28/11/2024

Chưa đủ điều kiện thực hiện kỳ thi “2 trong 1”

Đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ với nhiều áp lực cho thí sinh, phụ huynh và các trường vừa kết thúc. Tuổi Trẻ đã mời một số nhà giáo dục nhìn lại cả kỳ thi THPT quốc gia và đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vừa qua.

 

Chưa đủ điều kiện thực hiện kỳ thi “2 trong 1”

 

Đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ với nhiều áp lực cho thí sinh, phụ huynh và các trường vừa kết thúc. Tuổi Trẻ đã mời một số nhà giáo dục nhìn lại cả kỳ thi THPT quốc gia và đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vừa qua.



Đông đảo thí sinh và phụ huynh đến rút hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Cảnh tượng này phổ biến tại các trường ĐH trong những ngày vừa qua - Ảnh: N.Hùng
Đông đảo thí sinh và phụ huynh đến rút hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Cảnh tượng này phổ biến tại các trường ĐH trong những ngày vừa qua – Ảnh: N.Hùng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Phương Nga, viện trưởng Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục – Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN, đồng thời là phó trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH – Hiệp hội các trường ĐH, CĐ VN, chia sẻ: 

– Theo tôi, kỳ thi “hai trong một” hoàn toàn không phải là quyết định bị động đối với ngành giáo dục. Ngay từ năm 2007 – 2008, Bộ GD-ĐT đã có đề án tổ chức một kỳ thi chung cho hai mục đích: tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH.

Nếu Bộ GD-ĐT thành lập một bộ phận chuyên trách để chuẩn bị cho đề án này từ năm 2008 thì chúng ta đã có được một kỳ thi “hai trong một” suôn sẻ hơn. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục từ năm 2008 đến nay đã qua bốn đời cục trưởng, không rõ chuyển giao công việc của đề án này như thế nào?

Ảnh: Nguyễn Khánh

Kỳ thi “hai trong một” chỉ hiệu quả khi nó hội đủ các tiền đề quan trọng như ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn và đã được chuẩn hoá; không hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, nhận thức chung của xã hội thay đổi “vào ĐH không phải là con đường duy nhất, vì vậy không nhất thiết phải vào ĐH mà bỏ qua cả sở thích và thiên hướng cá nhân”. Tuy nhiên, cả ba điều kiện này ở VN chưa có, nên không thể thực hiện thành công kỳ thi “hai trong một” được. 

PGS.TS NGUYỄN PHƯƠNG NGA - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Đã có lộ trình nhưng kỳ thi “hai trong một” vẫn vướng đủ thứ khi thực hiện. Nhiều chuyên gia cho rằng việc trộn hai mục tiêu vào một đề thi, khi tính chất hai mục tiêu hoàn toàn khác biệt là việc không thể. Liệu đây có phải là một sai lầm không, thưa bà?

– Điều băn khoăn lớn về kỳ thi THPT quốc gia năm nay có lẽ chính là chất lượng đề thi. Một đề thi gói đủ hai mục tiêu vừa xét tốt nghiệp vừa dùng để tuyển sinh ĐH, CĐ không phải dễ dàng. Đề thi tốt nghiệp THPT “hai trong một” năm nay có cấu trúc với 60% kiến thức để xét tốt nghiệp THPT, 40% còn lại hướng đến phân hoá phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

Một đề thi với hai mục đích khá khác biệt nhau, việc phân loại các thí sinh trên một “dải năng lực với nhiều tầng bậc nhỏ” là điều kiện tối quan trọng.

Việc làm tròn đến 0,25 điểm ở từng môn thi đã hạn chế và giảm các tầng bậc năng lực thực của thí sinh, dẫn đến những khó khăn trong xét tuyển ĐH, CĐ.

Để xây dựng đề thi “hai trong một”, trước hết Bộ GD-ĐT phải đánh giá được lực học thật của học sinh lớp 12 tại các trường THPT trên toàn quốc, những vùng miền khác nhau qua các số liệu thống kê. Số liệu này giúp xây dựng cấu trúc đề thi đảm bảo học sinh nắm được kiến thức cơ bản của THPT có thể vượt qua kỳ thi xét tốt nghiệp.

Với mục tiêu xét tuyển ĐH, ngoài việc đánh giá năng lực học sinh, cần dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh của cả nước, chỉ tiêu của từng trường ĐH trong từng nhóm trường (nhóm trên, nhóm giữa và nhóm dưới) để xây dựng ma trận đa chiều, có thể lấy bao nhiêu phần trăm thí sinh vào ĐH, CĐ.

Với những tham số dự báo như vậy, ma trận cấu trúc đề thi được xây dựng, từ đó các chuyên gia biên soạn câu hỏi thi với nhiều tầng bậc dễ khó khác nhau, đạt hai mục tiêu: học sinh học lực trung bình yếu cũng tốt nghiệp và học sinh trung bình khá, khá và giỏi được phân hoá năng lực để vào các trường, các ngành phù hợp…

* Thí sinh, phụ huynh vừa trải qua một đợt xét tuyển ám ảnh, mệt nhoài. Dù bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng theo bà, Bộ GD-ĐT đã làm hết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục hay chưa? Liệu có giải pháp nào tháo gỡ được những bất cập trong xét tuyển, mà chính Bộ GD-ĐT có vẻ đã “đem dây buộc mình”?

– Đáng ra Bộ GD-ĐT cần quyết đoán hơn để đưa ra yêu cầu: các trường ĐH, CĐ phải công bố điểm chuẩn dự kiến của trường (điểm này sẽ không được thay đổi, chỉ được phép ± 1 điểm, có nghĩa là điểm chính thức tuyển vào trường có thể lên hoặc xuống 1 điểm so với điểm công bố).

Có trong tay ba tham số: phổ điểm chung của cả nước, chỉ tiêu tuyển sinh và vị trí thương hiệu của mình, các trường phải đưa ra được quyết định về điểm chuẩn dự kiến, tránh được tình trạng học sinh nộp vào rồi lại rút ra.

Về phía thí sinh, không thể đặt trong tay các em tới bốn nguyện vọng, rồi được quyền rút ra, nộp vào không giới hạn số lần như cách tuyển sinh đợt 1 đã áp dụng.

Thí sinh cũng có ba tham số trong tay: điểm thí sinh đạt được, sở thích cá nhân, điểm chuẩn dự kiến của các trường ĐH, CĐ.

Các em phải có trách nhiệm với quyết định của mình, khi đã nộp vào, các em không được rút ra. Nếu không trúng tuyển đợt 1, vẫn còn các đợt xét tuyển sau đợt 1. Với bốn nguyện vọng và việc tự do nộp vào rút ra hồ sơ như vậy chính là “đất” để phát triển tâm lý có được một chỗ trong trường ĐH, không quan tâm đến sở thích và năng lực của bản thân.

Hệ quả, khi vào được ĐH, các em khó có thể có niềm say mê và cố gắng vươn lên, thậm chí có thể nảy sinh chán nản và buông bỏ dù đã đi được gần hết chặng đường.

GS Vũ Văn Hóa- Ảnh: Đỗ Bá Nam
GS Vũ Văn Hoá – Ảnh: Đỗ Bá Nam

* GS.TS VŨ VĂN HOÁ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội):

Công thức xét tuyển: thứ thập cẩm lạ đời!

Có cảm tưởng việc xét tuyển này giống như bày trên bàn quá nhiều món ăn, dễ khiến người ta bội thực, chứ khó lòng biết chọn món gì.

Công thức xét tuyển năm nay là thứ thập cẩm lạ đời. Đợt 1 thí sinh có 4 nguyện vọng vào một trường, các đợt bổ sung lại có 4 nguyện vọng x 3 trường = 12 nguyện vọng.

Chưa kể, nhiều trường ĐH điểm chuẩn mọi năm cao chót vót nhưng vẫn cố đưa ra điều kiện xét tuyển rất thấp, khiến thí sinh “tưởng bở” cố lao vào, rồi khi bị đẩy ra lại vội vàng rút hồ sơ.

Nhiều trường sắp xếp hồ sơ lộn xộn, thí sinh đến rút tìm không ra, lại hẹn nay hẹn mai khiến thí sinh khổ sở.

Bộ nói nhập hai kỳ thi vào một tiết kiệm bao nhiêu tỉ đồng, nhưng cái người ta thấy ngay là chi phí xã hội tăng cao, bao nhiêu gia đình đi mấy trăm kilômet rút hồ sơ, về nhà không yên tâm, lại trở lại, rút ra, nộp vào trường khác.

Đổi mới thi cử chỉ hiệu quả khi kỳ thi tốt nghiệp THPT giao về cho sở GD-ĐT và việc tuyển sinh ĐH, CĐ trả lại quyền cho các trường ĐH, CĐ.

Ông Đỗ Văn Chừng - Ảnh: Việt Dũng
Ông Đỗ Văn Chừng – Ảnh: Việt Dũng

* Ông ĐỖ VĂN CHỪNG (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT):

Cần tăng cường công nghệ thông tin trong tuyển sinh

Năm 2001, khi xây dựng đề án về kỳ thi “ba chung” (chung đề thi, chung đợt thi, ngày thi, chung kết quả thi – PV) để báo cáo phó thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã đề xuất đổi mới tuyển sinh hai giai đoạn: giai đoạn “ba chung” dự kiến kéo dài trong 4 – 5 năm và đến khoảng năm 2006 sẽ thống nhất hai kỳ thi làm một.

Khi đề án này được trình Chính phủ cũng trùng với thời điểm nước Nga muốn thống nhất hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH làm một.

Tuy nhiên, đến năm 2009 nước Nga đã hợp nhất hai kỳ thi, còn VN năm 2015 mới thực hiện được. Nói thế để thấy rằng dù có ý kiến cho rằng việc hợp nhất hai kỳ thi có vẻ vội vàng, nhưng kỳ thực đã quá chín để làm việc này.

Có điều những rắc rối xảy ra trong kỳ thi vừa qua là bài học kinh nghiệm mà Bộ GD-ĐT cần xem xét, điều chỉnh cho các năm tiếp theo.

Giải pháp quan trọng để tránh những khổ sở, vất vả trong xét tuyển là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký tuyển sinh.

Hệ thống công nghệ thông tin, máy tính và mạng trong nhà trường chắc chắn đã phủ sóng đến tất cả các trường THPT, kể cả vùng sâu, vùng xa. Bộ GD-ĐT cũng có Cục Công nghệ thông tin để hỗ trợ kỹ thuật, cải tiến phần mềm sao cho việc đăng ký xét tuyển được dễ dàng hơn trong năm tới.

Về lâu dài, Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu nâng cấp, hoàn thiện ngân hàng đề thi chuẩn, tạo thuận lợi cho việc ra đề thi quốc gia. 

 

NGỌC HÀ thực hiện