11/01/2025

17.000 căn nhà lấn chiếm sông, rạch TP.HCM

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay số nhà lụp xụp ven sông rạch trên địa bàn TP đã tăng thêm hơn 7.000 căn, cộng với khoảng 10.000 căn trước đó thì tổng số lượng nhà lụp xụp cần di dời của TP đã lên đến hơn 17.000 căn.

 

17.000 căn nhà lấn chiếm sông, rạch TP.HCM

 

 

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay số nhà lụp xụp ven sông rạch trên địa bàn TP đã tăng thêm hơn 7.000 căn, cộng với khoảng 10.000 căn trước đó thì tổng số lượng nhà lụp xụp cần di dời của TP đã lên đến hơn 17.000 căn. Đây phần lớn là những căn nhà lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, rạch.



17.000 căn nhà lấn chiếm sông, rạch TP.HCM Do quản lý không nghiêm, người dân đã vô tư lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, rạch – Ảnh: D.Đ.Minh
Số liệu từ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP cho biết, nếu như năm 2012, rạch Đuôi Trâu đoạn qua P.Tân Tạo, Q.Bình Tân có bề ngang 6,5 m thì đến nay diện tích đã bị thu hẹp đi rất nhiều do người dân lấn chiếm hai bên rạch để xây cất nhà cửa. Hay rạch Bần Đôn đoạn qua địa bàn P.Bình Thuận, Q.7 là con rạch lớn, chiều rộng ban đầu đến 100 m nhưng đến nay có chỗ chỉ còn khoảng 50 m vì bị người dân hai bên đổ đất lấn chiếm. Chỉ tính riêng địa bàn P.Bình Thuận có đến 518 trường hợp lấn chiếm sông, rạch trái phép nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý.
Tương tự, dự án Riviera Point (Q.7) của Công ty TNHH Riviera Point, liên doanh giữa Công ty Tấn Trường và một đối tác Singapore, đã san lấp gần 5.000 m2 rạch Cả Cấm để làm dự án. Hiện chủ đầu tư dự án này vẫn đang tiếp tục lấp rạch bất chấp những khuyến cáo về sai phạm của chính quyền địa phương và của UBND TP. Trong một báo cáo gửi UBND TP, UBND Q.7 cho biết đã thuê đơn vị đo đạc lập bản đồ hiện trạng vị trí 156 trường hợp san lấp, xây dựng lấn chiếm kênh rạch tại các P.Tân Hưng, Tân Kiểng, Phú Thuận, Tân Quy và Tân Thuận Đông…
Tốn hàng chục ngàn tỉ đồng để di dời
 
 
 Kết quả di dời không đạt
Theo Sở Xây dựng TP, trong 10 năm qua trung bình mỗi năm TP đền bù di dời được 1.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch tại 29 dự án ở nhiều quận. Kết quả thực hiện không đạt so với chỉ tiêu đề ra. Điển hình như giai đoạn 2006 -2010 mục tiêu đặt ra là di dời, giải tỏa khoảng 15.000 căn nhà nhưng thực tế chỉ làm được hơn 7.500 căn. Hay giai đoạn 2011-2015 mục tiêu đưa ra khoảng gần 14.000 căn nhưng thực tế chỉ làm được hơn 3.200 căn.
 

Đó chỉ là số rất ít trường hợp lấn chiếm đất sông, rạch trên để làm nhà ở hay kinh doanh bất động sản bị phát hiện. Bởi theo công bố của ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015 khi Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện đi kiểm tra thực trạng, bước đầu đã phát hiện thêm hơn 7.000 căn. Nhưng con số thực có thể còn lớn hơn bởi số liệu khảo sát trên không bao gồm 67 tuyến kênh rạch chưa có số liệu khảo sát, chưa cắm mốc hành lang an toàn kênh rạch nằm rải rác ở các quận 7, quận 8, quận 12… Như vậy, cộng với khoảng 10.000 hộ dân có nhà trên sông, rạch thì đến nay tổng cộng TP có khoảng hơn 17.000 căn cần phải giải toả, di dời. Được biết, từ năm 1993 đến nay TP đã di dời gần 36.000 căn nhà trên sông, rạch, với tổng số tiền dành để đền bù, tái định cư rất lớn, bình quân khoảng 1 tỉ đồng/căn nhà.

Theo kế hoạch Sở Xây dựng đề xuất, từ năm 2016 – 2020, TP sẽ di dời thêm 11.600 nhà lụp xụp trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020 đối với các hộ sống dọc các tuyến kênh như Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, công viên bờ kênh Tẻ, rạch Hàng Bàng, rạch Văn Thánh, rạch Cầu Sơn, rạch Bùi Hữu Nghĩa, ao Sông Tân, rạch Xuyên Tâm, rạch Bàu Trâu, rạch Nhảy – Ruột Ngựa, rạch Ông Búp, kênh Liên Xã, kênh Thanh Đa, bờ nam và bờ bắc kênh Đôi với tổng số tiền đền bù khoảng 12.400 tỉ đồng.
Do quản lý không nghiêm
Giải thích tình trạng người dân tràn ra bờ sông, kênh rạch chiếm đất xây nhà với số lượng ngày càng “phình” to, Sở Xây dựng cho rằng việc số lượng nhà lụp xụp ven kênh rạch tăng thêm hàng ngàn căn là do số liệu khảo sát trước đây không chính xác; sự thay đổi ranh giải toả và hành lang bảo vệ kênh rạch, đồng thời các quận cũng có thêm các nhánh kênh rạch cần chỉnh trang.
Tuy nhiên, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận xét hiện nay các quy định liên quan đến bảo vệ hành lang sông, kênh, rạch đã được ban hành. Theo đó, đối với các sông cấp 1 – 2 như sông Sài Gòn hành lang bảo vệ sông rạch là 50 m/mỗi bên. Sông, kênh, rạch cấp 3 – 4 hành lang là 30 m mỗi bên. Cấp 5 – 6 là 20 m mỗi bên. Đối với kênh, rạch khi chưa được phân cấp kỹ thuật thì hành lang bảo vệ mỗi bên là 10 m. Trên hành lang đó người dân không được lấn chiếm xây dựng nhà cửa, các công trình kiến trúc. Phần đất này sẽ được TP dùng để xây dựng bờ bao, bờ kè kết hợp làm đường giao thông, công viên, các công trình công cộng phục vụ cộng đồng, người dân.
Vì thế, theo ông Sơn, luật đã có, nên việc để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm sông, rạch để xây nhà, công trình kiến trúc trách nhiệm lớn nhất là của cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là chính quyền địa phương. Chính vì quản lý không nghiêm, thậm chí có những tiêu cực “bảo kê” trong vấn đề quản lý xây dựng nên dẫn đến tình trạng người dân “được” di dời, đền bù ở bờ sông, kênh, rạch này lấy tiền đi qua con sông, kênh, rạch khác tiếp tục cắm “dùi” chiếm đất làm nhà. Nhiều doanh nghiệp có dự án gần sông cũng đã “mạnh tay” bức tử sông, rạch bằng cách lấn dự án ra tận giữa sông.
Trong một báo cáo gửi UBND TP, Sở Giao thông vận tải cho rằng nhiều trường hợp chính quyền địa phương còn cho phép các dự án sai phạm tồn tại. Trong khi đó, Thanh tra Sở Xây dựng lý giải việc bùng phát nhà ven sông, rạch là do có sự làm ngơ, buông lỏng quản lý, thậm chí có “giấy thông hành” của chính quyền địa phương.
Năm 1993, để di dời các hộ dân sống ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, TP đã phải bỏ ra hơn 1.600 tỉ đồng bồi thường giải toả cho 7.000 hộ dân. Hay để cải tạo rạch Ụ Cây (Q.8), TP đã phải chi khoảng 4.179 tỉ đồng để di dời hơn 2.500 hộ dân… Số tiền ngân sách phải bỏ ra để giải quyết hậu quả của tình trạng này ngày càng lớn trong khi “quả bóng” trách nhiệm vẫn đang được đá đi, đá lại và nạn lấn chiếm kênh, rạch làm nhà vẫn gia tăng hằng năm.

Đình Sơn