguy cơ 
gây hậu quả khôn lường

Là người đứng đầu lực lượng CSGT Hà Nội, tôi ủng hộ những quy định trong dự thảo nghị định thay thế nghị định 171 đang được lấy ý kiến. Tôi đồng tình mức xử phạt nặng đối với người uống rượu bia lái xe, xe máy đi vào đường cao tốc, xe chở quá khổ, quá tải vì đây là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả khôn lường cho xã hội.

Mức phạt cao đưa ra không phải nhằm mục tiêu để thu tiền của người vi phạm, mà chủ yếu mang tính giáo dục, cảnh báo, ngăn ngừa người tham gia giao thông vi phạm. Ngoài ra, còn phải tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn và vĩnh viễn.

Ngoài quy định chế tài các hành vi vi phạm trong tham gia giao thông, tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm trong công tác đào tạo, giáo dục đạo đức, ý thức của người lái xe – người nắm an toàn tính mạng của bản thân và nhiều người xung quanh.

Về ý kiến lo ngại mức phạt cao sẽ nảy sinh nguy cơ tiêu cực trong việc xử lý vi phạm giao thông, theo tôi không phải là điều quá đáng lo ngại. Việc có xảy ra tiêu cực hay không là do nhiều yếu tố như đạo đức, nhận thức của người thực thi, tính nghiêm minh của cơ quan đơn vị trong quản lý cán bộ chiến sĩ, sự giám sát của các lực lượng thanh tra, kiểm tra, chứ không phải do tiền phạt nhiều hay ít.

Ông Nguyễn Văn Thanh (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN):

Phạt nghiêm nhưng cần tương ứng với mức sống của người dân

Tôi ủng hộ các mức xử phạt tăng nặng áp dụng cho các hành vi vi phạm giao thông tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng. Thực tế có nhiều tài xế say xỉn điều khiển xe chạy trên đường đông người giống như một “quả bom di động”, không những đe doạ tính mạng, an toàn của người ngồi trên xe mà còn đe dọa tới rất nhiều người dân vô tội xung quanh.

Hay hành vi đi xe máy vào đường cao tốc dành cho ôtô cũng chẳng khác nào hành vi tự sát và đe doạ tính mạng nhiều người khác. Ngoài phạt nặng, theo tôi, còn cần thu giấy phép lái xe, thậm chí buộc người vi phạm phải tham gia lao động công ích.

Tuy nhiên, trước khi ban hành quy định cần phải lắng nghe dư luận xã hội để đưa ra mức phạt phù hợp. Cần xem xét để phạt sao cho tương ứng với thu nhập, đời sống của đa số người dân hiện nay, không chỉ răn đe mà còn phải đảm bảo cả yếu tố giáo dục trong đó nữa.

Cuối cùng, theo tôi, sau khi ban hành nghị định, phải tuyên truyền từng nội dung, điều khoản đến với người dân một cách sâu sát để tránh tình trạng nhiều người vi phạm do không biết, không nắm rõ quy định. Hoặc cơ quan chức năng cần nhắc nhở một thời gian, sau khi hết thời hạn nhắc nhở mới ấn định thời gian sẽ áp dụng xử phạt nghiêm.

Chỉ phạt người vi phạm là chưa đủ

* Đảm bảo an toàn giao thông phụ thuộc nhiều yếu tố: cơ sở hạ tầng giao thông, tổ chức và hướng dẫn của lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông…

Nhưng lâu nay các biện pháp an toàn giao thông được đưa ra hầu như chỉ tập trung vào người tham gia giao thông, cụ thể là liên tục tăng chế tài xử phạt, trong khi chế tài cho các yếu tố khác rất mờ nhạt, thậm chí không có quy định rõ ràng. Đơn cử, nếu đường sá được thi công không đảm bảo hoặc CSGT thiếu hướng dẫn… gây mất an toàn giao thông thì chế tài xử lý hầu như không được đề cập.

minhduchag@…

* Những lần trước cơ quan chức năng cũng đều nói là tăng mức phạt để kéo giảm tai nạn giao thông mà có ai thống kê xem tai nạn giao thông có giảm nhờ phạt nặng người vi phạm không? Theo tôi, phạt nặng người vi phạm là cơ quan nhà nước chỉ mới làm phần ngọn, còn phần gốc là tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn thì không thấy làm bao nhiêu. Ngoài ra, hệ thống đường sá, trách nhiệm cơ quan đăng kiểm, CSGT, thanh tra giao thông… không thấy đề cập đến để xử lý do không làm tròn trách nhiệm.

hongtrung2013@…

* Phạt nặng để răn đe, giáo dục ý thức người tham gia giao thông là tốt, tôi xin ủng hộ, nhưng cũng phải có hình thức kỷ luật thật nặng những CSGT ăn hối lộ vì hành vi đó vô tình thoả hiệp với người vi phạm, tạo ý thức không tốt khi tham gia giao thông.

Quang Hòa (truongquanghoa77@…)

* Tôi đề nghị tăng thêm mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ lên gấp 10 lần. Vì hành vi này là nguy cơ tiềm ẩn nhiều tai nạn giao thông nhất.

Nguyễn Trường Giang (ntruonggiang@…)

* Tôi ủng hộ phạt nặng những hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông, nhưng tôi đề nghị có hình thức xử lý nặng các đơn vị giao thông công chánh không đảm bảo hệ thống biển báo, chất lượng đường bộ theo quy chuẩn. Những vi phạm này là một phần của tình trạng mất an toàn giao thông hiện nay.

Ví dụ khi đường rộng nhiều làn xe, nhưng biển báo cắm ở lề đường bên phải nên rất nhiều trường hợp lái xe không nhìn thấy biển báo do bị che khuất bởi các xe chạy phía trong. Và tai nạn có thể xảy ra.

Hoàng Tùng (vhtung@…)

LÂM HOÀI ghi