09/01/2025

Nguy cơ bệnh do chờ văcxin dịch vụ

Nhiều văcxin dịch vụ mà chương trình tiêm chủng mở rộng không có đang rơi vào cảnh hết. Hai năm nay cha mẹ có con nhỏ cứ phải canh – chờ đợi – nhanh chân đưa con đi tiêm ngừa khi có thông tin văcxin vừa về…

 

Nguy cơ bệnh do chờ văcxin dịch vụ

 

Nhiều văcxin dịch vụ mà chương trình tiêm chủng mở rộng không có đang rơi vào cảnh hết. Hai năm nay cha mẹ có con nhỏ cứ phải canh – chờ đợi – nhanh chân đưa con đi tiêm ngừa khi có thông tin văcxin vừa về…



 

Trẻ được tiêm ngừa trong một cơ sở y tế tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Trẻ được tiêm ngừa trong một cơ sở y tế tại Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Khánh

Trang Sống khoẻ từng nhận được câu trả lời của một số vị đại diện ngành y tế trong các số báo trước là các phụ huynh cứ cho con đi tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng, văcxin dịch vụ thiếu là do các bệnh viện – cơ sở y tế dự trù không đủ, các công ty cung cấp văcxin cũng đổi quy trình sản xuất không kịp cung ứng văcxin cho nhiều nước…

Tuy nhiên, hai năm nay tình hình vẫn chưa có gì thay đổi.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội liên tục có dự trù văcxin gửi các nhà cung cấp, nhưng không phải dự trù là có. Vấn đề chính tôi cho là ở nhà cung cấp và nhà sản xuất, chứ chúng tôi thì luôn mong có văcxin tiêm cho trẻ

Ông NGUYỄN NHẬT CẢM (giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội)

Mắc bệnh vì chờ

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi T.Ư đã điều trị cho gần 300 trẻ, chủ yếu là dưới 6 tháng tuổi, mắc bệnh ho gà, gấp đôi so với cùng kỳ 2014. Đặc biệt những tuần cuối tháng 8, mỗi tuần trên 10 bệnh nhi ho gà vào viện.

Tương tự, thời điểm cuối tháng 8 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư tiếp nhận số lượng bệnh nhi ho gà cao hơn hẳn cùng kỳ 2014.

Bác sĩ Bùi Vũ Huy, trưởng khoa nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết những ngày cuối tháng 8, gần như cùng lúc có 8 bệnh nhi ho gà vào viện, nhỏ nhất trong số này mới 39 ngày tuổi, lớn nhất hơn 6 tháng tuổi. Trong số này, mới có một trẻ được tiêm ngừa, còn lại đều chưa được tiêm và cá biệt có trẻ (39 ngày tuổi) chưa đến tuổi tiêm ngừa.

Chị Dương Thu Thanh, mẹ một bệnh nhi ho gà điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư, kể con chị 10 tháng tuổi nhưng chưa tiêm mũi văcxin ngừa ho gà nào.

“Cứ đến đợt tiêm ngừa là bé lại ốm, sốt. Bé đã điều trị ở đây 8 ngày, chưa kể 15 ngày điều trị ở Hải Phòng với chẩn đoán viêm phổi” – chị Thanh cho hay.

Không chỉ con chị Thanh mà rất nhiều trong số bệnh nhi ho gà đến Bệnh viện Nhi T.Ư đều chưa được tiêm ngừa, một phần lý do là chờ văcxin dịch vụ.

Con chị Lê Phương Thúy (Q.Ba Đình, Hà Nội) thì 15 tháng mới được tiêm 2/3 mũi văcxin theo lịch, mà lần tiêm nào cũng trễ lịch vì cha mẹ phải vất vả canh văcxin, chen chúc… mới có thể được tiêm. Muốn tiêm mũi thứ ba cho bé cũng khó vì 
không tìm ra văcxin.

Theo ông Đỗ Tuấn Đạt – giám đốc Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1, từ đầu năm đến nay các cơ sở tiêm chủng của công ty không nhận được liều văcxin 6 trong 1 nào, văcxin 5 trong 1 chỉ được cung cấp nhỏ giọt.

Chưa biết khi nào hết thiếu văcxin!

Thông báo ngày 3-9 của phòng tiêm chủng thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết hiện cơ sở này đã hết sạch các văcxin dịch vụ ngừa viêm gan A, Hib, 4-5-6 trong 1, văcxin ngừa nhiễm trùng do phế cầu, riêng văcxin ngừa thủy đậu và 3 trong 1 (có thành phần ho gà) thì hiện còn sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc Trung tâm tiêm chủng dịch vụ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết từ đầu năm đến nay trung tâm chưa nhận được một liều văcxin tổng hợp 6 trong 1 nào, còn văcxin dịch vụ 5 trong 1 về theo từng đợt, rất nhỏ giọt, chỉ đáp ứng được 1/10 so với nhu cầu thực tế.

Nhiều khách hàng chấp nhận tiêm văcxin đơn liều nhiều lần thay vì mũi tổng hợp cũng khiến nhiều loại văcxin dịch vụ đơn liều khan hiếm hơn so với mọi năm, như văcxin ngừa viêm gan A, văcxin ngừa thủy đậu, văcxin 
phòng bệnh cúm mùa…

Một trong những lý do khiến khả năng cung cấp văcxin dịch vụ thiếu hụt những năm trước là do cơ sở tiêm phòng không dự trù lượng văcxin sử dụng.

Theo ông Đỗ Tuấn Đạt, hiện các cơ sở tiêm chủng phải báo cáo hằng tháng lên phòng y tế quận huyện, số lượng sử dụng từng nơi bao nhiêu cơ quan quản lý nhà nước đều nắm được, nhưng cơ sở của ông không gửi dự trù cho nhà cung cấp vì có dự trù cũng không cung cấp được, dự trù thành ra vô nghĩa.

Còn bà Đặng Hồng Thúy, giám đốc Công ty Hồng Thuý (nhà nhập khẩu độc quyền văcxin 5 trong 1 dịch vụ tại miền Bắc), cho biết các cơ sở tiêm chủng không có văn bản chính thức dự trù văcxin, nhưng có gọi điện đề nghị được mua.

“Chúng tôi sẽ phân đều theo thứ tự ưu tiên và có lưu ý đến các tỉnh 
nghèo” – bà Thúy cho biết.

Trong hơn 5 tháng vừa qua, trên 30.000 trẻ được tiêm văcxin miễn phí (trong chương trình tiêm chủng mở rộng) tại cơ sở tiêm dịch vụ.

Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, điều cần thiết là làm thế nào chất lượng tiêm chủng tại hơn 17.000 cơ sở tiêm chủng đồng đều hơn, chất lượng tư vấn và khám sàng lọc trước tiêm đạt như kỳ vọng của cha mẹ, giảm tối đa các tai biến và sai sót liên quan đến thực hành tiêm chủng.

Nếu không, dù có tích cực tư vấn và khuyến cáo đến mức nào thì vẫn có một số lượng đáng kể cha mẹ sẵn sàng chờ, sẵn sàng chi trả rất cao để đợi văcxin dịch vụ cho con. Và vòng luẩn quẩn lại xuất hiện: chưa được tiêm, trẻ đã bệnh rồi.

Do nhà sản xuất không cung ứng?!

Trả lời về lý do thiếu văcxin dịch vụ, đại diện Cục Quản lý dược cho rằng lý do chính khiến hai loại văcxin dịch vụ “nóng” nhất là 5 và 6 trong 1 đứt hàng là do nhà sản xuất.

Theo Cục Quản lý dược, sáu tháng đầu năm 2015 có rất ít văcxin 5 trong 1 dịch vụ về VN vì nhà máy thay đổi quy trình sản xuất, nguồn cung bị ảnh hưởng ngay cả ở nước sản xuất là Pháp.

Với văcxin 6 trong 1, Cục Quản lý dược cho biết nhà máy của Hãng GSK sản xuất loại văcxin này thay đổi địa điểm sản xuất nên nguồn cung bị giảm sút mạnh, công ty chỉ có thể cung cấp lại văcxin này vào năm 2017.

 

LAN ANH – QUỲNH LIÊN, [email protected]