Người dân nói về “thành phố đáng sống”
Người dân TP.HCM luôn mong TP.HCM sẽ là nơi đáng sống, nhưng nhiều cư dân ở đây lại cho rằng phải mất 10 năm, thậm chí trên 20 năm nữa mới có thể xây dựng TP thành nơi có chất lượng sống tốt.
Người dân nói về “thành phố đáng sống”
Người dân TP.HCM luôn mong TP.HCM sẽ là nơi đáng sống, nhưng nhiều cư dân ở đây lại cho rằng phải mất 10 năm, thậm chí trên 20 năm nữa mới có thể xây dựng TP thành nơi có chất lượng sống tốt.
Các bạn trẻ sinh hoạt ca hát trên đai lộ đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Quang Định |
Đó là kết quả cuộc khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ với 50 người dân hiện đang sinh sống tại 18 quận huyện của TP.HCM để xem họ kỳ vọng gì vào một đô thị có chất lượng sống tốt và những việc người dân cũng như lãnh đạo thành phố cần làm để đạt được mục tiêu ấy.
Đảm bảo an sinh xã hội, giao thông thuận tiện
Tại Hội nghị lần thứ 25 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa IX diễn ra vào ngày 10-8 vừa qua, các đại biểu đã đưa ra mục tiêu xây dựng TP.HCM thành một nơi có chất lượng sống tốt trong tương lai. Vậy thế nào là một đô thị có chất lượng sống tốt?
Với câu hỏi: “Theo ông/bà, một thành phố có chất lượng sống tốt là như thế nào?”, kết quả khảo sát với 50 người dân cho thấy có đến 94% số người cho rằng một đô thị sống tốt phải là nơi mà an sinh xã hội (giáo dục, nhà ở, y tế) được đảm bảo cho mọi người dân.
Tiêu chí giao thông thuận tiện cũng được 94% số người lựa chọn.
Rõ ràng là thật khó nói đến chất lượng sống tốt khi chất lượng của các dịch vụ căn bản như giáo dục, y tế và nhà ở vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của người dân, tình trạng kẹt xe vẫn còn trầm trọng khiến việc giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn.
Ngoài hai tiêu chí trên, người dân còn cho rằng một thành phố có chất lượng sống tốt thì phải có môi trường sống trong lành và tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội phải giảm đến mức thấp nhất.
Như vậy ta có thể thấy qua kết quả khảo sát, có bốn tiêu chí được người dân xem là quan trọng để có chất lượng sống tốt là an sinh xã hội được đảm bảo, giao thông thuận tiện, môi trường sống trong lành và tình trạng tội phạm/tệ nạn xã hội ít.
Đồ hoạ: Vĩ Cường |
Trong tổng số 50 người được hỏi, có 27 nam và 23 nữ. Về nghề nghiệp, có 13 sinh viên, 5 giảng viên, 16 nhân viên đang làm trong các công ty, 3 cán bộ hưu trí, 11 người làm nghề tự do và 1 người làm đầu bếp. Về độ tuổi, tuổi trung bình trong mẫu khảo sát là 35,7 tuổi, trong đó người trẻ nhất 17 tuổi và lớn tuổi nhất là 82. |
Cần lắng nghe nguyện vọng của dân
Để có thể biến TP.HCM thành một nơi có chất lượng sống tốt như mong đợi, cần phải có sự chung tay góp sức của mỗi người dân cũng như của lãnh đạo thành phố. Vậy người dân nói gì về trách nhiệm của mình cũng như của lãnh đạo thành phố?
Về trách nhiệm của người dân, kết quả khảo sát cho thấy có đến 92% cho rằng người dân cần phải “có hành vi, ứng xử tốt nơi công cộng” và người dân cần “tôn trọng pháp luật”, đứng thứ ba là người dân cần phải biết “giữ gìn vệ sinh nơi mình sống, làm việc” với 88%.
Những kết quả này không chỉ phản ánh mong đợi của người dân mà còn cho thấy thực trạng ứng xử của mỗi người hiện nay trong xã hội: rõ ràng là những hành vi không đẹp nơi công cộng như phun nước bọt, vứt rác bừa bãi, thiếu tôn trọng luật pháp đang là những điều mà mỗi người dân cần phải khắc phục để có thể biến thành phố thành một không gian đáng sống.
Bên cạnh nêu trách nhiệm của người dân, kết quả khảo sát cũng cho thấy những đòi hỏi của người dân đối với lãnh đạo nhằm xây dựng TP.HCM thành nơi đáng sống.
Hai điều quan trọng nhất mà người dân mong đợi nơi lãnh đạo thành phố là phải “lắng nghe nguyện vọng của người dân về những việc cần làm” để xây dựng thành phố thành nơi đáng sống và phải “có kế hoạch cụ thể, rõ ràng trên cơ sở khoa học và nguyện vọng của dân” với 81,6%.
Người dân muốn được thành phố lắng nghe ý kiến của họ trong việc xây dựng thành phố, và mọi kế hoạch của lãnh đạo thành phố cần phải tránh tình trạng “duy ý chí”.
Họ cũng mong rằng khi lãnh đạo đã đưa ra kế hoạch thì phải thực hiện đến cùng kế hoạch được đề ra, tránh hành xử theo “tư duy nhiệm kỳ” (với 57,1%).
Về thời gian cần để TP.HCM có thể trở thành nơi có chất lượng sống tốt, kết quả khảo sát cho thấy có 20,4% người dân được hỏi cho rằng sẽ mất khoảng 5-10 năm, có 42,9% cho rằng phải mất 11-20 năm và 36,7% cho rằng phải mất trên 20 năm.
Như vậy dù người dân luôn hi vọng thành phố sẽ trở thành nơi có chất lượng sống tốt, nhưng họ cũng hiểu rằng làm được điều này phải mất rất nhiều thời gian và công sức chứ không phải là việc làm trong một sớm một chiều.
* Ông BÙI VĂN NAM (52 tuổi, bán nước mía, Q.Bình Tân):
“Thành phố có chất lượng sống tốt là thành phố văn minh, hiện đại, đầy đủ tiện nghi, thực phẩm an toàn, có nền giáo dục tốt, giao thông thuận lợi, đời sống người dân được đảm bảo, đặc biệt là không có tệ nạn xã hội”. * Anh ĐẶNG MINH HUY (24 tuổi, quản trị khách sạn, Q.Bình Thạnh):
“Ở khu vực trung tâm thành phố môi trường sống tốt, nhưng khu vực vùng ven thì môi trường chưa tốt. Tệ nạn xã hội còn nhiều. Về giao thông thì nước mình thua nhiều nước, do vậy cần phải đầu tư nhiều hơn”. * Anh NGUYỄN CÔNG THUẬN (24 tuổi, sinh viên, Q.4):
“Để xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt thì làm cái gì cũng phải dựa trên lợi ích của số đông chứ không phải vì lợi ích của một nhóm người nào đó. Cần đơn giản hoá quy trình, thủ tục giấy tờ, thái độ làm việc phải nhiệt tình và trọng dụng người tài”. |