10/01/2025

TP.HCM “đặt hàng” lớn với điêu khắc

Hằng năm, TP.HCM có thể mở trại điêu khắc trong nước, hai năm mở trại điêu khắc quốc tế để tìm nguồn tượng phục vụ nhu cầu quy hoạch công cộng TP.

 

TP.HCM “đặt hàng” lớn với điêu khắc

 

Hằng năm, TP.HCM có thể mở trại điêu khắc trong nước, hai năm mở trại điêu khắc quốc tế để tìm nguồn tượng phục vụ nhu cầu quy hoạch công cộng TP. 


 


Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở khu trung tâm TP.HCM là một trong những nơi được nhắm tới cho việc đặt tượng điêu khắc, nhưng các nhà chuyên môn tỏ ra thận trọng với điều này - Ảnh: Quang Định
Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở khu trung tâm TP.HCM là một trong những nơi được nhắm tới cho việc đặt tượng điêu khắc, nhưng các nhà chuyên môn tỏ ra thận trọng với điều này – Ảnh: Quang Định

 Ông Hứa Ngọc Thuận – phó chủ tịch UBND TP.HCM – để ngỏ khả năng này.

Nhiều điêu khắc gia đã tham gia buổi tọa đàm “Điêu khắc trong không gian công cộng tại TP.HCM” do Bộ VH-TT&DL cùng UBND TP.HCM tổ chức diễn ra sáng 9-9 tại TP.HCM, một hoạt động chuẩn bị cho trại điêu khắc quốc tế TP.HCM vào tháng 12-2015.

Các điêu khắc gia chia sẻ một cảm giác hào hứng với tương lai TP cần nhiều tượng trang trí, cơ hội cho sự đóng góp tài hoa và trí óc của họ.

Những nơi nào 
cần tượng trang trí?

Phần trình bày của ông Bùi Xuân Thu – giám đốc Trung tâm quy hoạch TP – mở ra nhu cầu tượng điêu khắc trang trí không gian công cộng của TP trong tương lai là rất lớn.

Đó là các khu quy hoạch mới ở Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng, phố đi bộ trung tâm TP, các ga tàu điện trên những tuyến tàu điện ngầm, các giao lộ với đường vành đai…

Ở đây có những công viên, khu dân cư, những khoảng trống để có thể đặt tượng công viên, tượng đường phố nhằm tạo không gian thẩm mỹ công cộng, tạo nên bộ mặt một đô thị hiện đại và nhân văn mà TP.HCM đang hướng đến.

Lấy phố đi bộ Nguyễn Huệ và tượng đài Bác Hồ là ví dụ, ông Hứa Ngọc Thuận tỏ ra tâm đắc với hai công trình tạo mỹ quan đô thị này.

Dường như sự thành công của hai công trình công cộng trên đang giúp những nhà lãnh đạo TP thúc đẩy mạnh hơn sự quan tâm đầu tư cho các công trình tạo cảnh quan công cộng.

Ông Thuận cho biết đến năm 2018, khi cảng Ba Son được chuyển đi, phố đi bộ trung tâm sẽ mở rộng về hướng Thủ Thiêm. Khi ấy, sẽ có nhiều khoảng trống không gian công cộng cần được trang trí mà tượng điêu khắc là một giải pháp.

Ông Hứa Ngọc Thuận cũng tiết lộ thông tin là từ lúc kêu gọi đến nay đã có 13 tác giả quốc tế đăng ký tham gia, trong đó các tác giả Nhật, Nga, Mỹ, Áo, Thái Lan đã gửi phác thảo.

“Rõ ràng khi chúng ta bắt đầu triển khai thì các bạn rất quan tâm. Trong tương lai nhu cầu tượng trang trí cũng rất lớn. TP có thể mỗi năm mở trại điêu khắc trong nước, hai năm mở trại điêu khắc quốc tế phục vụ nhu cầu đó!” – ông Hứa Ngọc Thuận cho hay.

Thận trọng nếu đặt tượng ở khu trung tâm

Cũng cần phân biệt là tượng từ trại điêu khắc là tượng đường phố, tượng công viên. Chủ đề sáng tác của những tượng này là các đề tài gần gũi với cuộc sống hằng ngày, với quy mô và kích thước vừa phải, đặt ở công viên hoặc những nơi công cộng.

Đó không phải là những tượng đài được sáng tác về các anh hùng, danh nhân, những sự kiện lịch sử… với kích thước hoành tráng, nhằm vĩnh cửu hoá một giá trị lịch sử, một tấm gương anh hùng, danh nhân nào đó.

Nhà phê bình Nguyễn Quân đã nói lời cảm ơn về việc tổ chức toạ đàm trước khi mở trại, việc làm mà ông cho rằng cần thiết.

Về việc 40 tượng của trại điêu khắc TP.HCM 2015 này được “nhắm” cho trung tâm TP, ông tỏ ra thận trọng: “Khó tưởng tượng một tác phẩm điêu khắc nào có thể chiếm chỗ trên đường Nguyễn Huệ, trước hội trường Thống Nhất hay trên trục đường Lê Duẩn mà không làm hỏng không gian ở đó. Việc này cần có các nghiên cứu sâu sắc về văn hoá, lịch sử và cảnh quan đô thị.

Nên chăng, ta hãy làm các thử nghiệm đưa điêu khắc vào không gian công cộng đông đúc ở những khu mới, quận mới như Thủ Thiêm, Thủ Đức, quận 2, quận 7, quận 9… mà trước tiên chỉ nên là trong các khuôn viên đại học, công sở, các công viên hoặc khu dân cư”.

Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn cũng chia sẻ ý kiến này. Theo ông, nếu lỡ đưa tượng vào khu trung tâm mà là tượng xấu hoặc tượng đẹp mà không hợp, thì tượng đặt lên rồi cũng khó dỡ đi.

Với 40 tác phẩm của trại điêu khắc TP.HCM lần này, ông Bùi Hải Sơn nghiêng về trang trí không gian kênh Nhiêu Lộc: “Chúng ta không đặt rải rác tượng như những nơi khác đã làm, mà chọn các điểm để quy hoạch vườn tượng. Mỗi khúc kênh Nhiêu Lộc có một vườn tượng, như vậy là hợp lý”.

Ông Vương Duy Biên – thứ trưởng Bộ VH-TT&DL – nêu hiện trạng tượng đặt chi chít bên sông Hương (Huế), tượng bị “bỏ quên” trong vườn ở An Giang, Vĩnh Phúc… để đặt mục tiêu cho trại điêu khắc TP.HCM sắp tới: “Tượng chỉ có thể làm TP đẹp hơn chứ không thể xấu đi, không phá vỡ không gian TP. 40 tượng lần này sẽ xem là thử nghiệm, nếu đẹp thì TP có thể làm tiếp!”.

Và mặc dù ông Hứa Ngọc Thuận cũng nói rằng TP.HCM nên khiêm tốn với hai chữ “đi đầu”, nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng và nhiệt huyết từ UBND TP, kiến trúc sư quy hoạch, điêu khắc gia… thì trại điêu khắc TP.HCM 2015 đang thu hút sự chú ý và kỳ vọng hơn so với các trại từ trước đến nay.

“Món nợ” quy hoạch tượng đài

Bên cạnh tọa đàm về trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015, ông Hứa Ngọc Thuận cũng nhắc đến việc quy hoạch tượng đài. Ông cho biết UBND TP nhiệm kỳ 2010 – 2015 có hai “món nợ” chưa làm được.

Một là quy hoạch tượng đài TP, hai là tượng đài Nam bộ kháng chiến và tượng đài Thống nhất. Tượng đài Nam bộ kháng chiến và tượng đài Thống nhất hiện đang cân nhắc chỗ đặt.

Nhưng với quy hoạch tượng đài TP, ông Hứa Ngọc Thuận cho biết ông sẵn sàng đặt hàng cá nhân, cơ quan hoặc nhóm tác giả nào có thể hoàn thành cho UBND TP nhiệm kỳ 2015 – 2020.

 

QUANG THI