10/01/2025

Chúa Nhật XXI TN-B-2015: Bí mật về Thánh Thể

Đây là tuần cuối cùng Đức Giêsu bật mí cho chúng ta bí quyết để chúng ta có thể đón nhận được sự sống kỳ diệu ấy khi rước Mình và Máu Thánh Người.

 

Bí mật về Thánh Thể

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Đây là tuần thứ 5 liên tiếp Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về Đức Giêsu là tấm bánh hằng sống đem lại cho chúng ta sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Đây cũng là tuần cuối cùng Đức Giêsu bật mí cho chúng ta bí quyết để chúng ta có thể đón nhận được sự sống kỳ diệu ấy khi rước Mình và Máu Thánh Người. Muốn thế, chúng ta phải tin vào Người trước rồi mới hành động theo sự chỉ dẫn của Người. Vậy ta đã tin người chưa? Chúng ta sẽ dành ít phút để suy niệm về bí mật này.

1. Tin tưởng  tuyệt đối vào Lời Chúa nói

1.1. Nhiều người không tin Chúa Giêsu

Khi Đức Giêsu nói với người Do Thái cũng như các môn đệ rằng họ cần phải ăn thịt và uống máu Người thì những người này cảm thấy đó là những lời hết sức chói tai và không thể chấp nhận được. Làm sao Đức Giêsu có thể lấy thịt và máu của Người cho họ ăn uống? Nhất là đối với người Do Thái, máu là nguồn của sự sống nên thuộc về Thiên Chúa vì thế người ta lấy máu của con vật dâng cho Chúa để rẩy trên bàn thờ. Khi nói họ cần phải uống máu Người, người Do Thái cho Chúa Giêsu là phạm thượng vì ám chỉ  mình ngang hàng với Thiên Chúa, và còn chống đối chính Chúa Giavê bởi vì thôi thúc họ làm điều mà bị ngăn cấm. Họ không hiểu được rằng Người muốn chuyển cho họ sự sống thần linh vì Người chính là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người và “Lời Người nói với họ là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6,63).

Khi Đức Giêsu nói lời có vẻ phạm thượng đó, Người đặt những người Do Thái cũng như các môn đệ vào một sự lựa chọn: hoặc là tin vào Người, hoặc là chối bỏ Người. Quả thật, nhiều người Do Thái đã không còn tin vào Chúa Giêsu. Ngay cả các môn đệ đang theo Chúa Giêsu, dù từng nhìn thấy tận mắt các phép lạ, cũng bỏ Người.

1.2. Bài học lịch sử về thái độ kém tin cúa người Do Thái

Điều này làm cho chúng ta suy nghĩ về bài đọc I (x. Gs 24,1-18), khi ông Giosuê nói với người Do Thái rằng mình và gia đình mình chọn Chúa, còn họ được tự do chọn thần linh của mình để phụng thờ. Người Do Thái đã nói rằng làm sao họ bỏ Chúa được vì đã tận mắt thấy biết bao nhiêu phép lạ Người làm ở Ai Cập để cứu thoát ho, rồi gìn giữ họ trên suốt quãng đường 40 năm trong hoang địa để vào được Đất Hứa! Người Do Thái nói với Giosuê rằng họ cũng như ông chỉ phụng thờ một mình Thiên Chúa mà thôi.

Nhưng lịch sử Do Thái chứng minh rằng đó chỉ là những lời nói cho vui miệng. Trong thực tế họ dần dần bỏ Chúa, chạy theo những thần tượng ngoại lai. Vì thế, đất nước Do Thái bị vua Nabuchodonosor tàn phá bình địa, bắt dân tộc phải lưu đày ở Babilon. Sau khi ho ăn năn thống hối, Chúa giúp họ trở về quê hương, xây dựng lại đền thờ Giêrusalem. Nhưng rồi họ lại bỏ Chúa nhiều lần để cuối cùng, vào năm 70, sau khi Chúa Giêsu báo trước cho ho, quân Rôma đến tàn phá bình địa nước Do Thái. Họ phải lưu lạc suốt 19 thế kỷ cho đến năm 1948, Ben Gurion mới thành lập Nhà Nước Do Thái và được  Liên Hiệp Quốc công nhận.

1.3. Thái độ cứng lòng tin của con người thời đại hôm nay

Thái độ cứng lòng tin của người Do Thái trong lịch sử cũng có thể lặp lại nhiều lần trong đời tín hữu. Các môn đệ thời Chúa Giêsu đã bỏ Người dù đã thấy nhiều phép lạ người làm. Phêrô trong bài Phúc Âm hôm nay nói với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa“. Nhưng hỏi xem sau những lời xác tín này Phêrô có bỏ Chúa không? Các tông đồ có bỏ Chúa không? Phêrô đã chối Chúa khi Người bị bắt; các môn đệ đã bỏ mặc Chúa Giêsu chết nhục nhã cô đơn! Chỉ còn lại một mình tông đồ Gioan đứng dưới chân thập giá với Đức Maria.

Kinh nghiệm cứng lòng tin đó không xa lạ gì với kinh nghiệm của chúng ta ngày nay. Nhiều lần chúng ta hứa hẹn với Chúa nhưng chúng ta vẫn phạm tội, vẫn bỏ Chúa như thường. Chúa không lạ gì lòng tin yếu kém và cũng không chấp tội chúng ta. Chúng ta hãy tin rằng Chúa luôn tha thứ cho ta khi ta trở lại với Người!  

Nhưng có một điều cần phải để ý, đó là phải tin rằng cần phải ăn thịt và uống máu Người ta mới có thật sự có sự sống siêu việt của Thiên Chúa. Nếu không tin thì không thể nào nhận được sự sống ấy. Tuy nhiên, dù tất cả tín hữu khi lên rước lễ đã tin thật như thế, nhưng họ lại không cảm nhận được và phát huy được năng lực kỳ diệu của bí tích Thánh Thể. Tại sao ? Đây là một bí mật cần được chính Chúa Giêsu bật mí cho ta.

2. Bí mật về Mình Máu Chúa Giêsu

2.1. Bí mật bị quên lãng

Trong 20 thế kỷ của Giáo Hội, hầu hết những người tín hữu khi cử hành và tham dự bí tích Thánh Thể, đã không phát huy được những năng lực kỳ diệu của bí tích này như rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại, làm cho người cùi được khỏi, người tội lỗi được ăn năn trở lại để thấy rằng Lời Chúa là Thần Khí và sự sống. Trái lại, chúng ta nhớ rằng trong vòng một thế kỷ đầu tiên, hàng trăm ngàn người đã tin theo đạo. Người ta thấy cộng đồng tín hữu Công giáo là cộng đồng hết sức kỳ diệu vì những ai đón nhận được Mình và Máu Thánh Chúa với tất cả niềm tin và thở hít được Thần Khí của Chúa Giêsu thì họ đều được biến đổi và làm nhiều phép lạ, nhất là các tông đồ (x. Cv 4,33;5,12-162,43;..)

Thánh Phaolô giải thích cho chúng ta hiểu tại sao lại có sự biến đổi ấy khi ngài dùng hình ảnh “thân thể là Hội Thánh có Đức Kitô là đầu. Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống” (Ep 5,22-26). Mỗi người chúng ta là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô nên cùng chung một sự sống phi thường của Thiên Chúa.

Tuy nhiên cũng như trong thân xác tự nhiên của con người có những phần chi thể bất động, có cả phần thân bị hoại tử cần cắt bỏ thì thân thể nhiệm mầu cũng tương tự như thế. Nhiều người đến với bí tích Thánh Thể, cũng ăn và uống Mình Máu Thánh Chúa nhưng không phát huy được năng lực kỳ diệu chỉ vì họ đã quên mất bí quyết Thần Khí trong thịt và máu Chúa Kitô.

2.2. Giải thích bí mật Thánh Thể

Chúa Giêsu hôm nay đã bộc lộ cho chúng ta bí mật của Người trong câu: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống”. Chúng ta muốn có sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa nhưng chúng ta lại quên thở Thần Khí của Người. Món quà lớn lao nhất mà Chúa Giêsu xin Chúa Cha tặng cho các môn đệ lúc Người sống lại, đó là Ngôi Ba Thiên Chúa khi Người thổi hơi trên các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần“. Thánh Thần chính là hơi thở, làn khí biến đổi các tông đồ và môn đệ  từ con người dốt nát, tầm thường thành con người khôn ngoan, phi thường, đầy sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa. Lúc bấy giờ họ mới làm được phép lạ, mới chữa lành được bệnh nhân, mới xua trừ được ma quỷ (x. Cv 2-4).

Thần Khí siêu nhiên biến đổi dòng máu đen tội lỗi của ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền, đầy sự sống của Chúa, bất kể chúng ta giữ địa vị nào trong Giáo Hội, giống như dưỡng khí biến dòng máu đen bơm từ tim sang đỏ lại từng giây trong phổi rồi trở về tim để chuyển thông chất bổ dưỡng đến từng tế bào và làm nên máu, thịt, xương cho thân thể con người. Chỉ cần một giây máu đỏ không vận chuyển lên não là không có lệnh hoạt động cho toàn thân và mạng sống bị lâm nguy, thì những ai không thở được Thần Khí cũng vậy dù họ vẫn chăm chỉ dự lễ và rước Mình Máu Chúa hằng ngày.

Rất nhiều người cảm nghiệm được rằng dù họ ăn uống nhiều đồ bổ dưỡng nhưng vẫn không khoẻ vì họ không quan tâm đến khí thở. Có đến hơn 90% người Việt Nam thở yếu. Trung bình họ phải thở khoảng 2.000ml trong một lần thở, nhưng họ chỉ thở được 1.000ml, có người chỉ được 500ml. Vì lượng khí Oxy vào trong người, nhất là trong não, quá thấp nên họ mắc nhiều bệnh tật, không thể học hành làm việc tốt đẹp, da mặt xanh xám, cơ thể bạc nhược. Sự sống siêu nhiên mà thiếu Thần Khí cũng tương tự như thế. Ví thế Chúa Giêsu nhấn mạnh rất nhiều đến vai trò của Thần Khí trong đời sống của từng người môn đệ cũng như trong toàn thân thể nhiệm mầu.

Lời kết

Chúng tôi đã nhiều lần chia sẻ cho anh chị em phương pháp thở Thần Khí nhưng chúng tôi không thể thở thay cho anh chị em (x. Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr. 164-176). Xin hãy thở Thần Khí này và anh chị em sẽ cảm nghiệm được nhiều điều kỳ diệu, phi thường.