Kiến trúc xưa của các ngôi nhà cổ ở Hà Nội đang bị phá vỡ bởi nhu cầu của cuộc sống đương đại – Ảnh: Ngọc Thắng
|
Những diễn giả gồm nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn, nhà thơ Vi Thuỳ Linh, bên cạnh người dẫn chương trình kiến trúc sư Phó Đức Tùng được lựa chọn một cách có chủ đích để nói về sự thay đổi của Hà Nội ở nhiều khía cạnh: kiến trúc, cảnh quan, văn hoá, ngôn ngữ, con người.
Không kìm được nước mắt…
Hiếm khi nào có một buổi tọa đàm đông người tham dự đến vậy. Khoảng hơn 300 người gồm giới trí thức, người lớn tuổi và điều bất ngờ là rất đông những người trẻ. Khán phòng không còn một chỗ trống, khán giả ngồi cả ở các lối đi, thậm chí trên sân khấu, nơi diễn giả trò chuyện. Một câu hỏi của bạn trẻ đặt cho các diễn giả đã thể hiện được mối quan tâm chung của nhiều người tìm đến đây: “Chúng ta bảo tồn Hà Nội như thế nào?”.
|
|
|
Không thể hô hào đừng nhổ kẹo cao su, hay nhổ nước bọt nơi công cộng. Điều đó thuộc về tầm cao, là giáo dục. Tôi nghĩ văn hoá thuộc về mỗi người. Mỗi người tốt dần thì mọi thứ sẽ dần tốt lên
|
|
|
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức
|
|
|
“Tôi đã không thể kìm được những dòng nước mắt. Đã bao nhiêu lần tôi đứng lại, nhưng bây giờ thì không dám đứng lại nữa khi đi qua những con đường thấy cây đã bị đốn hạ”, nhà thơ Vi Thuỳ Linh nói. Trong cách nhìn của chị, di sản của Hà Nội là “ao, cây, hồ”, vậy mà “hồ lấp, ao lấp, còn cây thì bị chặt phá”. Ngay như việc Hà Nội mở rộng, với chị, đã làm mất đi phần hồn thiêng của mảnh đất này. Chị không muốn nhìn Hà Nội với những “dòng sông dưa hấu” (rác thải trên sông) và những “ngã tư gù lưng” (những cây cầu vượt vắt qua các ngã tư). “Tôi đau lòng khi người ta tè bậy, đóng đinh, giăng đầy mọi thứ lên những thân cây bên đường. Ra đường là thấy chửi bậy nhưng tôi thấy quy định phạt tiền khó mà thực thi được. Tôi chỉ biết tìm lại vẻ đẹp của Hà Nội trong ký ức, trong những tác phẩm văn chương”, nhà thơ Vi Thuỳ Linh bày tỏ.
Giữ vai trò là người chia sẻ về những thay đổi trong kiến trúc và cảnh quan Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn mang đến toạ đàm hình ảnh về những ngôi nhà mặt phố với những tấm biển quảng cáo che hết mặt tiền, những ngôi nhà Tây “biến hình” được cải tạo, biến đổi đáp ứng công năng sử dụng của con người hiện tại, khiến kiến trúc xưa bị phá vỡ. Hình ảnh ngôi nhà số 11 Hàng Lược là một ví dụ. Ngôi nhà là một tòa biệt thự mang kiến trúc Pháp, nhưng hiện nay đã trở thành khu nhà tập thể. “Tôi không tô hồng hay bôi đen, tôi chỉ ghi lại hiện thực. Cảm nhận tuỳ thuộc vào mỗi người vì Hà Nội là của mọi người”, anh nói.
“Người ta thường có tâm lý hoài cổ, ngày xưa cũng như vậy. Như cụ Nguyễn Trung Ngạn thời nhà Trần đã viết “đình mới trùng tu thấy chạnh lòng” khi 12 năm ghé lại thăm ngôi đình”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức chia sẻ. Ông cho rằng: “Người ta cứ nói Hà Nội ngày xưa là đẹp, là yên bình, nhưng không hẳn vậy”. Ông dẫn ra vũng voi giày (hiện ở khu vực công viên Lê Nin, Hà Nội) như một ví dụ cho thấy một phong tục có tính chất tiêu cực ở thời xưa. Sử liệu có ghi đây là nơi xử những vụ gian dâm, cho voi giày xéo lên người những phụ nữ bị khép tội. “Trong điểm nhìn của tôi, ở mỗi thời đại có phong tục, văn hoá, ngôn ngữ khác nhau. Nhìn về sự thay đổi, chúng ta biết cái gì cần thay đổi, cái gì cần được kế thừa”, ông Đức nói.
“Các cụ đã chửi từ lâu rồi”
“Hà Nội xưa và nay là hai thực thể khác nhau. Một đại đô thị hàng chục triệu dân với một cái làng lớn chỉ vài chục nghìn dân trước kia. Đô thị này đang phát triển như một sinh vật kỳ dị nào tôi không biết, nhưng quan trọng nó là một sinh vật sống”, kiến trúc sư Phó Đức Tùng nói. Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, không thể phủ nhận được Hà Nội hiện tại, nhưng đúng là Hà Nội hiện nay đang có rất nhiều vấn đề về cảnh quan, kiến trúc…
Ông Đức lấy ví dụ của Hàn Quốc trong việc bảo tồn làng cổ như một bài học mà Hà Nội có thể học theo trong việc bảo tồn làng cổ Đường Lâm. “Bảo tồn cần được duy trì dưới góc độ du lịch”, ông Đức nói.
Về việc bảo tồn văn hoá, ông Đức cho rằng: “Về vấn đề người Hà Nội bây giờ cũng nói tục, chửi bậy, thì dù các cụ đã chửi từ lâu rồi, nhưng có sự khác biệt về văn hóa. 60 – 70 năm về trước, giới trí thức, những người có học khi mắng nhau vẫn còn giữ liêm sỉ, lễ nghĩa, đạo đức. Không thể hô hào đừng nhổ kẹo cao su, hay nhổ nước bọt nơi công cộng. Điều đó thuộc về tầm cao, là giáo dục. Tôi nghĩ văn hoá thuộc về mỗi người. Mỗi người tốt dần thì mọi thứ sẽ dần tốt lên. Nhưng quan trọng vẫn là cái tầm của người đứng trên cao”.