Nhiều đồ dùng học tập có mùi thơm gây thu hút phụ huynh, học sinh – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Theo các chuyên gia, “mùi thơm” trên tập vở và đồ dùng học tập là từ benzen, một dung môi hữu cơ độc hại được tách ra ở giai đoạn cuối của dầu hoả.
Theo TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hoá dầu, Đại học Bách khoa TP.HCM, trước đây mức sử dụng benzen cho phép trong xăng từ 5% xuống 2,5% sau năm 2000, vẫn còn khá lớn. Đã có nhiều cảnh báo về mức quy định này bởi về lâu dài, nó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà chúng ta không lường trước được. Thêm nữa, nhân benzen có loại dễ phân huỷ và khó phân huỷ; các sản phẩm giấy, bút, tập vở cần lưu giữ lâu dài, nên khả năng người ta sử dụng loại khó phân huỷ nhiều hơn. Nếu tiếp xúc, hít phải lượng benzen lớn và thường xuyên, sẽ rất dễ mắc phải nhiều bệnh lý. Triệu chứng nhẹ là nhức đầu, rối loạn tiêu hoá, dị ứng… nặng thì bị truỵ tim mạch. Benzen cũng là căn nguyên của các căn bệnh bạch cầu, ung thư, gây vô sinh… Tuy tất cả các dung môi đều có thể gây độc nhưng vấn đề là tuỳ mức độ sử dụng thế nào. Ví dụ, ngoài được sử dụng tạo mùi thơm trong xăng, benzen cũng được dùng trong sản xuất sơn quét tường… Vì thế rất khó để nói học sinh dùng tập vở, bút… có mùi thơm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về sức khoẻ “vì chúng ta chưa có công cụ nào để đo đếm đưa ra kết luận này cả”, TS Quyền nhấn mạnh.
|
|
|
Rất khó để nói học sinh dùng tập vở, bút… có mùi thơm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về sức khoẻ “vì chúng ta chưa có công cụ nào để đo đếm đưa ra kết luận này cả”
|
|
|
TS Huỳnh Quyền
|
|
|
Theo ông, trước mắt để tránh tâm lý bất an cho phụ huynh học sinh, ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, lấy mẫu, đo lượng benzen có trong các dụng cụ học tập. Nếu phát hiện, công bố rộng rãi chỉ số benzen cho phép trong các sản phẩm này, tuyên bố thu hồi các sản phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Việc này không khó và cần làm càng nhanh càng tốt.
Trong khi đó, ông Toàn (chuyên gia về hoá học và là người kinh doanh hoá chất, phụ gia, phẩm màu dùng trong thực phẩm và công nghiệp tại TP.HCM) cho rằng việc các sản phẩm, trong đó có dụng cụ học tập, có hương thơm chưa hẳn là độc. Bởi vì, hương là nguyên liệu tổng hợp và có nhiều loại gốc hương. Tuỳ hoạt chất, hương được trích xuất từ chất gì mà độc hay không và tuỳ vào mức độ sử dụng hương như thế nào mà có thể gây độc hay không.
Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học an toàn thực phẩm VN), chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng cho rằng cấu trúc hoá học của chất thơm có nhiều vòng, tuỳ theo vòng thơm nhiều hay ít mà gây độc, mức độ độc khác nhau. Chất thơm dùng trong sản xuất các sản phẩm công nghiệp như dụng cụ học tập (tẩy, giấy…) thường dùng loại tạo ra mùi mạnh. Mùi thơm mạnh này thường là gây độc, tác hại lên sức khoẻ. Do đó không được lạm dụng chất thơm công nghiệp.