Nhiều sai sót trong bộ sách ’70 năm thành lập nước’
Nhiều sai sót về thông tin, hình ảnh, tư liệu… xuất hiện trong bộ sách 70 năm thành lập nước (tổng cộng 13 cuốn) do Công ty Minh Thành (nhà sách Thăng Long) liên kết với NXB Trẻ, NXB Thanh niên, NXB Khoa học xã hội, NXB Văn hoá Thông tin… xuất bản và phát hành.
Nhiều sai sót trong bộ sách ’70 năm thành lập nước’
Nhiều sai sót về thông tin, hình ảnh, tư liệu… xuất hiện trong bộ sách 70 năm thành lập nước (tổng cộng 13 cuốn) do Công ty Minh Thành (nhà sách Thăng Long) liên kết với NXB Trẻ, NXB Thanh niên, NXB Khoa học xã hội, NXB Văn hoá Thông tin… xuất bản và phát hành.
Sai ngay từ bìa lót
Bìa lót cuốn sách Các cuộc khởi nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo (1930-1945), tên cuốn sách được in là “…Đảng công sản Việt Nam” (sai sót tương tự ở trang 256). Những lỗi mo – rát này thấy nhiều trong sách, cụ thể ở trang 281 “Việt Minh ra chỉ thị sửa soan khởi nghĩa”, trang 282 “cuộc chiến tranh Thái Bình Dương (do phát xít Nhật phát dộng ngày 7-12-1941) và cuộc kháng chiến của nhân dân Tàu (chống Nhật) xoay ra hoàn toàn cho cuộc cách mang Đông Dương thắng lợi…”; trang 289 “đến năm 1942 đã thành lập Mặt trân Việt Minh tại hầu hết các xã – tổng – châu…”.
Về cuộc khởi nghĩa do Châu Văn Liêm lãnh đạo, ở trang 9, sách viết: 6/4/1930, đến trang 15 lại viết: “Theo chủ trương của đồng chí (Châu Văn Liêm - NV), ba cuộc đấu tranh lớn của nông dân được tổ chức cùng một ngày 4-6-1930 tại Đức Hoà, Hóc Môn và Bà Hom”.
Cũng trong cuốn sách trên, trang 40-41, viết về nhóm Thanh niên cộng sản đoàn (mà hạt nhân là Thanh niên cách mạng đồng chí hội) viết sai tên Lê Quảng Đạt thành Lê Quang Đoạt, sai tên thật của Lâm Đức Thụ là Nguyễn Công Viễn thành Nguyễn Chí Viễn. Trang 274 viết “Từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp (6-3-1945)”. Chính xác phải là 9.3.1945.
Hoặc trang 288, sách viết về các “Hội ái quốc” của Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh chỉ có các hội cứu quốc như: Nhi đồng Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Phụ lão Cứu quốc… chứ không có Hội ái quốc. Vẫn trang này, sách viết: “Ra đời từ một Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ tám, ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, là một tất yếu lịch sử”. Thật ra Mặt trận Việt Minh đã ra đời vào ngày 19.5.1941.
Ở trang 252, cuốn sách nêu trên viết: “Đích thân Người giảng dạy cho nhiều lớp học viên những kiến thức cơ bản mà Người tiếp thu từ thực tiễn cuộc sống của hơn 13 năm bôn ba khắp thế giới (1911-1924) và đúc kết thành lý luận cách mạng mang tên Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”. Lạ quá! Năm 1925-1927, mở lớp giảng bài cho các học viên trong nước sang tại lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc giảng về “Đường Kách mệnh”, chứ làm sao mà đi trước thời đại để giảng lý luận cách mạng mang tên Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – một môn học mà mãi những năm 1990 mới có ở bậc đại học?
Nhập nhằng tranh – ảnh và chú thích sai
Trong cuốn Cách mạng tháng tám qua tư liệu ảnh có nhiều chỗ nhập nhằng giữa ảnh với tranh tư liệu – hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, Hội nghị thành lập Đảng tại bán đảo Cửu Long, Hương Cảng, tháng 2.1930 (trang 91). Đây không phải ảnh tư liệu mà là tranh vẽ lại.
Tương tự, cuốn sách có các bức tranh vẽ như: Nguyễn Ái Quốc giảng bài tại trụ sở Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu 1925-1927 (trang 67); Phong trào đấu tranh cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 (trang 93), Đoàn thanh niên trong phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa 11/1940 (trang 99), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, ngày 28/1/1941 (trang 102); Quốc dân đại hội Tân Trào ngày 16-17/8/1945… Mít tinh giành chính quyền ở Cao Bằng (trang 114).
Trang 114 có bức ảnh chú thích “Một đơn vị giải phóng trước khi lên đường về giải phóng Thái Nguyên, tháng 8/1945”. Đây là chú thích sai. Bức ảnh đó là Lễ thành lập Đội Cứu Quốc quân III (1944), mà Chính trị viên hiện nay vẫn còn sống – bà Trần Thị Minh Châu (nguyên Chánh văn phòng Khu giải phóng Tân Trào, Cục trưởng Cục Xuất bản).
Ngạc nhiên hơn nữa là trước đó, cũng chính bức ảnh này lại được chú thích là “Khởi nghĩa Bắc Sơn, 27/9/1940”. Bức ảnh được chú thích là “Đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, ngày 22/12/1944” trước đó mới chính là “Một đơn vị giải phóng trước khi lên đường về giải phóng Thái Nguyên (16/8/1945)”.
Trang 152 chú thích ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời tại Bắc Bộ Phủ, ngày 28/12/1945”. Đây là Chính phủ lâm thời tại Bắc Bộ Phủ ngày 28.8.1945, tại sao các tác giả lại tăng lên 4 tháng?
“Trung vụ Xứ” và “Trung ương Xứ” (!)
Nhiều nội dung trong cuốn thứ ba Lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam, tên nhiều nhân vật bị viết sai, như kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật viết thành Tạ Mỹ Thuật (trang 101), tên nhà báo Hoàng Xuân Tuỳ viết sai thành Hoàng Xuân Tùng (trang 136), tạp chí Tiên Phong viết thành tạp chí Tiền Phong (trang 105-108).
Ở cuốn Cách mạng tháng Tám – Những giờ phút lịch sử, NXB Thanh niên và nhà sách Thăng Long liên kết xuất bản – phát hành, tác giả viết tắt TV Xứ (trang 112), tức là Thường vụ Xứ uỷ (Bắc kỳ), thì được biên tập thành “Trung vụ Xứ” hoặc thành “Trung ương Xứ” (trang 118)…
Nhiều cuốn sách chỉ có một nửa nội dung là do các tác giả biên soạn (từ các nguồn khác nhau), còn lại là cóp nhặt bài viết của các tác giả khác có cùng chủ đề. Ở phần Tài liệu tham khảo có đến một nửa số tác phẩm trích dẫn không thấy đề năm xuất bản.
Duy Trang