28/11/2024

Lập bài thi khống cho học sinh lên lớp

Học sinh N.A.V. (lớp 4C Trường tiểu học Hàm Cường 1, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) trong năm học 2014-2015 chỉ học được 2 tháng rồi nghỉ nhưng vẫn được nhà trường cho lên lớp.

 

Lập bài thi khống cho học sinh lên lớp

 

Học sinh N.A.V. (lớp 4C Trường tiểu học Hàm Cường 1, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) trong năm học 2014-2015 chỉ học được 2 tháng rồi nghỉ nhưng vẫn được nhà trường cho lên lớp.


 


Các bài thi tiếng Anh, tin học không phải do học sinh N.A.V. làm mà được giáo viên đưa cho học sinh khác làm rồi cho điểm, ghi lời phê vào “y như thật”  - Ảnh: Thiện Trí
Các bài thi tiếng Anh, tin học không phải do học sinh N.A.V. làm mà được giáo viên đưa cho học sinh khác làm rồi cho điểm, ghi lời phê vào “y như thật”  - Ảnh: Thiện Trí

Chị Nguyễn Thị Nhung, mẹ của V., cho hay con mình chỉ học được 2 tháng đầu của năm học lớp 4 rồi nghỉ. Lý do V. nghỉ học theo chị Nhung là xe đạp bị hư, từ nhà ra trường đường sá đi lại khó khăn, dù giáo viên đã nhiều lần đến nhà vận động nhưng V. vẫn bỏ học.

Kể về việc học của con, chị Nhung cho hay học được 2 tháng thì V. nghỉ, sách vở cũng mất hết do các cháu trong nhà đem ra chơi nghịch. Đến cuối năm học thì có giáo viên mang bài thi đến tận nhà cho V. làm. Trước đó V. cũng từng ở lại lớp năm lớp 1.

Theo chị Nhung, giáo viên đến nhà có động viên vào lớp 5 nhà trường sẽ kèm cặp để cháu V. có thể theo học lớp 5 như các bạn khác nên gia đình đồng ý cho V. học lớp 5. Chị Nhung cũng bày tỏ sự lo lắng cho sức học của V. và mong muốn V. học lại lớp 4 cho vừa sức học của cháu.

“Tôi mong thầy cô và các nơi giúp cho con tôi đi học, gia đình khó khăn nhưng chúng tôi muốn cho con tiếp tục đi học để tốt cho tương lai nó”, chị Nguyễn Thị Nhung nói.

Lập khống bài thi

Vậy làm thế nào để một học sinh lớp 4 chỉ mới học được 2 tháng nhưng vẫn có đầy đủ nhận xét, bài thi để được lên lớp 5?

Trong bảng tổng hợp đánh giá cuối năm học 2014-2015 do giáo viên chủ nhiệm lớp 4C Trần Thị Cúc ký tên có ghi rõ học sinh N.A.V. hoàn thành tất cả các môn học và hoạt động giáo dục như tiếng Việt (6 điểm), toán (5), tự nhiên và xã hội khoa học (6), lịch sử và địa lý (7), ngoại ngữ Anh văn (5), tin học (5). Các môn đạo đức, âm nhạc, mỹ thuật, thủ công/kỹ thuật, thể dục đều được nhận xét hoàn thành.

Dù học sinh N.A.V. mới chỉ học có 2 tháng nhưng trong bảng tổng hợp đánh giá cuối năm học này, ở phần “các phẩm chất” ghi rõ ràng “tham gia đầy đủ các hoạt động học tập, trung thực với mọi người”. Cuối bảng đánh giá ghi “hoàn thành chương trình lớp 4” và được đóng con dấu “Được lên lớp”.

Điều đáng nói là các môn tiếng Anh, tin học không phải do chính học sinh N.A.V. làm mà được giáo viên đưa cho học sinh khác làm, rồi cho điểm và ghi lời phê “y như thật”. Như bài kiểm tra học kỳ II môn tiếng Anh giáo viên phê: “Em cần học lại các từ chỉ nghề nghiệp, chú ý chính tả khi viết câu” và cho 5 điểm. Còn bài thi tin học được cho 4,5 điểm (làm tròn thành 5 điểm).

Trả lời về vấn đề này, bà T.T.H., giáo viên tiếng Anh khối lớp 3-5 của Trường tiểu học Hàm Cường 1, cho biết bà chỉ mới được nhận vào dạy tại trường 1 năm, chưa có kinh nghiệm. Theo bà T.T.H., bài thi này do một học sinh khác cùng học nhóm với N.A.V. làm. Bà T.T.H. nêu quan điểm việc làm này nhằm “tạo điều kiện” cho học sinh N.A.V. lên lớp.

Còn giáo viên Đ.V.Q. dạy môn tin học nói bài làm tin học của N.A.V. là nhờ một học sinh trong nhóm của V., có “trình độ tương đương” làm giúp.

“Cuối năm học tổng kết chỉ còn lại trường hợp này. Tôi nghĩ là giúp cho em lên lớp”, giáo viên này nói. Khi được hỏi học sinh N.A.V. lớp 4 học chưa xong, được “giúp” như vậy khi lên lớp 5 có học nổi theo bạn bè hay không, giáo viên Đ.V.Q. cho biết: “Tôi cũng cố gắng thôi chứ không thể nói trước được”.

Bảng tổng hợp đánh giá cuối năm học của N.A.V. - Ảnh Nguyễn Nam
Bảng tổng hợp đánh giá cuối năm học của N.A.V. – Ảnh Nguyễn Nam

Chỉ muốn giúp học sinh?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, hiệu trưởng Trường tiểu học Hàm Cường 1, cho biết vào cuối năm học bà chỉ đạo mang bài thi đến nhà cho học sinh N.A.V. làm với mục đích giúp cho học sinh này được phổ cập giáo dục đúng độ tuổi.

“Nếu cháu đạt đến mức độ trung bình là cháu lên lớp. Một học sinh ở lại lớp cũng không ảnh hưởng gì đến thi đua nhà trường. Chúng tôi không phải vì thành tích mà vì lương tâm muốn giúp cháu”, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền nhìn nhận.

Phóng viên Tuổi Trẻ đặt vấn đề học sinh N.A.V được “tạo điều kiện” làm bài thi để cho lên lớp trong khi thực tế chưa theo học hết chương trình lớp 4, tại sao không để học sinh này ở lại lớp 4 học theo đúng sức học của cháu. Bà Hiền lý giải đây là học sinh khó khăn, khác với đối tượng học sinh bình thường thì có thể được đánh giá thấp hơn.

Ông Nguyễn Duy Trinh, chánh thanh tra Sở GD-ĐT Bình Thuận, nêu quan điểm học sinh bỏ học thì nhà trường có thể “linh động” bằng cách kèm cặp trong thời gian hè, giáo viên đến nhà hỗ trợ cháu học tập, còn việc đưa bài thi của học sinh này cho học sinh khác làm thì không đúng.

Phòng GD-ĐT huyện Hàm Thuận Nam cũng đã đến Trường tiểu học Hàm Cường 1 kiểm tra trường hợp cho lên lớp 5 đối với học sinh trên.

Đến ngày 28-8, hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hiền cho Tuổi Trẻ biết nhà trường đã tiến hành cho học sinh N.A.V. làm lại các bài thi nhưng không đạt nên cho học sinh này học lại lớp 4. Đến ngày 31-8 này V. sẽ bước vào học chính thức trong năm học mới. Bà Hiền cho biết thêm nhà trường cũng đã tìm được một suất học bổng để hỗ trợ V. đi học.

Đọc, viết “lõm bõm” vẫn cho lên lớp 4

Đó là trường hợp của em P.V.L., học sinh lớp 4 Trường tiểu học Phú Điền 2 (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).

Bà Võ Thị Tùng, bà ngoại của L., cho biết trong những lần đi họp phụ huynh thầy cô đều nhận xét L. học yếu. “Tui có nhờ giáo viên kèm cặp thêm giùm chứ tui với ông ngoại nó không có khả năng dạy chữ nghĩa gì. Lúc coi tivi hỏi nó chữ gì nó lắc đầu kêu không biết. Tui chỉ cần cho nó biết chữ chứ không ngại chuyện nó ở lại lớp để học đàng hoàng hơn”, bà Tùng 
phân trần.

Theo lý giải của thầy Tấn, đầu năm học lớp 3 khi nhận lớp thầy đã phát hiện L. đọc viết chưa đạt và thầy đã tổ chức kèm L. trái buổi, tuy nhiên em không đi học đều. “Giáo viên chủ nhiệm của em mà dạy em đọc không được mình cũng khổ. Muốn luyện cho em học để theo kịp nhưng mức độ tiếp thu của em cũng chậm, khó theo kịp các bạn được”, thầy Tấn cho biết.

Thầy Trương Văn Hậu, hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Điền 2, thừa nhận trường hợp em L. đọc viết lõm bõm lãnh đạo trường cũng biết.

Tuy nhiên bắt đầu năm học trước do áp dụng thông tư 30 đối với các trường hợp học sinh còn yếu như L. thay vì cho ở lại lớp thì khuyến khích cho em lên lớp với điều kiện giáo viên lớp 3 sẽ cùng giáo viên lớp 4 kèm cặp thêm cho em. Cũng theo thầy Hậu, sau 3 năm nhận nhiệm vụ hiệu trưởng trường thì cả 3 năm tỉ lệ lên lớp đều đạt 100%.

Ngày 28-8, thầy Lê Ngọc Ảnh, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tháp Mười, cho biết cách hiểu thông tư 30 của Trường tiểu học Phú Điền 2 là không đúng.

“Không thể học đến lớp đó mà tình trạng đọc viết như vậy được. Nếu toán có yếu thì có thể bồi dưỡng được chứ đọc viết không được thì không học được gì hết. Tôi đã yêu cầu ban giám hiệu và thầy cô có liên quan giải trình, lỗi thuộc về ai và tìm hướng xử lý. Ngoài ra, phòng sẽ cho rà soát lại trên toàn huyện để chấn chỉnh ngay tình trạng này”, thầy Ảnh chia sẻ.

NGỌC TÀI

NGUYỄN NAM