09/01/2025

​Giáo viên và nỗi khổ bảo hiểm y tế

Từ khi có bảo hiểm y tế học sinh, giáo viên chủ nhiệm mặc nhiên trở thành “đại lý bất đắc dĩ” của cơ quan bảo hiểm xã hội.

 GIÁO DỤC DƯỚI MẮT MỌI NGƯỜI

​Giáo viên và nỗi khổ bảo hiểm y tế

 

Từ khi có bảo hiểm y tế học sinh, giáo viên chủ nhiệm mặc nhiên trở thành “đại lý bất đắc dĩ” của cơ quan bảo hiểm xã hội.




Đồ họa Tấn Đạt
Đồ hoạ: Tấn Đạt

Trong cuộc họp với giáo viên chủ nhiệm vào đầu năm học, hầu hết phụ huynh đều bất ngờ khi được biết năm học 2015 – 2016 họ phải bỏ ra số tiền gần gấp đôi năm trước để mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho con em mình.

Nếu năm học 2014 – 2015 là 289.800 đồng thì năm nay phải tăng lên đến 534.000 đồng/em.

Ở địa bàn nào cũng có những khó khăn nhất định, nhưng ở các trường vùng ven, vùng sâu mà đa số gia đình học sinh làm nghề nông thì tình hình càng khó khăn hơn nhiều.

Điều quan trọng hơn là do việc khám chữa bệnh bằng BHYT ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập nên không ít phụ huynh lưỡng lự chưa quyết định có mua hay không.

Một số người muốn mua nhưng gặp khó về tài chính nên xin hẹn chờ bán lúa thóc, tôm cá, heo gà… hoặc chờ lãnh tiền làm thuê rồi sẽ đóng.

Số khác lại đề nghị cho đóng 2 – 3 lần/năm hoặc cho nộp trễ vài tháng. Nếu gia đình làm nông có ba con cùng đi học thì chuyện tăng BHYT đầu năm này quả là tin sét đánh!

Từ khi có BHYT học sinh, giáo viên chủ nhiệm mặc nhiên trở thành “đại lý bất đắc dĩ” cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Khoản hoa hồng chỉ có tính tượng trưng nhưng biến giáo viên thành kẻ “gạ gẫm” và “dọa dẫm” đối với học sinh, đồng thời cũng trở thành tấm bia để phụ huynh tha hồ “bắn” những viên đạn lớn nhỏ chứa đầy sự bức xúc, bực dọc do gặp phải bao nhiêu điều bất như ý trong quá trình khám chữa bệnh bằng BHYT.

Học sinh trở thành đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT. Nhưng các chế tài quy định trong Luật BHYT rất khó áp dụng được đối với BHYT học sinh khi các em không tham gia thì không thể nào xử lý được, bởi vì nhà trường không quản lý các em theo kiểu đơn vị sử dụng người lao động.

Vậy nên, khi giáo viên chủ nhiệm viện dẫn điều này ra đã khiến nhiều phụ huynh bực mình hỏi khó: “Bắt buộc mà tôi không mua thì làm gì?”.

Nếu là những giáo viên chủ nhiệm kỳ cựu, giàu kỹ năng sẽ biết cách “lách” cho qua chuyện rồi năn nỉ ỉ ôi, thuyết phục để phụ huynh xiêu lòng mà mua.

Nhiều phụ huynh thực bụng bảo: “Tui mua BHYT là vì thầy cô nói quá, tội nghiệp, chớ không phải tui sợ đâu!”.

Nhưng cũng có một số giáo viên chủ nhiệm, nhất là những thầy cô trẻ, non tay cứ vội trả lời theo kiểu liều: “Không mua thì không cho học”. Thậm chí là dùng cả từ “đuổi học” làm cho phụ huynh thêm bức xúc, và đã có phụ huynh cho con nghỉ học vì lý do này.

Có giáo viên chủ nhiệm do lo sợ không hoàn thành chỉ tiêu được giao sẽ bị phê bình, cắt thi đua khen thưởng… nên đã liên tục thúc bách, thậm chí là hù doạ học sinh thế này thế khác để các em về gây áp lực với phụ huynh.

Năm học 2015-2016 này mức phí BHYT học sinh tăng cao, lại được giao phải đạt chỉ tiêu 100%, trong khi thời gian thu nộp gấp gáp lại còn thêm những thủ tục hành chính rườm rà, nhất là chuyện buộc người tham gia phải làm bảng kê khai “cam kết, chịu trách nhiệm trước pháp luật” – như thể buộc họ phải xin được mua, làm cho giáo viên chủ nhiệm càng thêm khó khăn.

BHYT nói chung và BHYT học sinh nói riêng là một chính sách an sinh xã hội lớn, đầy tính nhân văn của Nhà nước ta.

Giáo viên chủ nhiệm nào cũng ý thức được điều này, cũng muốn góp phần xứng đáng để chính sách này được thực hiện và phát huy hiệu quả, nhưng không phải trong điều kiện như hiện nay.

Tất nhiên, ai cũng biết chắc chắn phụ huynh sẽ sẵn sàng, tự nguyện hằng năm mua BHYT cho con em mình khi chất lượng hoạt động của các cơ sở y tế, đặc biệt là ở tuyến cơ sở, tuyến huyện, những nơi mà người tham gia BHYT bắt buộc phải đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, được cải thiện đến mức không còn gì để phàn nàn.

Nhưng thiển nghĩ, trong khi chờ đợi, điều cần thiết hiện nay là cơ quan bảo hiểm xã hội phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, không chỉ trong học sinh mà chủ yếu là phụ huynh bởi đây chính là người quyết định học sinh có tham gia BHYT hay không.

Đừng để giáo viên chủ nhiệm đơn độc làm công tác này trong khi đây không phải là nhiệm vụ chính của họ, giáo viên còn rất nhiều việc khác phải làm vào đầu mỗi năm học.

Bán bảo hiểm – tiêu chí thi đua của giáo viên?

Suy cho cùng, việc bán BHYT cho mọi đối tượng nói chung, trong đó có học sinh, là nhiệm vụ chính của cơ quan bảo hiểm xã hội, mà ở các trường học là cán bộ đại lý thu.

Giáo viên chủ nhiệm chỉ giữ vai trò hỗ trợ lại phải “đứng mũi chịu sào” ở khâu khó nhất là vận động và trực tiếp thu phí.

Lẽ ra, để làm tốt công việc này giáo viên chủ nhiệm rất cần được sự hướng dẫn, giúp đỡ của cơ quan bảo hiểm xã hội, nhưng thực tế lâu nay không phải như vậy.

Giáo viên chủ nhiệm làm việc này theo sự phân công của ban giám hiệu, sự hướng dẫn sơ sài từ cán bộ đại lý thu của bảo hiểm xã hội ở trường.

Chưa bao giờ giáo viên chủ nhiệm được đại diện cơ quan bảo hiểm xã hội trực tiếp phổ biến, hướng dẫn, hợp đồng trách nhiệm… và đặc biệt là động viên về mặt tinh thần.

Trong tình thế này, liệu có công bằng không khi đưa tỉ lệ học sinh của lớp mua BHYT thành một tiêu chí trong bình xét thi đua hằng năm đối với giáo viên chủ nhiệm?

LÊ MINH HOÀNG (Long Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang)