28/11/2024

Biến tướng của bánh Trung thu

Trung thu cận kề. Ngày trước độ này trẻ con đã bắt đầu đếm ngược. Hình dung đèn ông sao, hình dung trăng sáng, hình dung phá cỗ…

 

Biến tướng của bánh Trung thu

 

Trung thu cận kề. Ngày trước độ này trẻ con đã bắt đầu đếm ngược. Hình dung đèn ông sao, hình dung trăng sáng, hình dung phá cỗ… 

 


Tết giữa thu, một nhịp tết sau mồng 5 tháng 5 để rồi thời gian sẽ phi một lèo đến Tết Nguyên đán. Các em đếm ngược vì đây là cái tết thật sự của các em.

Gia đình, họ mạc, nhà trường, cơ quan, khu phố, chính quyền địa phương… 
cùng nhớ rằng đây là ngày mà các em phải được phá cỗ và chơi đèn.

Người viết không nhớ nổi mình ngạc nhiên về sự biến tướng của Tết Trung thu tự khi nào. Rất ngạc nhiên. Rồi không chỉ ngạc nhiên mà phải nói là kinh ngạc. Sự chuyển động giống như cơn bão. Có quá lời không? Dám chắc đây là tâm trạng của không ít người.

Đừng nhìn vào những cửa hàng đỏ loè, việc tiếp thị là của họ, không lấy làm lạ mà chi. Nhìn vào hàng quán tự nhiên mọc lên ở mọi chỗ như luật lệ bỗng dưng đi vắng. Cứ tự hỏi ai đã cần bánh trung thu lúc này mà dựng hàng dựng quán sớm dữ vậy trời?

Có cầu mới có cung, trẻ em chưa cần, ông bà tổ tiên chưa cần nhưng mà người lớn đã cần bánh trung thu hàng tháng trước Trung thu để 
làm gì?

Lại nhìn vào những chiếc xe to nhỏ đủ cỡ đến rồi lui ra ở những nơi “tế nhị”. Những túi bánh to, hoặc rất to, hoặc siêu to được đưa vào.

Đó không phải là thứ bánh có mặt ở hàng quán đang chiếm dụng vỉa hè đâu. Kỳ lạ nữa, bánh trung thu lại đi kèm với rượu tây! Có hộp lên đến hàng chục triệu, bởi chỉ riêng chai rượu là đã không biết bao nhiêu mà tính nữa rồi.

Dù xưa nay, chắc chắn rằng chẳng ai lấy bánh trung thu làm mồi nhắm với rượu! Chưa kể, nghe đồn rằng có những thứ bánh được làm ra theo đặt hàng, xuất xưởng kín đáo và… bên trong nó là những thứ nhân mà người biếu bánh ý tứ dặn “bánh này anh (chị) để cho mình, nhớ để cho mình thôi nha”!

Những chiếc bánh đặc biệt lòng vòng con đường đặc biệt của nó, nên Trung thu mới được khởi động sớm một cách kỳ quặc như 
vậy chăng?

Có gia đình không mua nổi hộp bánh, hộp nhỏ hai cái sơ sài quá đặt lên bàn thờ thấy chạnh lòng, nhưng hộp bánh bốn cái thì cũng mất hết một tuần tiền chợ của cả nhà. Vậy mà có nhà bánh không còn chỗ chứa, ai mang bánh tới thì trẻ con nhà ấy trề môi: “Lại bánh trung thu nữa rồi!”.

Và dù đã dành cho những mối quan hệ đang chờ mùa Trung thu không mất tiền nhưng “núi” bánh nhà họ cũng không thể biến đi cho hết được.

Vậy nên mới có cảnh sau Trung thu thì bánh trung thu sẽ được gửi về cho bà con họ hàng ở quê tiêu thụ giúp! Mới có cảnh chưa đến Trung thu nhưng bánh trung thu đã đại hạ giá, vì chẳng ai dám để đến sát ngày mới đi biếu.

Nhưng cái điều mà tôi sợ nhất là xã hội xấu đi thêm sau mỗi mùa Trung thu bởi nạn con người ta quay cuồng đi đưa và nhận bánh. Trẻ em có đứng ngoài không khí bất thường của những mùa Trung thu không?

Trẻ em có mắt, trẻ em cảm thấy được và trẻ em những nhà có bánh đi bằng cửa hậu thì bất cần hơn, trẻ em con nhà thiếu thốn thì sẽ tủi phận hơn.

Và xã hội lãnh đủ cho mọi thứ biến tướng, trong đó có việc biến mùa Trung thu thành “giữa mùa thu… hoạch” mà những kẻ sĩ Hà thành đã 
định nghĩa!

 

DẠ NGÂN