Giảm áp lực học hành, thi cử
Năm học này tuy chưa có những đổi mới mang tính đột phá, nhưng Bộ cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh những nội dung quan trọng như tinh giản chương trình dạy học và thi cử, ngăn chặn lạm thu, đẩy mạnh dạy học ngoại ngữ…
Giảm áp lực học hành, thi cử
Năm học này tuy chưa có những đổi mới mang tính đột phá, nhưng Bộ cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh những nội dung quan trọng như tinh giản chương trình dạy học và thi cử, ngăn chặn lạm thu, đẩy mạnh dạy học ngoại ngữ…
Điều chỉnh chương trình theo hướng tinh giản
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Trong khi chờ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngay từ năm học này, Bộ đã yêu cầu rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, loại bỏ những phần trùng lặp, xa rời thực tế và không phù hợp với trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi để tránh quá tải cho cả người dạy và người học”.
Bộ cũng đã giao quyền chủ động, hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với HS, gắn với các di sản văn hoá, lịch sử và thực tiễn địa phương. Nhà trường áp dụng các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tiên tiến, yêu cầu HS vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
Nhân rộng chương trình tiếng Anh mới
Với cấp tiểu học, Bộ yêu cầu các trường chỉ triển khai dạy học tiếng Anh khi có giáo viên đạt chuẩn về năng lực tiếng Anh, đã được bồi dưỡng về dạy học tiếng Anh tiểu học. Bộ lưu ý dạy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho HS, trong đó tập trung phát triển kỹ năng nghe và nói.
Với cấp THCS và THPT, năm học này tiếp tục thí điểm theo chương trình ngoại ngữ 10 năm tới lớp 9 của THCS (đối với những lớp đã hoàn thành chương trình thí điểm lớp 8), lớp 12 của THPT (đối với những lớp đã hoàn thành chương trình thí điểm lớp 11).
Xử lý nghiêm việc lạm thu
Khoản thu đầu năm luôn là mối quan tâm của các gia đình sau ngày khai giảng. Để tránh lạm thu, ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở GD-ĐT hướng dẫn và giám sát cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học đảm bảo đúng quy định hiện hành. Các tỉnh cần xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng cơ sở để xảy ra tiêu cực trong việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ HS để thu góp hoặc ép buộc HS phải đóng những khoản không bắt buộc”.
Đối với các khoản đóng góp, tài trợ theo hình thức
xã hội hóa để góp phần tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp, hỗ trợ hoạt động giáo dục phải thực hiện theo quy định. Tất cả khoản thu phải công khai dự toán, đảm bảo sự giám sát thu chi của người đóng góp, công khai quyết toán và chịu trách nhiệm
giải trình, chịu sự thanh tra, kiểm tra để đảm bảo chi đúng mục đích và hiệu quả, tránh lãng phí.
Rút kinh nghiệm về kỳ thi THPT quốc gia
Cũng theo ông Nguyễn Vinh Hiển, ngay đầu năm học mới Bộ sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, ghi nhận ưu điểm, hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển ĐH, CĐ, làm sao cho kỳ thi năm sau tiếp tục giảm bớt khó khăn cho HS mà vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Những hạn chế nảy sinh trong công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả thi… sẽ được xem xét điều chỉnh để các khâu của quá trình tổ chức thi được hoàn thiện. Thời gian thi cũng sẽ được bàn bạc, lấy ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo.
Tuệ Nguyễn