29/11/2024

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Không cần thiết phải làm ĐTM mới

Vụ lấp sông Đồng Nai làm dự án vi phạm về cả pháp lý lẫn kỹ thuật đã quá rõ ràng, nên không cần thiết phải làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường mới.

 

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Không cần thiết phải làm ĐTM mới

 

 

Vụ lấp sông Đồng Nai làm dự án vi phạm về cả pháp lý lẫn kỹ thuật đã quá rõ ràng, nên không cần thiết phải làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường mới.




Các chuyên gia cho rằng không nên làm lại ĐTM mới đối với một dự án có quá nhiều sai phạm - Ảnh: Độc LậpCác chuyên gia cho rằng không nên làm lại ĐTM mới đối với một dự án có quá nhiều sai phạm – Ảnh: Độc Lập
Đó là ý kiến của các chuyên gia trước thông tin dự án sẽ được làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mới do UBND tỉnh Đồng Nai đứng ra tổ chức thực hiện.
Đã phạm luật thì không nên bàn tiếp
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), Cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) nói: “Tuy chưa có văn bản chính thức từ Bộ TN-MT nhưng tôi cũng được biết thông tin qua đồng nghiệp, báo chí về kết luận buổi làm việc của Hội đồng thẩm định ĐTM. Tôi cảm thấy khó hiểu và không thỏa mãn với kết luận ĐTM không đủ cơ sở khoa học và cho làm lại mới”.
“Khó hiểu vì Hội đồng khoa học do Bộ TN-MT lập ra đã thẳng thắn chỉ rõ những điểm yếu kém về mặt khoa học để cho thấy rằng nó không đủ cơ sở để triển khai thực hiện nhưng lại cho phép làm một ĐTM mới. Tôi lấy ví dụ, trong trường hợp một học sinh đi thi, ban giám khảo chỉ có nhiệm vụ chấm bài và công bố kết quả đậu hay rớt. Chuyện thí sinh đó có thi lại hay không là chuyện của thí sinh chứ không phải việc của ban giám khảo. Trở lại trường hợp sông Đồng Nai, tôi có cảm giác trong trường hợp này “ban giám khảo” lại gợi ý cho thí sinh nộp bài thi mới!?”, ông Tuấn bức xúc.
Theo ông Tuấn, trong trường hợp thông thường, hội đồng đó phải thẩm định ĐTM của dự án trước khi nó được triển khai chứ không phải một quy trình ngược như hiện nay, thi công rồi mới thẩm định ĐTM. “Trên cơ sở quy trình thuận đó, tôi nghĩ rằng một khi ĐTM đã không đạt yêu cầu thì chủ đầu tư dự án phải khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng cho dòng sông. Nếu chủ đầu tư dự án hay tỉnh Đồng Nai muốn tiếp tục dự án thì phải bắt đầu lại từ đầu theo một quy trình thuận, đúng theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn nói.
TS Tuấn cho biết, quan điểm nhất quán của VRN trước nay vẫn là: “Dự án đã vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật thì không thể tiếp tục cũng như bàn đến các vấn đề khác”.
Bộ cần dứt khoát
GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi VN, cho rằng: Không cần thiết phải làm lại ĐTM cho dự án này một lần nữa. Bởi Thủ tướng giao quyền về cho Bộ thì phải quyết dứt khoát thôi. Nhà nước và người dân mong muốn là tất cả các ngành thực hiện được chức năng của mình. Khi Bộ xem xét các yếu tố kỹ thuật, pháp luật không đảm bảo thực hiện dự án thì phải dừng ngay, không cần phải yêu cầu làm lại ĐTM. Càng để lâu, càng thể hiện sự lúng túng của cơ quan quản lý nhà nước ở đây là Bộ TN-MT. “Mặt khác, cứ kéo dài mãi như thế sẽ không tránh khỏi dư luận nghi vấn có uẩn khúc”, ông Hồng nhận xét.
Ông nhấn mạnh thêm: “Càng kéo dài dự án sẽ càng khiến dòng chảy biến đổi mạnh, tạo ra dòng chảy quẩn bên dưới mặt nước gây xói lở, bồi lắng, hậu quả càng nghiêm trọng. Dòng chảy biến đổi theo mùa, phía hạ du sẽ lãnh hậu quả rất lớn. Theo tôi, cần dứt khoát huỷ dự án, trả lại nguyên trạng dòng sông càng sớm càng tốt. Hiện nay dự án đang gây ô nhiễm môi trường khu vực đó, nếu còn kéo dài thời gian sống cho nó, ô nhiễm sẽ càng nhiều và chi phí khắc phục sẽ càng lớn”.
Một chuyên gia ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên) phân tích, khi cho phép UBND tỉnh Đồng Nai làm lại ĐTM (không phải chủ đầu tư làm) cho một dự án tư nhân, câu hỏi đặt ra là lấy tiền đâu để làm ĐTM đó? Có sử dụng từ nguồn nào đi nữa thì nó cũng từ tiền thuế của dân mà ra. Còn về mặt kỹ thuật, khi các chuyên gia đã chỉ ra rất nhiều thiếu sót, sai lầm về mặt khoa học để nói rằng nó không thể thực hiện thì cho làm lại ĐTM chỉ là cách người ta “bịt những lỗ hổng” đã được chỉ ra từ ĐTM hiện tại bằng cách “làm đẹp” lại số liệu mà thôi.
PGS-TS Lê Anh Tuấn lưu ý: “Nếu tỉnh Đồng Nai làm theo đúng tinh thần chỉnh trang đô thị, làm bờ kè, cải tạo cảnh quan bờ sông là việc rất tốt. Còn ở đây là đổ đất đá xuống dòng sông cả trăm mét thì đó là chuyện khác rồi. Nó vi phạm luật Tài nguyên nước (2012), luật Bảo vệ môi trường (2014), luật Đê điều (2006), luật Phòng chống thiên tai (2013), luật Xây dựng (2003). Bên cạnh đó, nó còn vi phạm Nghị định quản lý lưu vực sông (số 120/2008/NĐ-CP). Việc xảy ra trên sông Đồng Nai giống như ở trên đường bộ mà có ai đó người ta xây một cái nhà hàng lấn ra lòng lề đường. Tôi tin chắc là không ai chấp nhận cho cái nhà hàng tồn tại vì nó vi phạm luật pháp. Câu chuyện ở Đồng Nai tôi thấy nó cũng giống y như vậy”.
Không đồng tình việc họp kín
GS-TS Vũ Trọng Hồng bày tỏ không đồng tình khi Bộ TN-MT họp kín về vấn đề thẩm định ĐTM dự án lấp sông Đồng Nai. Ông nói: “Trong cuộc họp, có thể sẽ có những ý kiến trái chiều nhau nhưng đây là dự án có sai phạm quá rõ ràng, Thủ tướng đã có chỉ đạo, nhiều nhà khoa học lên tiếng chỉ mỗi Bộ TN-MT luôn muốn sự việc nằm yên trong phòng kín là ý gì?”.

Mưa lớn làm sập cầu ở Biên Hòa, gần 600 hộ dân bị cô lập
Rạng sáng qua, mưa lớn kéo dài, nước lũ đổ về cuồn cuộn đã cuốn sập cây cầu Bà Cải bắc qua sông Buông – cây cầu độc đạo nối liền các tổ của ấp Miễu, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa, Đồng Nai).
Bà Hoàng Thị Khánh Dương, Bí thư Chi bộ ấp Miễu, cho biết cầu Bà Cải dài 50 m, rộng hơn 1 m. Thân cầu được làm bằng gỗ, lan can và mặt cầu làm bằng sắt. “Cầu bị sập khiến gần 600 hộ dân sống ở tổ 9,10 bị cô lập, trong đó có gần 2.000 học sinh hằng ngày đi qua cây cầu này để đến trường. Tuy người dân và học sinh có thể đi đường khác để ra xã nhưng xa hơn gấp 5 lần, ngoài ra còn nguy hiểm do có nhiều xe tải vận chuyển đá”, bà Dương cho biết.
UBND TP.Biên Hòa hôm qua đã tiến hành khảo sát, bàn phương án xây dựng cầu tạm để người dân đi lại.
Lê Lâm

Chí Nhân – Lê Quân