Cần có chiến lược để TP.HCM trở thành đô thị của thế giới thứ nhất vào năm 2045 - Ảnh: Bạch Dương
|
Các ý kiến góp ý, tham vấn tập trung vào vấn đề nhận diện nguyên nhân quan trọng làm suy yếu khả năng cạnh tranh của kinh tế TP, nhằm tìm được biện pháp định vị mô hình tăng trưởng bền vững cho TP.HCM bứt phá trong thời gian tới.
Không nên “ưu tiên ngược”
|
|
|
TP.HCM cần xác định đối thủ cạnh tranh chính là nhóm 12 thành phố trong khu vực, còn các địa phương trong vùng sẽ là đối tác chiến lược để cùng xây dựng “vùng TP.HCM |
|
|
Nhóm nghiên cứu FETP
|
|
|
Theo TS Huỳnh Thế Du – Giám đốc chương trình chính sách công tại Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP), xét tổng quan so với các địa phương trong nước, TP.HCM có vị trí và năng lực cạnh tranh vượt trội. Tuy nhiên so với nhóm 12 TP trong khu vực (Tokyo, Hồng Kông, Singapore, Seoul, Bắc Kinh, Thượng Hải, Đài Bắc, Kuala Lumpur, Bangkok, Mumbai, Jakarta, Manila – nhóm có thể xem là đối thủ cạnh tranh hay mục tiêu hướng đến của TP.HCM) được so sánh thì TP.HCM có vị trí thấp nhất. Đặc biệt, khoảng cách về trình độ phát triển cũng như môi trường sống giữa TP.HCM và các TP thuộc nhóm trên là rất xa: dưới 11 bậc so với Manila, dưới 13 bậc so với Jakarta, dưới 21 bậc so với Bangkok, dưới 52 bậc so với Singapore, dưới 55 bậc so với Tokyo…
“Môi trường kinh doanh chưa thực sự thân thiện và chưa khuyến khích các hoạt động tạo ra giá trị”, TS Du nhìn nhận và cho rằng chính sách đang làm chệch hướng sự cạnh tranh theo cách không có lợi cho sự phát triển kinh tế. Vấn đề trục trặc của VN nói chung và TP.HCM nói riêng là hướng ưu tiên ngược. Các doanh nghiệp nhà nước thường được ưu ái nhất, kế đến là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cuối cùng mới là doanh nghiệp tư nhân; trong khi đó kinh nghiệm từ tất cả các nước phát triển cho thấy kinh tế tư nhân trong nước mới là nền tảng của nền kinh tế. Theo TS Du, không nên duy trì hướng “ưu tiên ngược” đó.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM – nguyên Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho rằng: “TP.HCM quá tải, chậm phát triển trước hết vì áp lực dân số tăng nhanh, làm ra có dư nhưng chi tiêu thiếu hụt cả cho chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, vướng mắc hằng ngày không thoát khỏi “cơm áo gạo tiền”. Đóng góp cho tổng thu ngân sách quốc gia 30% nhưng chi tiêu chỉ được 8% tổng chi ngân sách quốc gia. Nhân dân TP làm ra 100 đồng nhưng chỉ sử dụng được 23 đồng (TP chỉ được giữ lại 23% thu ngân sách – NV)”.
Cùng nhìn vượt đại dương
Theo nhóm nghiên cứu của FETP, nếu TP.HCM chọn được hướng đi đúng và cách làm phù hợp thì 10 năm (đến 2025) đủ để tạo ra những thay đổi hay nền tảng căn bản của một đô thị hiện đại và 30 năm (đến 2045) là đủ để chuyển từ một đô thị ở thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất. Đây là điều mà Singapore, Seoul hay Đài Bắc… đã làm được.
“Để đạt được mục tiêu, TP.HCM cần xác định đối thủ cạnh tranh chính là nhóm 12 TP trong khu vực, còn các địa phương trong vùng sẽ là đối tác chiến lược để cùng xây dựng “vùng TP.HCM”. Nói một cách hình tượng là thay vì quay lưng ra biển để đối mặt và coi nhau là đối thủ cạnh tranh, thì TP.HCM và các địa phương này sẽ cùng xoay về một hướng, nhìn vượt đại dương. Lúc này với vị trí đặc biệt của mình, TP.HCM sẽ đóng vai trò đầu tàu để phát huy lợi thế cạnh tranh của cả vùng”, TS Du đề xuất.
“Cái được nhất là cái được của lòng dân”
Theo Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Võ Văn Thưởng, mục tiêu của TP là xây dựng một đô thị TP.HCM phát triển nhưng đầy tính nhân văn; khơi thông sức dân để thống nhất niềm tin và kỳ vọng, để người dân chia sẻ, đồng cảm, cùng theo đuổi tầm nhìn phát triển.
“Đối với thành quả của sự phát triển thì cái được lớn nhất là cái được của lòng dân”, ông Thưởng nói và cho biết trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, TP lần đầu tiên đặt ra nhiệm vụ lấy chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo tính hiệu quả, hiệu lực hoạt động, thực thi công vụ của bộ máy chính quyền TP.
Dự kiến ngày 5.9 tới, TP sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân về chiến lược phát triển TP.HCM.