09/01/2025

“Sài Gòn học”: khi nào?

Những ai đã đến, đã sống, đang sống ở Sài Gòn – TP.HCM thì đều yêu TP này. Mỗi người có kiểu yêu và thể hiện khác nhau.

 

“Sài Gòn học”: khi nào?

 

Những ai đã đến, đã sống, đang sống ở Sài Gòn – TP.HCM thì đều yêu TP này. Mỗi người có kiểu yêu và thể hiện khác nhau.



Khu trung tâm TP.HCM về đêm - Ảnh: An Nguyễn
Khu trung tâm TP.HCM về đêm – Ảnh: An Nguyễn

Cho dù khá muộn màng nhưng rồi ngày 8-10-2014, Trung tâm Hà Nội học và phát triển thủ đô, trực thuộc Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, chính thức được thành lập do GS Nguyễn Quang Ngọc lãnh đạo. 

Thật ra việc nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và quảng bá các giá trị lịch sử – văn hoá của Hà Nội được giới trí thức sớm có ý thức và dành nhiều tâm huyết.

Bắt đầu từ những năm 1950 đã xuất hiện nhiều người chuyên nghiên cứu về Hà Nội, đội ngũ ngày một đông và mạnh lên, trong số họ có nhiều người được xã hội tôn vinh là “nhà Hà Nội học” như Nguyễn Vinh Phúc, Hoàng Đạo Thuý, Trần Quốc Vượng, Tô Hoài, Phan Huy Lê…,

Và còn có một số lượng đông đảo những người không khoa bảng nhưng yêu Hà Nội, họ làm tất cả để tôn vinh 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong số đó phải kể đến cả những người chụp ảnh dạo ở bờ Hồ, các họa sĩ truyền thần…

Cho dù không ồn ào, nhưng những nhà Nam bộ học và Sài Gòn học cũng đã xuất hiện và bằng nỗ lực cá nhân đã đóng góp ít nhiều cho TP.

Trong số đó có thể nhắc đến thế hệ lão thành như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Trần Văn Khê, Lê Giang, Lưu Nhất Vũ…, những người trẻ hơn như Huỳnh Ngọc Trảng, Cao Tự Thanh, Võ Văn Tường…

Nếu kể ra những người yêu Sài Gòn – TP.HCM, đã và đang hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau để tôn vinh Sài Gòn – TP.HCM thì có thể nói là rất nhiều.

Tuy nhiên, các hoạt động này còn nhỏ lẻ của cá nhân, và không có điều kiện được phô diễn thành quả của mình cho xã hội thụ hưởng.

Từ khá lâu rồi, việc thành lập một đơn vị có thể là viện hay trung tâm làm đầu mối cho các “nhà Sài Gòn học” tụ lại đã được đặt ra, nhất là trong dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn, nhưng chủ yếu là chuyện ngoài hành lang, chưa được mang ra bàn một cách rốt ráo cho đến đầu đến đũa và đưa ra một quyết định dứt khoát.

Cũng cần phải nói thêm là đã có nhiều người yêu Sài Gòn – TP.HCM tự lập ra những nhóm chuyên nghiên cứu về Nam bộ và Sài Gòn, cả trên thực tế lẫn trên mạng.

Họ có một vài hoạt động khá tốt như thuyết trình phát hiện mới của cá nhân về lịch sử kiến trúc, giới thiệu nét đẹp Sài Gòn, triển lãm ảnh, lập trang web, trang Facebook thu hút được bà con tham gia gửi hình ảnh, tư liệu về Sài Gòn – TP.HCM.

Nhưng rồi, chỉ là tự phát, có nhóm cũng tự giải tán, cho dù ai cũng nhiệt huyết và xả thân, bởi vì nhiều lý do khác nhau, ngoài những lý do thường thấy như tài chính, địa điểm thì quan trọng nhất là sự không chính danh.

TP.HCM rất cần có một viện hay trung tâm Sài Gòn học như Hà Nội học ở thủ đô. Đây là nơi có nhiệm vụ tập hợp, sưu tầm, lưu trữ, giữ gìn những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của TP này, sau nữa là tuyên truyền quảng bá rộng khắp cả nước và trên thế giới.

Hơn thế nữa nó là một trung tâm nghiên cứu phát hiện những điều mới mẻ từ quá khứ và lý giải những điều còn bị che lấp. Nó là nơi tập hợp các nguồn lực con người và vật chất từ các nơi khác nhau, không chỉ người đang sinh sống ở Sài Gòn, bà con kiều bào mà cả người nước ngoài.

Những ai đã đến, đã sống, đang sống ở Sài Gòn – TP.HCM thì đều yêu TP này, chính vì yêu TP này cho nên mỗi người có kiểu yêu và thể hiện khác nhau.

Ai cũng tìm cách giữ riêng cho mình một góc, ai cũng cố gắng tìm tòi phát hiện cái độc đáo theo kiểu của mình và lý giải theo tâm thức của mình cho nên dẫn đến có nhiều sự kiện, hình ảnh, con người được lý giải theo kiểu “không biết đâu mà lần”.

Nếu rảnh rỗi lên mạng sẽ thấy nhưng kho tư liệu cá nhân khổng lồ và cực kỳ đa dạng bao gồm hình ảnh, bản đồ, chuyện kể, bình luận và cả “bình loạn” về Sài Gòn – TP.HCM. Vậy nên mới cần có một tổ chức đứng ra làm đầu mối lo chuyện này.

Để ra đời một tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về Sài Gòn – TP.HCM thì sẽ còn có nhiều chuyện để bàn về cơ cấu tổ chức, chức năng, văn phòng, đội ngũ… nhưng từ khi trung tâm về Hà Nội học được chính thức thành lập thì rõ ràng chuyện nên lập một tổ chức như thế ở TP.HCM là chuyện không cần phải bàn nữa.

Không có lý gì một TP có năng lực kinh tế mạnh nhất nước, là vùng đất được nhiều người yêu mến, lãnh đạo TP luôn trân trọng trí thức mà lại không thành lập được một đơn vị nghiên cứu, quảng bá chuyên sâu về Sài Gòn – TP.HCM mới là sự lạ.

300 năm không phải là dài, nhưng cũng đủ để tự hào, có rất nhiều thứ cần lưu giữ, phủi bụi và trao truyền. Nếu không có ý thức và quyết tâm lưu giữ thì sẽ đến lúc những hạt cát vàng chui hết qua kẽ tay, chỉ còn lại hai bàn tay trắng.

NGUYỄN MINH HOÀ