09/01/2025

Ám ảnh nhảy lầu

Ám ảnh nhảy lầu như sợi dây xâu nhiều nhân vật trong tiểu thuyết Quan trường hủ bại của Trung Quốc (Thảo Giang dịch, NXB Văn Học).

 

Ám ảnh nhảy lầu

 

Ám ảnh nhảy lầu như sợi dây xâu nhiều nhân vật trong tiểu thuyết Quan trường hủ bại của Trung Quốc (Thảo Giang dịch, NXB Văn Học). 



Thạc sĩ tâm lý học Lê Minh Công và cuốn tiểu thuyết Quan trường hủ bại - Ảnh: A.Lộc
Thạc sĩ tâm lý học Lê Minh Công và cuốn tiểu thuyết Quan trường hủ bại – Ảnh: A.Lộc
Bất cứ ai cũng có thể rơi vào một trạng thái sức khoẻ tâm thần và nếu không được phòng ngừa hay giải quyết, rất có thể dẫn tới rối loạn tâm thần hay loạn tâm

Để có thêm thông tin về ám ảnh này, chúng tôi trao đổi với ThS Lê Minh Công.

Trong tiểu thuyết, Mạc Hiểu Phong (cán bộ trẻ) và Đường Hội Thanh (chủ nhiệm HĐND TP Đông Lạc) đều muốn nhảy lầu tự sát. Cả hai được chẩn đoán là rối loạn ám ảnh cưỡng bức. Phải chăng ý muốn nhảy lầu là triệu chứng điển hình của loại rối loạn này?

– ThS LÊ MINH CÔNG: Biểu hiện muốn nhảy lầu tự sát chưa đủ và chưa hẳn là triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng bức.

Rối loạn ám ảnh cưỡng bức là một loại rối loạn lo âu, trong đó có suy nghĩ và lo sợ không hợp lý – ám ảnh – dẫn đến tham gia vào các hành vi lặp đi lặp lại – ép buộc. (Mời bạn đọc xem bài Hành động kỳ quái do ám ảnh cưỡng bức ở chân trang để rõ bệnh này hơn).

Biểu hiện muốn nhảy lầu tự sát ở hai nhân vật Mạc Hiểu Phong và Đường Hội Thanh có thể là những biến chứng của ám ảnh cưỡng bức, hoặc là triệu chứng của trầm cảm hoặc stress trường diễn khó giải quyết và bế tắc.

* Mạc Hiểu Phong sợ soạn công văn giấy tờ sai sót, bị cấp trên quở trách nên muốn nhảy lầu. Đường Hội Thanh sợ chuyện ăn của đút, bồ bịch bại lộ nên cũng muốn nhảy lầu. Chung quy do sợ. Vậy sợ hãi là nguyên nhân chính dẫn đến chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức?

– Nỗi sợ hãi hay sự lo âu không phải là nguyên nhân của rối loạn ám ảnh cưỡng bức mà chúng chỉ là các biểu hiện của ám ảnh cưỡng bức.

Các nguyên nhân chủ yếu là do áp lực quá căng thẳng từ cuộc sống mà trong tiểu thuyết này Đường Hội Thanh trải qua một quá trình lo lắng thái quá về những tội lỗi của mình bị lật tẩy, còn Mạc Hiểu Phong lại sợ hãi, lo lắng và chịu áp lực từ việc không được lòng lãnh đạo.

* Hai người đều muốn nhảy lầu nhưng Mạc Hiểu Phong thoát khỏi ám ảnh này, còn Đường Hội Thanh đã nhảy. Tại sao cùng một ám ảnh nhưng hai người hành động khác nhau?

– Mạc Hiểu Phong lo sợ soạn công văn, giấy tờ bị lãnh đạo quở trách và sợ rằng bài thơ của mình làm ảnh hưởng đến tiền đồ.

Còn Đường Hội Thanh thì nỗi lo sợ lớn hơn và dai dẳng hơn, đó là sợ lộ chân tướng có thể ảnh hưởng tới thanh danh, quan lộ, thậm chí tù tội. Cường độ và thời gian trải nghiệm, ý nghĩa thông tin của kích thích stress ở hai người khác nhau.

Tình huống stress của Đường Hội Thanh nguy hiểm và ảnh hưởng mạnh hơn so với tình huống stress của Mạc Hiểu Phong.

Hơn thế, Đường Hội Thanh là lãnh đạo và tình huống gây stress có thể gây nguy hiểm rất lớn cho ông, vì thế ông không bộc lộ thật stress của mình cho nhà trị liệu, ông tự mình trải nghiệm stress và nguy cơ ngày càng gia tăng.

Ông không thể nói với ai điều ông lo lắng, kể cả với vợ ông. Hằng ngày ông vẫn phải sống với nỗi lo sợ nhưng lại phải luôn tỏ ra mạnh mẽ, lạc quan.

Còn Mạc Hiểu Phong đã có những cách phóng chiếu tích cực là làm thơ, sau đó anh được lãnh đạo gửi đi gặp nhà trị liệu, được bộc lộ hết ra, được phóng ra những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, nhận thức ám ảnh. Chính vì thế anh đã ổn định dần.

Nói khác đi, anh đã được hướng dẫn và xây dựng cho mình chương trình phòng ngừa tích cực, còn Đường Hội Thanh thì ngược lại, do đó ông đã tự sát.

* Đường Hội Thanh tự nhận là người khổng lồ trên đài chính trị Đông Lạc nên không khai ám ảnh nhảy lầu với chuyên viên tâm lý. Nếu ông là người thăm khám Đường Hội Thanh, ông sẽ làm gì để Đường khai bệnh, từ đó chữa cho Đường sống mà chịu tội?

– Nguyên tắc của nhà trị liệu tâm lý là trung lập hoàn toàn với thông tin của thân chủ, tôn trọng tuyệt đối thân chủ, cho thân chủ thấy rằng mình luôn bảo mật thông tin của thân chủ, không đánh giá hay phán xét những vấn đề đó.

Muốn làm được điều này, ngay từ đầu nhà trị liệu phải có ràng buộc, thậm chí bằng biên bản đồng ý thăm khám và trị liệu, ngoài ra, không gian và cách tiếp xúc của nhà trị liệu cũng phải làm cho thân chủ an tâm.

Những kỹ năng ban đầu như lắng nghe, thấu hiểu, đặt câu hỏi tích cực và xoay vòng… phải được thiết lập ngay từ ban đầu.

Hơn thế, là một nhà trị liệu tâm lý thì ngay từ buổi thăm khám đầu không nên đưa ra những nhận xét về chẩn đoán mà hãy xây dựng mối quan hệ trị liệu tích cực.

Một nhà trị liệu cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản ngay từ buổi làm việc đầu tiên, thể hiện cho thân chủ biết điều đó, ngoài ra, sử dụng các kỹ năng tích cực để xây dựng mối quan hệ tham vấn tích cực sẽ đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng thân chủ luôn phòng vệ và không muốn trị liệu, điều này rất khó cho nhà trị liệu. Cơ sở để nhà trị liệu làm việc tích cực với thân chủ là phải do mong muốn trị liệu của thân chủ, nếu không, nhà trị liệu phải sử dụng các liệu pháp khác.

TĂNG QUỲNH thực hiện – [email protected]