Chúa Nhật XXIV TN B: Thể hiện bản chất Kitô hữu bằng hành động thiết thực
Tình trạng thiếu hiệu quả hiện nay trong việc loan báo Tin Mừng của Giáo hội Công giáo là một thực tế hiển nhiên. Nguyên nhân chính yếu là do người tín hữu Công giáo chưa thật sự biết Đức Giêsu là Đấng Kitô theo đúng ý của Người và chưa thể hiện được bản chất Kitô hữu của mình nên việc truyền đạo không hiệu quả.
Chúa Nhật XXIV TN B
Thể hiện bản chất Kitô hữu bằng hành động thiết thực
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Tình trạng thiếu hiệu quả hiện nay trong việc loan báo Tin Mừng của Giáo hội Công giáo là một thực tế hiển nhiên. Vì thế, Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới tháng 10/2012 với chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để thông truyền đức tin” .
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là tại sao công việc này lại thiếu hiệu quả? Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu? Các bài Thánh Kinh hôm nay như muốn gợi ý cho ta suy nghĩ về một nguyên nhân chính yếu: người tín hữu Công giáo chưa thật sự biết Đức Giêsu là Đấng Kitô theo đúng ý của Người và chưa thể hiện được bản chất Kitô hữu của mình nên việc truyền đạo không hiệu quả.
1. Thực trạng thiếu hiệu quả trong việc loan báo Tin Mừng
1.1.Chúng ta đã nhiều lần nói đến tình trạng này với những số liệu rõ ràng nên hôm nay không cần phải nhắc lại. Tôi đã có dịp công tác tại Hoa Kỳ, Đức, Thuỵ Sĩ, Nhật Bản, nhiều tín hữu đặt thẳng vấn đề với tôi về tình trạng thiếu hiệu quả trong việc truyền giáo với những lời kêu trách cấp lãnh đạo trong Giáo Hội. Người ta nhắc đến nguyên tắc “tội quy trưởng” hay “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân, tôi nghĩ chúng ta không nên vội vàng quy tội cho ai vì tình trạng này đòi hỏi chúng ta phải xem xét dưới nhiều góc độ để tìm ra những nguyên nhân khác nhau. Công việc này nên dành cho các tổ chức có đủ phương tiện hay các cơ quan nghiên cứu có thẩm quyền.
1.2. Những tổ chức và cơ quan này cũng đã nêu ra nhiều nguyên nhân cơ bản mà chúng ta tóm tắt sau đây:
– Do tâm thức tin tưởng tuyệt đối vào khoa học thực nghiệm và lòng ham chuộng vật chất thái quá nên một số người không còn tìm đến những giá trị tinh thần, tôn giáo. Trước đây vài chục năm, nhất là sau Thế chiến II, 1939-1945, người tín hữu đi lễ hằng ngày, còn bây giờ nhiều nhà thờ ở các nước Âu Mỹ bỏ hoang vì ít người dự lễ. Nhiều người còn cho rằng việc giữ đạo không giúp ích gì cho đời sống thường ngày đầy những căng thẳng và lo toan, nên họ dành thời giờ để nghỉ ngơi, giải trí. Ở nước Đức hiện nay, một số người Công giáo rút tên ra khỏi cộng đoàn xứ đạo, khai là không có đạo, để tránh đóng thuế tôn giáo cho chính quyền.
– Do hoàn cảnh xã hội tác động. Trước đây, ở nhiều nước Âu Mỹ, người dân yêu cầu đưa các giờ đọc kinh, dạy giáo lý vào trường học, treo tượng ảnh tôn giáo trong công sở. Hiện nay, lấy lý do tôn trọng sự bình đẳng đối với các tôn giáo khác và nhân danh tự do tôn giáo, người ta loại bỏ mọi tác động của Kitô giáo trong đời sống công cộng. Điều này có thể gây thiệt hại lớn cho xã hội, đặc biệt trong việc giáo dục giới trẻ, vì nền văn minh Kitô giáo gắn liền với những giá trị về tự do, bình đẳng, bác ái, khoan dung, chân thật, tha thứ, trong sáng, hiền hoà…
– Do chính quyền dân sự có óc kỳ thị Công giáo. Điều này xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới: trong các miền có đa số người theo các tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào, người Công giáo ở đó thường gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi, thậm chí bị bách hại. Trong hoàn cảnh này, người tín hữu nhát đảmthường không dám truyền đạo và người dân không dám theo đạo.
– Do những thiếu sót, sai lầm trong nội bộ Giáo hội Công giáo: thí dụ như những vụ lạm dụng tình dục ở Giáo hội Hoa Kỳ, vụ rò rỉ thông tin ở Toà Thánh Rôma, vụ dàn xếp chức vị lãnh đạo Giáo hội ở Trung Quốc, thái độ im lặng của các vị lãnh đạo Giáo hội Việt Nam trước bất công và vi phạm chủ quyền Việt Nam… khiến một số tín hữu suy sụp lòng tin và khó loan báo Tin Mừng.
– Còn nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng hôm nay, dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta chỉ muốn tìm hiểu nguyên nhân chính yếu được Chúa Giêsu nhắc nhở. Đó là người tín hữu Công giáo, giống như Phêrô xưa, chưa thật sự biết Đức Giêsu là Đấng Kitô theo đúng ý của Người và chưa thể hiện được bản chất Kitô hữu của mình nên khó truyền giáo.
2. Đức Kitô là ai?
2.1. Những quan niệm khác nhau về Đấng Kitô. Khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Anh em bảo Thầy là ai?”. Các ông đồng ý ngay với câu trả lời của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô”. Ở đây ta không thấy Đức Giêsu nói đến mạc khải của Cha Trên Trời như ở Tin Mừng theo thánh Matthêu (x. Mt 16,17). Thật ra, đối với người Do Thái thời đó, “Kitô” hay “Mêsia” là một từ rất quen thuộc, đều có nghĩa là “Người được (Thiên Chúa) xức dầu” để làm vua, tư tế hay tiên tri, và niềm tin vào Đấng này tạo nên nhiều phong trào trong suốt dòng lịch sử của dân tộc.
Khởi đầu, họ nghĩ Đấng Kitô là một ông vua đầy sức mạnh, khôn ngoan như vua Đavit và Salômôn đến thiết lập nước Thiên Chúa để quy tụ muôn dân hướng về Giêrusalem và tôn vinh dân tộc Do Thái. Nhưng từ kinh nghiệm bị lưu đày, họ mơ đến Đấng Kitô là một tiên tri đầy quyền năng như Elia, nói một tiếng là có hạn hán hay mưa lớn, để rao giảng Lời Chúa, nhắc nhở dân chúng về Giao ước với Thiên Chúa. Cuối cùng, gần vào thời Chúa Giêsu, họ mong ước Đấng Kitô là Con người lạ lùng đến thiết lập Nước Sự Thật theo như tiên tri Đaniel diễn tả trong các thị kiến (x. Đn 7). Chỉ có một điểm duy nhất họ chưa dám nghĩ đến, đó là Đấng Kitô cũng làThiên Chúa như Chúa Giavê vì quan niệm độc thần không cho phép họ nghĩ như vậy.
Đức Giêsu chấp nhận tất cả các quan niệm ấy về Đấng Kitô và đã tổng hợp chúng trong chính đời sống của Người, nhưng Người muốn điều chỉnh quan niệm về Đấng Kitô này thật chính xác trong tâm trí các môn đệ nên “Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, giết chết và sau 3 ngày sẽ sống lại”. Điều dạy bảo của Chúa Giêsu làm cho các ông bất ngờ, ngạc nhiên và chưng hửng.
Trước đây, các ông thường nghĩ rằng Đức Giêsu Kitô thiết lập nước Thiên Chúa cách huy hoàng và rất dễ dàng vì đã tận mắt thấy các phép lạ của Người. Các ông hy vọng sẽ được chia phần vinh quang của nước ấy mà chẳng phải gắng sức, tốn công.Các ông chỉ cần theo sát Đức Giêsu để sắp đặt cho đám đông khỏi chen lấn Người, chia phần bánh cá cho đám đông, ai cần xin gì đặc biệt thì các ông báo cho Người. Bây giờ tất cả sẽ sụp đổ nếu Đức Giêsu chết nhục nhã! Vì thế Phêrô đã can ngăn Chúa Giêsu đừng đi vào con đường khổ nhục ấy.
2.2. Niềm tin và hành động kèm theo. Đức Giêsu muốn các ông hiểu rằng Đấng Kitô thật sự thể hiện sứ mạng cứu độ bằng những đau khổ và cái chết nhục nhã trên thập giá để rồi sống lại vinh quang. Vì thế ai muốn theo Người để trở thành Kitô hữu thật sự cũng phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá là những đau khổ tủi nhục và dám liều mất mạng sống mình vì Đức Kitô và vì Tin Mừng” (Mc 8,34-35) thì mới hy vọng cứu độ và loan báo Tin Mừng cách hiệu quả như Người.
Người tín hữu chúng ta hôm nay cũng phải loại bỏ những quan niệm sai lầm về Đức Kitô và bản chất Kitô hữu. Nhiều khi ta tưởng đạo là “1 thứ trang sức cho cuộc đời”: ta chỉ theo để làm đẹp cho mình chứ không nghĩ đạo đòi hỏi ta hy sinh và từ bỏ trọn vẹn. Ta thường đến nhà thờ dự lễ, cầu nguyện để xin Chúa cứu khỏi khổ đau hoạn nạn chứ không dám xin Chúa cho mình chịu khổ vì người khác hay thay cho người khác. Chúng ta bảo vệ “cái tôi” của mình hay của tập thể và dám “ăn thua đủ” với kẻ nào xúc phạm đến “cái tôi” đó, trong khi Chúa Giêsu đòi ta phải từ bỏ nó. Một khi từ bỏ được mình, thì chúng ta chẳng còn ngại “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, hay không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Ta sẽ trơ mặt ra như đá vì biết Chúa phù trợ ta” (Is 50,6-7).
Tin vào Đức Giêsu Kitô với những hành động cụ thể thiết thực dành cho Chúa và anh em như thánh Giacôbê dạy trong Bài đọc II (Gc 2,14-18), chúng ta chắc chắn việc loan báo Tin Mừng sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp như đang thật sự diễn ra trong một vài cộng đoàn ở Việt Nam cũng như trên thế giới, đặc biệt với anh em Công giáo và Tin Lành ở Hàn Quốc.
Lời kết
“Lạy Chúa Giêsu, xin cho tín hữu Việt Nam chúng con ngày càng hiểu Chúa là Đấng Kitô hoàn hảo và trọn vẹn để thể hiện trong đời sống chúng con bản chất Kitô của mình”.
Nguồn: HKK