10/01/2025

Chúa Nhật XX TN – B-2015: Bánh hằng sống khôn ngoan

Nhiều tu viện, nhiều thánh đường có giá hàng trăm, hàng ngàn cử nhân nhưng người ta chấp nhận sự ngu si, dốt nát để có những toà nhà hoành tráng! Hình như chúng ta vẫn chưa học được bài học khôn ngoan từ Tấm bánh Giêsu!

           

Bánh hằng sống khôn ngoan

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong nhiều tuần lễ liên tiếp Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về tấm bánh hằng sống là Chúa Giêsu từ phép lạ hoá bánh ra nhiều của Người. Chủ đề mà Giáo Hội muốn chúng ta suy niệm hôm nay, đó là Tấm bánh hằng sống khôn ngoan vì khi đón nhận Người, chúng ta còn được chia sẻ sự khôn ngoan của chính Thiên Chúa.

1. Ý nghĩa các bài Thánh Kinh

1.1. Đức Giêsu chính là sự khôn ngoan được sách Châm Ngôn báo trước

Đức Giêsu chính là sự khôn ngoan mà bài sách Châm Ngôn (x. Cn 9,1-6) đã báo trước cho người Do Thái. Thiên Chúa đã tạo thành sự khôn ngoan và sự khôn ngoan ấy là hình ảnh, là bản sắc của Thiên Chúa. “Đức Khôn ngoan đã xây cất nhà mình, hạ  thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn. Đức Khôn ngoan còn đi lên các nơi cao trong thành phố và kêu gọi: “Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây”, và bảo người ngu si: “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế. Đừng ngây thơ khờ dại nữa và các con sẽ được sống và bước đi trên con đường hiểu biết”.

Lời tiên tri ấy đã gợi ý cho chúng ta về sự xuất hiện của Chúa Giêsu. Người báo cho người Do Thái rằng mình chính là con đường hiểu biết, là “tấm bánh hằng sống từ trời xuống để ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51 ) và sự sống ấy chỉ có thể đạt được nếu người ta tìm đến sự thật toàn diện là Chúa Giêsu để đạt được sự hiểu biết trọn vẹn về vạn vật, về con người, nhất là về Thiên Chúa. Người chính là con đường, là sự thật và là sự sống.

Tuy nhiên, người Do Thái tranh luận sôi nổi với nhau: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được”. Chúa Giêsu vẫn lặp lại lời xác định rất chướng tai đối với người Do Thái rằng: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”. Người Do Thái rất kỵ máu vì máu được coi là là nguồn của sự sống và chỉ dành cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu mời gọi người ta uống máu và ăn thịt mình như gợi ý rằng người ta sẽ tìm được chính sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, bởi vì Người là Con Một Thiên Chúa được gửi đến từ trời cho chúng ta để chúng ta đạt được sự hiểu biết trọn vẹn và chia sẻ sự sống toàn diện của Người.

1.2. Sống khôn ngoan

Nhìn vào Giáo Hội, chúng ta cũng đang được mời gọi giống như thánh Phaolô trong bài đọc II (x. Eph 5,15-20) hôm nay: “Anh em đừng sống như kẻ khờ dại nhưng hãy sống như người khôn ngoan… Anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa”. Rất nhiều người chúng ta, trong những hoàn cảnh cụ thể của đời sống, chúng ta có khi không đi tìm sự khôn ngoan, nhưng lại sống như những người ngu xuẩn, và thậm chí giả vờ ngu xuẩn để tìm sự an thân cho mình.

Có người nói với tôi rằng “ngu si hưởng thái bình”, “đừng tỏ ra hiểu biết, khôn ngoan, vì càng hiểu biết càng khổ, càng tỏ ra khôn ngoan thì người ta càng giao việc cho mình”. Tôi nhớ năm 1975, khi Nhà nước yêu cầu người dân khai báo trình độ học vấn, nhiều người khuyên tôi chỉ nên khai mình học lớp 5 thôi! Tôi biết có nhiều nữ tu tốt nghiệp phổ thông trung học hay đại học, nhưng chỉ khai trình độ văn hoá tiểu học! Họ sợ bị thanh trừng, kết án là “trí thức tiểu tư sản” như ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1954-1955, sợ bị khai  trừ như kiểu “cách mạng văn hoá” ở Trung Quốc từ năm 1966-1976, sợ bị đưổi ra khỏi thành phố và bị giết hại như những người trí thức ở Campuchia năm 1978.

Trong những giai đoạn căng thẳng của Việt Nam từ năm 1975-1988, muốn học đại học là phải có lý lịch tốt nên nhiều người Công giáo đành chấp nhận bị tiếng là ‘ngu dốt” hơn là chối đạo để được vào đại học. Nhiều người giả vờ ngu xuẩn để được an  thân! Nhưng nhiều khi giả vờ lâu quá khiến chúng ta lại trở thành ngu thật!

2. Thực tế đời sống hiện nay

Thật vậy, nhiều tín hữu Công giáo thời nay dường như không quan tâm đến Chúa của mình là nguồn mọi sự khôn ngoan để thôi thúc con em học hành như cha ông đã từng làm gương thuở trước.

2.1. Quên mất bài học về thứ bánh khôn ngoan của cha ông

Thời đó, với hai chữ tả đạo (đạo tà) khắc trên trán trên má, người Công giáo không được phép đi học để hiểu biết, đi thi để ra làm quan triều đình, nhưng cha ông chúng ta đã quyết tâm theo Chúa Giêsu là nguồn mọi sự khôn ngoan thì phải biểu lộ sự khôn ngoan của Người dù có bị thua  thiệt và bách hại vì “Đức Giêsu Kitô là sự khôn ngoan của Thiên Chúa… đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta” (x. 1Cr 1,24. 30) Các ngài dạy cho con cháu học từng nét chữ, bài học, bài kinh. Ai là người Công giáo cũng được học và học giỏi vì ngày nào tín hữu cũng đọc kinh, đọc sách viết bằng chữ Hán, chữ Nôm rồi chữ Quốc ngữ. Các ngài dạy dỗ cho tất cả những ai sống quanh mình các môn khoa học, kỹ thuật qua sự chia sẻ của các nhà truyền giáo Tây phương để họ biết cách dùng nước sạch, ăn uống điều độ, sống khoẻ mạnh, vui tươi, hạnh phúc trong niềm kính sợ Chúa.

Mỗi linh mục, nữ tu thời đó đều là những người cổ vũ khoa học khi dạy cho mọi người những kiến thức của khoa học thường thức như về cách sử dụng vật chất, lọc nước ao tù bằng than cát sỏi trước khi dùng, nấu nước chín đun sôi để nguội trước khi uống, dạy cách “đỡ đẻ’, cắt cuống rốn thế nào cho đứa con khỏi bị nhiễm trùng, dạy bà mẹ ăn uống thế nào cho khỏi bị hậu sản… Chính các nhà Nho yêu nước như Lương Văn Can,  Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sáng lập ra phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du… đã hô hào quần chúng hãy sống như những người Công giáo để cắt bỏ búi tóc, mặc âu phục, học chữ Việt, theo đuổi khoa học tiên tiến Tây phương… rồi từ đó dân tộc ta mới thoát được sự chậm tiến, lạc hậu.

2.2. Đời sống đạo hiện nay

Nhưng bây giờ dường như người tín hữu Công giáo chúng ta “ngủ quên trong chiến thắng” sau khi giúp cho dân tộc biết đến ý niệm dân chủ, hôn nhân một vợ một chồng, bình đẳng nam nữ, khoa học kỹ thuật và chữ quốc ngữ. Chúng ta chưa tiếp bước được cha ông đem đạo vào đời, giới thiệu những giá trị mới của văn hoá và văn minh Kitô giáo mà lại tập trung cho những nghi thức phụng vụ bí tích, cho rước sách, hành hương, bắt mọi người đến nhà thờ của mình thay vì đem Phúc Âm đến cho họ. Có lẽ vì thế mà cả trăm năm nay, từ 1885, tỷ lệ người theo đạo Công giáo vẫn giữ nguyên 7% dân số. Muốn loan Phúc Âm cho có hiệu quả, nhất định chúng ta cần phải thay đổi, phải “đi ra” như ĐGH Phanxicô mời gọi.

Giáo hội Công giáo Việt Nam năm 2015 có 5.000 linh mục, gần 5.000 chủng sinh lớn nhỏ trong 10 chủng viện, mỗi năm cho ra khoảng 300 linh mục mới, 20.000 nam nữ tu sĩ, hơn 10.000 người dự tu của các dòng, nhưng ta thử hỏi xem có bao nhiêu người dấn thân cho những giá trị Phúc Âm như cha ông thuở trước, có bao nhiêu người dấn thân vào con đường hiểu biết, bao nhiêu người chăm chỉ học hành, nghiên cứu thật sự để có học vị xứng đáng đứng trong đại học và làm chứng cho Chúa là nguồn của sự khôn ngoan? Nhiều linh mục, tu sĩ viện cớ khó khăn, bách hại để bằng lòng với đời sống dễ dãi, nhẹ nhàng. Chúng ta chưa biết noi gương những anh chị em Công giáo Hàn Quốc cố gắng học thật giỏi, nghiên cứu thật kỹ, chiếm được nhiều địa vị cao trong ngành giáo dục, khoa học kỹ thuật để làm chứng cho Chúa. Lúc bấy giờ chúng ta mới thay đổi được nền giáo dục học từ chương đã làm cho chúng ta hèn yếu, kém cỏi mà chúng ta đã lệ thuộc Trung Quốc cả ngàn năm nay.

Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa nếu mỗi người chúng ta biết gắn bó với Chúa Giêsu Kitô là tấm bánh khôn ngoan qua việc chúng ta chăm chỉ học hành, nghiên cứu các khoa học tự nhiên cũng như siêu nhiên, thôi thúc con em mình đi học không phải chỉ vì cơm áo gạo tiền nhưng vì chỉ có sự hiểu biết mới giúp cho con người sống đúng giá trị làm người và làm con Thiên Chúa. Ngày hôm qua có một nữ tu đến xin tôi giúp cho vé máy bay đi tu nghiệp ở Đức vì chị được học bổng rồi mà không ai cho tiền vé máy bay để đi học cả. Những năm trước tôi đã giúp cho chị đạt được học vị tiến sĩ tâm lý tại Philippines và đang dạy ở Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn của Tp. Hồ Chí Minh.

Chúng ta cứ thử tính xem mỗi năm người Công giáo Việt Nam bỏ ra bao nhiêu tiền để đi hành hương, du lịch, mua sắm cho những món quà kỷ niệm sinh nhật, khấn dòng, thụ phong linh mục, lễ thánh bổn mạng….Nếu chỉ dành một phần số tiền đó để hỗ trợ học bổng, chi phí cho những công trình đào tạo, giáo dục của Giáo hội và dân tộc thì chúng ta đã làm chứng rất hiệu quả cho Chúa Giêsu là tấm bánh khôn ngoan rồi. 1 tỉ đồng có thể giúp cho 20 người học chương trình cử nhân hay học lên cao hơn, nếu tính học phí cho 4 năm học là 50 triệu. Nhiều tu viện, nhiều thánh đường có giá hàng trăm, hàng ngàn cử nhân nhưng người ta chấp nhận sự ngu si, dốt nát để có những toà nhà hoành tráng! Hình như chúng ta vẫn chưa học được bài học khôn ngoan từ Tấm bánh Giêsu!

Lời kết

Hôm nay, chúng ta hứa với tấm bánh khôn ngoan Giêsu rằng mình sẽ bớt giờ xem phim, hay bỏ ra 2-3 tiếng đồng hồ ngồi bên tách cà phê bàn chuyện thế sự. Nếu chúng ta dùng những thời giờ đó để lo lắng việc học cho con em mình, đọc những sách báo tốt, làm những công việc hữu ích, chắc chắn tâm trí chúng ta sẽ mở rộng hơn và người ta sẽ nhìn ra Chúa là tấm bánh khôn ngoan để tin vào Chúa nhiều hơn nữa. Như thế chúng ta mới có thể hãnh diện để nói với cha ông rằng: chúng con đã noi gương các ngài để nâng cao trình độ văn hoá cho dân tộc Việt Nam.