28/11/2024

Giận dữ nhưng đành im lặng trước… tiếng ồn

Dù bức xúc, thậm chí giận dữ trước tiếng ồn gây ra từ hàng xóm, nhưng có tới 85% số người được hỏi cho biết họ đành im lặng và chịu đựng bởi có phản ứng cũng không đem lại kết quả mà có khi lại bị phiền hà thêm.

 

Giận dữ nhưng đành im lặng trước… tiếng ồn

 

Dù bức xúc, thậm chí giận dữ trước tiếng ồn gây ra từ hàng xóm, nhưng có tới 85% số người được hỏi cho biết họ đành im lặng và chịu đựng bởi có phản ứng cũng không đem lại kết quả mà có khi lại bị phiền hà thêm.



Một tiệm bán điện thoại di động trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) đặt loa ngoài đường để thu hút khách mua hàng - Ảnh: THANH TÙNG
Một tiệm bán điện thoại di động trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) đặt loa ngoài đường để thu hút khách mua hàng – Ảnh: THANH TÙNG

Đây là kết quả khảo sát nhanh do Tuổi Trẻ thực hiện với 40 người ở TP.HCM tham gia trả lời.

Trong đó có 20 người dân là nạn nhân của tiếng ồn, 10 người là “thủ phạm” gây ồn và 10 lãnh đạo các phường, xã.

Cuộc khảo sát này được thực hiện theo đặt hàng của bạn đọc bởi từ lâu tiếng ồn đô thị là một đề tài nói hoài, nói mãi mà tình hình hầu như không cải thiện được bao nhiêu.

Bị đánh vì góp ý với hàng xóm

Đó là câu chuyện của P.N.B., 21 tuổi, từng ở trọ trong một con hẻm đường Nguyễn Du (Q.Gò Vấp). Anh B. kể: cách đây khoảng 3 tháng, khu xóm trọ của anh bỗng nhiên bị tra tấn bởi tiếng ồn từ một nhà hàng xóm. Nhà này mới dọn tới, thường xuyên tổ chức ăn nhậu tới khuya, mở loa thùng hát ầm ĩ.

Đang mùa học hành thi cử, B. qua nói để người ta vặn nhỏ bớt lại. Ai dè vừa mở lời đã bị vợ chủ nhà mắng té tát, còn ông chủ nhà và mấy tay bạn nhậu thì cầm gậy rượt đánh B., còn doạ sẽ “xử đẹp” nếu nhìn thấy B. lần nữa. Biết không thể thay đổi được, B. vội vàng chuyển chỗ ở.

Tâm lý ngại va chạm, buông xuôi là hai nguyên nhân chính khiến nạn nhân của tiếng ồn chọn cách im lặng. Có người bị bảo vệ quán ăn nạt nộ, cảnh cáo, doạ đánh nên sợ. Có người thấy có nói với người gây ra tiếng ồn hoặc có phản ảnh lên chính quyền cũng không được giải quyết thoả đáng nên âm thầm chịu đựng…

Trong các ý kiến chọn cách phản ảnh lên chính quyền đều cho biết là cảm thấy không hài lòng, vì sau khi họ phản ảnh ít thấy chính quyền có động thái xử lý, hoặc có xử lý nhưng không có kết quả, hoặc bớt một chút rồi đâu lại vào đó.

Thậm chí, có những trường hợp như bà T.T.P.H. (ở Q.6) sống ngay cạnh một cơ sở sản xuất công cụ lao động. Quá bức xúc vì ồn ào, bà gửi đơn lên phường, thấy không bớt bà lại gửi đơn lên quận, lên thành phố. Không đúng thẩm quyền giải quyết, các nơi này lại chuyển đơn của bà về phường. Ròng rã 6 năm nay, tình trạng ồn ào vẫn không được giải quyết triệt để.

Còn đây là cách phản ứng của “thủ phạm” gây tiếng ồn: “Tôi rất bất bình, bức xúc khi bị người dân phản ảnh việc mở nhạc gây ồn ào. Nghe người ta phản ảnh là tôi bực mình”, chủ một quán lẩu dê trên đường Kha Vạn Cân (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) đã nói như vậy khi được hỏi về việc gây ồn của mình. Người này sau một hồi nói chuyện đã tỏ thái độ hăm doạ, đòi đập điện thoại của người khảo sát và đuổi khỏi quán.

Trong số 10 chủ quán trả lời khảo sát, chỉ một người cho biết đã tắt nhạc ngay khi có hàng xóm sang than phiền là gây ồn quá, một người khác nói sau khi bị chính quyền kiểm tra đã đầu tư nâng cấp hệ thống cách âm để giảm tiếng ồn.

Đồ họa: TẤN ĐẠT
Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

Chính quyền 
cần cương quyết

Chủ một cửa hàng thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) nói: “Các cửa hàng xung quanh họ bật nhạc để khách chú ý, giờ mình cứ để tiệm im lìm thì người ta còn không thèm ngó chứ đừng tính chuyện vô mua hàng”. Bà khẳng định chừng nào tất cả mọi người cùng tắt nhạc thì nhà bà mới tắt.

Vậy nên khi trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để dẹp được nạn tiếng ồn?”, có 33,3% số ý kiến nói rằng không thể nào dẹp được; 36,6% nói phải tự cứu mình bằng các giải pháp như tự lắp thiết bị cách âm, dời chỗ ở…

“Hồi trước con gái tôi ôn thi đại học, tối về tới nhà thì đối diện là quán cà phê mở nhạc to quá không học nổi. Tôi phải đưa con đi thuê nhà để học thi, nhưng sau thấy vô lý quá, có nhà không ở phải bỏ thêm mấy triệu đồng thuê nhà mỗi tháng. Cuối cùng, tôi quyết định đầu tư lắp kính cách âm, dù tốn tiền nhưng là đầu tư một lần thôi. Nhưng cách âm như vậy thì nhà kín phải dùng máy lạnh, tiền điện hằng tháng cũng tăng lên”, bà N.T.H. ở P.15, Q.10 kể. Khu bà ở có hàng chục quán cà phê bật nhạc xập xình suốt ngày.

Phương án xử lý nạn tiếng ồn được những người trả lời khảo sát lựa chọn nhiều nhất lại là việc đề nghị chính quyền phải quy định rõ điều kiện kinh doanh ở các quán ăn, karaoke, nhà hàng… mức độ ồn cho phép là bao nhiêu, buộc lắp đặt thiết bị cách âm, nếu vi phạm thì phạt nặng, nhiều lần thì đóng cửa (63,3%).

Từ góc độ quản lý nhà nước, lãnh đạo các phường lại nêu ra nhiều khó khăn khi xử lý vi phạm về tiếng ồn như: ý thức người dân, người kinh doanh còn kém (50%); quy định chưa rõ ràng, cụ thể (phải tổ chức đo độ ồn, khi huy động được đủ các ban bệ thành phần qua kiểm tra thì cơ sở đó ngưng lại…); vai trò vận động, hoà giải thuyết phục của các tổ dân phố, khu phố còn hạn chế…

Ông Nguyễn Thế Dũng, phó chủ tịch UBND P.13, Q.Gò Vấp, nói rằng: “Nếu xử lý tiếng ồn từ sản xuất thì phải thuê đơn vị có chức năng đo lường bên ngoài vào đo rất tốn kém, rồi khi mình tới kiểm tra thì họ đã giảm ồn hoặc ngưng lại, nên kết quả đo nhiều khi không vượt quá mức cho phép, không xử lý được. Thành thử bên khiếu nại dễ nghĩ rằng phường không làm hết sức, hoặc có tiêu cực gì đó”.

Tuy nhiên, để “vượt khó”, nhiều phường xã cho biết đã có những cách làm khác nhau.

Ở phường Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), ông Trần Minh Tú, chủ tịch UBND phường, cho biết sau khi nhận được phản ảnh của người dân sẽ xác minh sự việc, tiếp xúc, vận động, nhắc nhở người gây ồn. Nếu còn vi phạm phường sẽ kiểm tra toàn diện hàng quán về vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng lao động, phòng cháy chữa cháy, phối hợp với các đơn vị có chức năng đo lường độ ồn để có căn cứ xử phạt.

Có phường ở Q.Bình Tân, UBND phường cho xe tuần tra đảo liên tục trước cửa các quán “chây ì” khiến các ông chủ dù “cứng đầu” tới mấy cũng phải bớt… ồn ào lại.

Dưới đây là một số ý kiến quanh chuyện ô nhiễm tiếng ồn. Theo bạn, làm thế nào để dẹp được nạn tiếng ồn khắp nơi này? Hãy chia sẻ cùng TTO qua phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

* Ông Lâm Vệ (Q.Thủ Đức):

Ảnh: VĂN TIÊN
Ảnh: VĂN TIÊN

Tiếng ồn từ giao thông, quán nhậu, kinh doanh thời trang gần nhà rất nhức đầu, mệt mỏi, thậm chí khó thở, nhưng hầu như tụi tui không dám nói vì sợ bị đánh, chỉ mong họ giảm bớt ồn ào đi cho cuộc sống bớt khổ.

* Ông Đặng Minh Nguyên (chủ tịch UBND P.26, Q.Bình Thạnh):

Ảnh: VĂN TIÊN
Ảnh: VĂN TIÊN

Hiện đã có quy định xử lý vi phạm về tiếng ồn nhưng quy trình không phù hợp với thực tế, ví dụ như phải tổ chức đo độ ồn mới có cơ sở xử phạt…

* Anh Lê Nguyễn Anh Vũ (Q.Gò Vấp):

Ảnh: M.HUYỀN
Ảnh: M.HUYỀN

Nên phối hợp nhiều giải pháp. Trước tiên phải trao đổi với người gây ồn, nếu không thành công thì nhờ đến các cuộc họp tổ dân phố để hoà giải thuyết phục. Các quy định về tiếng ồn cũng phải rõ ràng…

 

NHÓM KHẢO SÁT