11/01/2025

Tin nhắn gây sốc đầu năm học mới

Hai nỗi khổ đầu năm học mới. Một của giáo viên và một của phụ huynh, cùng xoay quanh các khoản thu đầu năm học mới…

 

Tin nhắn gây sốc đầu năm học mới

 

Hai nỗi khổ đầu năm học mới. Một của giáo viên và một của phụ huynh, cùng xoay quanh các khoản thu đầu năm học mới..




 

Tôi là phụ huynh của em T.. Xin thầy sáng nay đừng đọc tên con tôi chưa đóng tiền trước lớp. Tôi rất xấu hổ vì chưa thể đóng tiền được, chồng tôi đang bệnh, mong thầy thông cảm. Cảm ơn thầy!

(Trích tin nhắn của một phụ huynh)

Lời khẩn cầu tha thiết của một phụ huynh đeo đẳng tôi mãi, cũng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều giữa trách nhiệm và tình cảm của một người thầy đối với học sinh của mình, đó cũng là một kỹ năng sư phạm mà tôi còn thiếu!

Tôi muốn chia sẻ điều đó cùng đồng nghiệp và phụ huynh, để mong rằng thầy cô chúng ta hãy thật sự quan tâm đến học sinh. Đừng vì chỉ tiêu, thành tích mà vô tình thêm gánh nặng cho nhiều gia đình phụ huynh.

Tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 9/3. Vào đầu năm học, ngoài những công việc chuyên môn được nhà trường phân công như tổ chức lớp, phổ biến thời khoá biểu, triển khai học nội quy, lao động… một việc không thể thiếu với giáo viên chủ nhiệm đó là thông báo các khoản tiền thu đầu năm học.

Việc thu tiền các khoản đầu năm học với học sinh vùng nông thôn nơi tôi dạy thật là khó khăn. Đa số phụ huynh làm nông chỉ đủ ăn hằng ngày, tất cả chờ đến mùa thu hoạch lúa may ra mới có ít tiền để trang trải cho nhiều thứ.

Vì thế thu tiền các em là điều không phải dễ, và cũng là việc làm mà đa số giáo viên rất ngại. Việc này vừa mất thời gian mà còn “được” nhà trường nhắc nhở rất nhiều, dù biết rằng đây là nghĩa vụ của phụ huynh – phải nộp các khoản tiền cho nhà trường, vì đó còn là chỉ tiêu nhà trường phải hoàn thành do cấp trên giao.

Chính vì chỉ tiêu đó mà giáo viên chủ nhiệm phải hò hét hằng ngày để thu đủ các khoản theo quy định. Nhiều lúc giáo viên nói đùa với nhau là “đi đòi nợ học sinh”. Thực tế của chúng tôi thật chán, như những tâm sự của đồng nghiệp: “Cứ gặp mặt là đòi tiền”! Với tinh thần “thu đúng, thu đủ” đó, một mặt giáo viên mệt mỏi, mặt khác đã gây thêm nhiều lo lắng cho phụ huynh.

Một hôm, sáng vừa thức dậy, mở điện thoại ra tôi thật bất ngờ trước một tin nhắn: “Tôi là phụ huynh của em T.. Xin thầy sáng nay đừng đọc tên con tôi chưa đóng tiền trước lớp. Tôi rất xấu hổ vì chưa thể đóng tiền được, chồng tôi đang bệnh. Mong thầy thông cảm, cảm ơn thầy!”.

Đọc dòng tin nhắn này thật sự tôi cảm thấy áy náy trong lòng, dù chưa đọc tên em T. trước lớp. Tôi tự trách mình sao vô tình quá, không tìm hiểu hoàn cảnh học sinh để có thể giúp đỡ phần nào cho các em. Đó mới chính là lương tâm, trách nhiệm của người thầy, nhất là đối với giáo viên chủ nhiệm lớp.

Nếu không nhận được tin nhắn này, như mọi khi, tôi sẽ đọc tên những học sinh chưa đóng tiền trước lớp rồi! Chắc rằng T. sẽ rất mặc cảm với bạn bè, phụ huynh buồn phiền. Thật cảm ơn phụ huynh em T.! Từ hôm đó và về sau này tôi không bao giờ đọc tên học sinh chưa đóng tiền trước lớp nữa, cho dù thầy hiệu trưởng có phê bình lớp 9/3 chưa hoàn thành việc thu tiền.

Hôm thầy hiệu trưởng gọi tôi lên văn phòng, tôi đã trao đổi với thầy về trường hợp em T.: gia đình khó khăn không có tiền đóng, em là học sinh giỏi ba năm liền lớp 6, 7, 8 nên đề nghị nhà trường miễn cho em.

Nghe xong chuyện, thầy hiệu trưởng đồng ý đưa em vào diện thất thu. Có lẽ đây là điều tôi có thể giúp em T., và đó cũng là bài học cho tôi và đồng nghiệp: đừng bao giờ hành động vì chỉ tiêu và thi đua, cần phải tôn trọng nhân cách học sinh.

Việc nhắc nhở các em về chuyện tiền bạc nên hết sức tế nhị, không nên đọc tên những học sinh chưa đóng tiền trước lớp cũng như dưới cờ. Chỉ vì điều vô tình này mà thầy cô có thể làm cho nhiều học sinh, phụ huynh mất ăn mất ngủ, âu lo…

Đừng để học sinh phải tổn thương!

Hiện nay còn nhiều trường học, thầy cô vẫn sử dụng biện pháp nêu tên học sinh vi phạm nội quy trường như không học bài, không mang khăn quàng, bảng tên, logo, đi dép hai quai, không đóng tiền… mà quên rằng đây là việc làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm học sinh.

Dù biết rằng trường học cần phải có nội quy, quy định, nhưng chúng ta nên tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh trước mỗi hành xử. Đối với những học sinh chưa đóng học phí, thầy cô chỉ cần gặp riêng các em để trao đổi thì hay hơn đọc tên các em dưới cờ. Nếu chúng ta không giúp đỡ được gì cho học sinh thì đừng để các em phải tổn thương vì cách ứng xử máy móc của thầy cô!

Có ai thấu cho nỗi lòng phụ huynh đầu năm học?

Vừa đi họp phụ huynh đầu năm cho con trai học lớp 5 về, tôi cảm thấy rất sốc và đau đầu với các khoản thu của nhà trường, dường như là năm sau luôn cao hơn năm trước.

Vợ chồng tôi thu nhập không phải cao, nên cứ đến đầu năm học lại lo nơm nớp với những khoản thu phát sinh do nhà trường đề ra. Tôi cứ băn khoăn là tại sao năm nào nhà trường cũng thu tiền điều hoà, đèn, quạt?

Nói là chỉnh trang, tu bổ, đổi cũ lấy mới để phục vụ các em tốt nhất, rồi nâng cao chất lượng dạy và học, nhưng tôi và nhiều phụ huynh khác nhận thấy khoản này là phung phí, chỉ làm khổ phụ huynh mà thôi. Nhất là điều hoà vẫn đang chạy tốt, quạt không vấn đề gì, ống nước của nhà trường vẫn ổn. Khi tôi có ý kiến là nên giữ lại đồ đang dùng và không cần thay mới thì cô giáo nhăn nhó thanh minh: “Cái này là do cấp trên chỉ đạo xuống”!

Riêng khoản tiền lắp điều hoà và máy móc phục vụ việc học của lớp là 3,5 triệu đồng/em. Trong khi một phụ huynh lên tiếng hỏi điều hoà và máy chiếu năm ngoái của lớp đâu thì cô giáo lắc đầu: “Cái này nhà trường quyết chứ chúng tôi cũng không có quyền hành gì”!? Rồi tiền điện mỗi em 85.000 đồng/tháng. Tiền ăn bán trú là 2,3 triệu đồng/tháng. Còn mành rèm che cửa, nước uống và nhiều khoản ngoài lề khác khiến tôi thấy tối tăm mặt mày…

Những công cụ phục vụ học tập như máy chiếu, bảng đen cũng được thay mới hoàn toàn. Nhiều khoản thu vẽ vời khiến phụ huynh chúng tôi lao đao và chỉ biết kêu trời. Một phụ huynh ngồi bên tôi rỉ tai: “Ở trường nào bây giờ cũng thế thôi, cứ nhắm mắt làm ngơ cho xong!” và khuyên tôi đừng nên quá bức xúc làm gì, chẳng giải quyết được gì đâu.

Nói vậy thôi chứ không bức xúc sao được khi đến nay là 5 năm học của con, hầu như năm nào nhà trường cũng theo cái khuôn lập sẵn là “thay mới hoàn toàn”! Sự phí phạm ấy không giúp điều kiện học tập của các em tốt hơn mà chỉ khiến cho nỗi lo của phụ huynh về tiền bạc đầu năm tăng lên hằng năm thôi.

Đã vậy, năm nay con bước vào lớp 5 nên cô giáo bảo rằng năm cuối cấp phải học thêm nhiều hơn. Chúng tôi còn phải nộp thêm khoản tiền bồi dưỡng kỹ năng mềm, do nhà trường mời các chuyên gia về nói chuyện trong năm học.

Tất nhiên không thể thiếu được khoản quỹ phụ huynh tự nguyện đóng nữa. Ai cũng hiểu hai chữ “tự nguyện” luôn khá là nhạy cảm, vì ai cũng thầm hiểu rằng phải nhìn nhau để “liệu cơm gắp mắm”, chứ đâu thể tùy tiện mạnh ai nấy đóng được?

Buổi họp phụ huynh diễn ra khá căng thẳng vì mỗi khi có một thắc mắc nào về các khoản thu chi, cô giáo chủ nhiệm đều giải thích rằng: “Năm cuối cấp luôn phải đóng nhiều hơn các năm khác, vì phương tiện, dụng cụ học nâng cao hơn”, và: “Tất cả là vì các con nên xin phụ huynh đừng thắc mắc”.

Chỉ vì muốn con mình được yên ổn nên tôi và 33 phụ huynh khác đều ngậm ngùi đồng ý, mặc dù thấy nhiều khoản chưa thật sự hợp lý. Im lặng để rồi cứ phải cắn răng đóng những khoản tiền “trên trời” khiến tôi rất đau đầu. Nếu cứ tiếp tục im lặng thế này thì trong năm học sẽ còn phải đóng thêm những khoản nào nữa.

Có một bà mẹ kêu ca: “Thật sự là nhà trường không biết thương cho túi tiền của phụ huynh. Có 2 đứa con đi học thế này, đầu năm đúng là phải chạy vạy vay mượn đủ đường, khổ gì như nỗi khổ của phụ huynh vào đầu năm học?”.

Có ai thấu cho nỗi lòng của phụ huynh chúng tôi mỗi khi năm học mới lại về không?

MINH THÁI

NGUYỄN VĂN LỰC