10/01/2025

Đi bơi sợ dính… bệnh da liễu

Chất lượng nước ở hồ bơi hiện nay không còn là mối lo ngại, mà điều đáng lo lại chính là sự bừa bãi của những người kém ý thức.

Đi bơi sợ dính… bệnh da liễu

 

 

Chất lượng nước ở hồ bơi hiện nay không còn là mối lo ngại, mà điều đáng lo lại chính là sự bừa bãi của những người kém ý thức.



Đi bơi sợ dính... bệnh da liễu  - ảnh 1Người bơi cần nâng cao ý thức vì sức khoẻ của mọi người và của chính mình – Ảnh: Ngọc Hạnh
Yên tâm chất lượng nước hồ bơi
Tháng 7.2015, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM đã công bố kết quả xét nghiệm chỉ tiêu vi sinh (tổng số Coliform và E.Coli) tại 146 hồ bơi công cộng và trường học, khu chung cư, khách sạn trên địa bàn TP.HCM với kết quả 100% mẫu nước đạt tiêu chuẩn vi sinh.
Điều này cho thấy để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, các hồ bơi đã chú trọng đến việc luôn giữ cho nước ở hồ bơi đạt tiêu chuẩn cho phép.
Ông Nguyễn Xuân Gụ – Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước – cho biết: “Hầu hết các hồ bơi lớn ở TP.HCM và Hà Nội đều trang bị hệ thống lọc nước tuần hoàn và thường xuyên rút bớt nước để thay mới nên rất sạch sẽ. Hệ thống lọc tuần hoàn có gắn máy đo để kiểm tra lượng Clo dư, độ pH… nên nước luôn đảm bảo đúng tiêu chuẩn cho phép”.
Sáng 6.9 tại hồ bơi Yết Kiêu (TP.HCM), chúng tôi chứng kiến gần 40 em thiếu nhi đang tập bơi với sự hướng dẫn của các HLV và sự theo dõi của phụ huynh ở bên ngoài. Quan sát bằng mắt thường dễ nhận thấy nước hồ bơi trong xanh, lòng hồ không bị đóng rong rêu, không thấy rác rưởi đọng trong hồ. Bên cạnh mỗi hồ đều có bảng báo công khai kiểm tra chất lượng nước có đề ngày kiểm tra gần nhất là 31.8 kèm theo độ pH và thành phần Clo trong nước…
Ở Hà Nội, dù đã cuối mùa hè nhưng bể bơi số 3 Tăng Bạt Hổ (số 4 Trần Hưng Đạo) vẫn rất đông khách. Khách đến bơi đều phải để giày dép ở ngoài và rửa chân sạch sẽ trước khi vào bể bơi. Anh Hoàng Thanh đưa cả gia đình đến đây bơi, nói với PV: “Chúng tôi phải lựa chọn những bể bơi sạch vì yếu tố an toàn sức khoẻ là ưu tiên hàng đầu. Những bể bơi lớn như thế này rất đông người nhưng có hệ thống lọc nước tuần hoàn và có máy kiểm tra chất lượng nước tại chỗ nên rất yên tâm”.
Bể bơi Cung thể thao dưới nước thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cũng đón số lượng khách đông không kém. Giá vé học bơi là 1,3 triệu đồng/15 buổi. Đây cũng là nơi tổ chức các giải vô địch bơi lội quốc gia cho các lứa tuổi nên chất lượng nước được đảm bảo. Theo khảo sát của PV, hệ thống lọc nước của bể bơi này khá hoàn chỉnh, khoảng 900 m3/giờ và với chu trình nhanh, hệ thống thoát nước tự động sẽ giúp cho nước trong bể luôn xanh và sạch.
Những nỗi lo khác
Dù nước hồ bơi được xử lý tốt, nhưng người bơi lại phải đối mặt với nỗi lo khác.
Tại hồ bơi Yết Kiêu, cô bé vừa bơi lên mặt nước liền thản nhiên hỷ mũi, rồi quẹt luôn cả đống nước mũi xanh lè xuống nước khiến nó nổi lềnh bềnh. Có phụ huynh đứng trên hồ thấy vậy, liền kêu cậu con trai của mình lên để về chứ nhất quyết không cho bơi nữa.
Chuyện hỷ mũi rồi tiện tay quẹt luôn xuống hồ bơi chỉ là chuyện nhỏ.
Chúng tôi đã hỏi nhiều phụ huynh dẫn con đến hồ bơi, đa số đều cho rằng điều họ ngại nhất là nhiều người thiếu ý thức, không chịu đi vệ sinh trước khi xuống hồ, đến khi “mắc” quá liền tiểu tiện luôn trong hồ. Vì thế, cứ thấy nước sủi bọt là ai cũng “né”. Ngoài ra, những người lao xuống hồ mà không tắm qua nước sạch cũng gây bất bình cho nhiều người khác. Nhiều người lớn khạc nhổ bừa bãi ngay trong hồ là chuyện thường ngày ở huyện.
Nhưng cái lo lớn nhất là lo sợ dính phải những bệnh da liễu. Nhiều thống kê cho thấy những người thường xuyên đi bơi rất dễ mắc bệnh về da, bởi nếu không may tắm chung hồ với người nào đó bị các bệnh nấm da thì rất dễ bị lây bệnh.
Ngoài ra, bệnh tiêu chảy cũng dễ lây lan ở hồ bơi. Vì chỉ cần ai đó đang bị tiêu chảy bơi chung hồ nhưng không vệ sinh kỹ lưỡng, thì người khác lỡ uống nước hồ bơi thì rất dễ mang bệnh vào người. Tại hồ bơi Yết Kiêu có bảng nội quy: Không được phép xuống nước trong trường hợp: người có vết thương hở, bệnh ngoài da, bệnh nhiễm trùng, đau mắt, đau tai.
Trò chuyện với chúng tôi, nhân viên phụ trách hồ bơi Yết Kiêu nói: “Nội quy là vậy, nhưng chúng tôi chỉ hy vọng sự tự giác của những người đi bơi. Nếu họ không ý thức thì đành chịu chứ không có giải pháp nào để hạn chế”. Chị Hoàng Nga vừa nhìn theo hai đứa con của mình bơi dưới hồ vừa nói: “Ý thức của người VN mình vẫn còn kém quá, nên dù nước được xử lý sạch thì chưa chắc hồ bơi đã sạch. Trước khi con tôi xuống nước, tôi luôn căn dặn con tránh bị uống nước khi bơi và tránh xa những chỗ đông người”.

 

Thanh Niên