10/01/2025

Cần quy hoạch phát triển trường, lớp

Làm sao để TP.HCM vẫn tiếp tục chính sách “không để học sinh không có chỗ học”, nhưng không bị quá tải về chi phí, hạ tầng, nhân lực…?

 

Cần quy hoạch phát triển trường, lớp

 

Làm sao để TP.HCM vẫn tiếp tục chính sách “không để học sinh không có chỗ học”, nhưng không bị quá tải về chi phí, hạ tầng, nhân lực…?



Học sinh Trường TH Vĩnh Lộc 2 trong giờ chơi. Do số học sinh tăng cao hằng năm nên buổi sáng chỉ có học sinh khối 1 và khối 5 học (có vài lớp khối 2 xen kẽ), buổi chiều là các khối 2, 3, 4 học - Ảnh: M.D.
Học sinh Trường TH Vĩnh Lộc 2 trong giờ chơi. Do số học sinh tăng cao hằng năm nên buổi sáng chỉ có học sinh khối 1 và khối 5 học (có vài lớp khối 2 xen kẽ), buổi chiều là các khối 2, 3, 4 học – Ảnh: M.D.

Đó là câu hỏi mà Tuổi Trẻ đã đặt ra cho các nhà quản lý, chuyên gia…

* Thầy NGUYỄN VĂN NGUYỆN (phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh):

Chủ động sẽ ứng phó được tình hình

Những năm qua chúng tôi tiến hành các biện pháp đồng bộ sau: về việc đảm bảo nguồn giáo viên, huyện kết hợp với ĐH Sài Gòn mở các lớp đào tạo CĐ sư phạm cho học sinh (đã tốt nghiệp THPT) của huyện. Đến nay đã là khóa đào tạo thứ tư.

Việc đào tạo giáo viên là con em trong huyện vừa đáp ứng kịp thời nguồn giáo viên do tình hình tăng học sinh nhập cư, vừa bổ sung cho lực lượng giáo viên thuyên chuyển đi nơi khác. Với phòng học và trang thiết bị, huyện cũng dự báo số lượng học sinh tăng để chủ động xây dựng trường lớp. Ở một số điểm nóng, huyện cho xây dựng nhiều trường học để giãn số học sinh trong lớp.

Chẳng hạn ở xã Vĩnh Lộc A, hiện nay có đến 3 trường tiểu học: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc 1, Vĩnh Lộc 2, trong đó Vĩnh Lộc 1 và Vĩnh Lộc 2 được xây dựng thành hai cơ sở nhằm đảm bảo thuận tiện đi lại cho học sinh.

Đối với việc quy hoạch trường lớp tại các khu dự kiến có dân nhập cư lớn, người làm công tác giáo dục cần có phân tích kỹ, dự báo chính xác của cả khu vực để từ đó tham mưu cho chính quyền huyện về quy mô trường lớp tương ứng. Tại Bình Chánh, nhiều ngôi trường đã được xây dựng qua nhiều giai đoạn, vừa đáp ứng được phần vốn, vừa đáp ứng được sự tăng dân số cơ học của địa phương.

Đối với những nơi dân số cơ học tăng nhanh, nhiều, huyện đã chủ động điều chỉnh sang những xã giáp ranh, lân cận để đảm bảo chỗ học cho các em, dù là học sinh tạm trú ngắn hạn. Như học sinh thuộc xã Vĩnh Lộc A, giáp ranh xã Phạm Văn Hai, được điều ra Trường tiểu học Phạm Văn Hai. Cán bộ quản lý các trường phối hợp với chuyên trách phổ cập các xã, cập nhật tình hình biến động dân số từ địa phương, tham mưu kịp thời cho huyện trong công tác dự báo số lượng học sinh hằng năm.

* Ông NGUYỄN VĂN NGAI (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Tận dụng 
mọi nguồn lực, 
xã hội hóa giáo dục

Mỗi năm TP.HCM xây trên 1.000 phòng học mới nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu trường lớp hằng năm. Số học sinh trong từng lớp ở một số khu vực vẫn đông, trong khi TP yêu cầu phải huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 (dù có hay không có hộ khẩu tại TP.HCM).

Đây là một áp lực rất lớn đối với TP. Bởi thế ở một số quận, huyện của TP, số học sinh trong một lớp có thể tăng lên hơn 50 em trong khi quy chế quy định 35 em/lớp (cấp tiểu học). Còn số lớp có số lượng học sinh khoảng 40-50 em là phổ biến ở TP.

Với thực trạng nói trên, công tác tổ chức dạy và học năm nào cũng gặp không ít khó khăn, luôn phải chịu áp lực về trường lớp. Về giải pháp, trước tiên mỗi quận, huyện cần nắm chắc số lượng các cháu từ khi mới sinh ra, theo dõi sát biến động từng năm (bao gồm số cháu ở tỉnh khác chuyển đến) để dự báo được nhu cầu học của các cháu, nhất là độ tuổi bắt đầu vào lớp 1.

Riêng học sinh các lớp, các bậc học khác có nhu cầu chuyển về TP học thì phải làm thủ tục chuyển trường theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT (gọi tắt là quy định 51). Từ đó mỗi quận, huyện cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trước đây, đề xuất kế hoạch xây dựng trường lớp, không chỉ cho từng năm mà cần có kế hoạch trước vài ba năm. Đồng thời cần tận dụng mọi nguồn lực có thể để cải tạo, nâng cấp mạng lưới trường lớp, tăng tối đa hiệu suất và hiệu quả sử dụng.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện rõ ràng, cụ thể hơn cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào xã hội hóa giáo dục bằng những chính sách khuyến khích thực tế, chẳng hạn như chính sách miễn giảm thuế về đất đai xây dựng trường lớp và về hoạt động giáo dục.

* Ông LƯU HỒNG UYÊN (trưởng Phòng GD-ĐT quận 6):

Ngành giáo dục 
cần phải nắm 
quy luật dân cư

Năm nào quận 6 cũng tiếp nhận một số lượng không nhỏ học sinh diện tạm trú. Tuy nhiên, hiện nay ở quận số học sinh học 2 buổi/ngày cấp tiểu học là khoảng 95%, THCS đến 70% (chỉ tiêu TP phấn đấu năm nay là 35%) dù quận có khoảng 60.000 học sinh phổ thông.

Nếu thật sự chỉ nhận học sinh theo hộ khẩu thì quận 6 rất khoẻ, nhưng việc nhận học sinh tạm trú, KT3 cũng là nhiệm vụ của chúng tôi. Để đáp ứng điều kiện học tập cho tất cả học sinh có nhu cầu, chúng tôi phải nắm chắc, theo sát quy luật phát triển dân cư, tăng dân số để kịp thời báo cáo quận ủy. Từ đó có quy hoạch dài hạn về công tác phát triển mạng lưới trường lớp.

Như hiện tại chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng cụ thể trường lớp đến năm 2020 và những năm tiếp theo, có cả quỹ đất… để dành cho xây trường. Đối với các trường, để tránh bị động, ngành giáo dục cần xây dựng đề án việc làm cho từng trường dựa trên nhu cầu học tập, nhập cư và sinh sống của người dân.

* TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam):

Giải quyết bài toán nhập cư theo quy luật thị trường

TP.HCM có sức hút rất lớn. Nhưng phải nhìn nhận một cách khách quan là bất cứ nơi nào cũng có một “ngưỡng” tải nhất định. TP.HCM cũng sẽ không chịu nổi nếu học sinh tiếp tục nhập cư ồ ạt trong những năm tới. Không thể cứ đến bao nhiêu là TP.HCM phải đáp ứng chỗ học bấy nhiêu.

Theo tôi, TP.HCM cần giải quyết bài toán nhập cư theo quy luật thị trường. Vấn đề cần bàn là các trách nhiệm xã hội cần có của người nhập cư với TP.HCM (như nhà ở, vấn đề việc làm…) để có thể vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển của TP.HCM, nhưng vẫn thực hiện được chính sách nhân văn về giáo dục.

Hiện nay việc thu ngân sách và chi ngân sách vẫn dựa trên hộ khẩu, nên TP.HCM lại càng phải tính đến quy luật thị trường ở vấn đề nhập cư.

 

MỸ DUNG – QUỐC THANH ghi