10/01/2025

Nhấp chuột xem đình làng Việt 3D

Với bảo tàng về đình làng Việt bản 3D trên mạng internet, người xem có thể đến đình Chu Quyến (Hà Nội) ngắm những hàng cột với mái ngói cong vút dù đang ở bất cứ đâu.

 

Nhấp chuột xem đình làng Việt 3D

 

Với bảo tàng về đình làng Việt bản 3D trên mạng internet, người xem có thể đến đình Chu Quyến (Hà Nội) ngắm những hàng cột với mái ngói cong vút dù đang ở bất cứ đâu.



Xem triển lãm đình làng Việt bản 3D trên mạng internet - Ảnh: cắt từ clipXem triển lãm đình làng Việt bản 3D trên mạng internet – Ảnh: cắt từ clip
Thực ra sao, ảo đúng vậy
“Anh đi vắng. Nhưng các bạn cứ đến nhà lấy mấy bộ sen gỗ về cắm. Anh sẽ dặn người nhà”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức nhắn với những người tổ chức triển lãm Đình làng Việt – những điều còn mất. Triển lãm đình làng được nhóm Đình làng Việt thực hiện bằng nhiều đóng góp cá nhân như vậy. Người góp tiền, người góp gạo làm bánh đúc, người góp ổi Đông Dư… Triển lãm ở không gian Heritage Space, Hà Nội lần này (từ ngày 8 – 23.8) đã được tổ chức đúng với cách thức việc làng ở đình – ai ai cũng có thể góp công góp của.
 
 
Nhấp chuột xem đình làng Việt 3D - ảnh 2
Khi người ta chưa có điều kiện đến thăm triển lãm thật thì một triển lãm ảo, bảo tàng ảo trên mạng là điều rất nên làm. Nhưng ngay cả các bảo tàng trong nước cũng chưa đủ điều kiện để làm điều này. Vì thế, nếu các bạn ở nhóm Đình làng Việt làm được thì thật đáng khâm phục
Nhấp chuột xem đình làng Việt 3D - ảnh 3
 
Ông Nguyễn Viết Hữu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia
 

Triển lãm không chỉ tái tạo không gian đình làng qua những sinh hoạt nghệ thuật, nó còn có vô số tư liệu về đình. Đúng hơn, là những câu chuyện thực, câu chuyện sống về không gian văn hoá đình làng. Ở đó, người ta ngỡ ngàng thấy mình bước vào ngôi đình nổi tiếng Chu Quyến, ngồi trên chiếc chiếu ban tổ chức trải để thưởng trà, ăn kẹo lạc và nói chuyện quê mình. “Những người làm triển lãm, trong đó có nhiều hoạ sĩ, kiến trúc sư đã thiết kế để không gian đó giống với đình làng nhất”, ông Trần Hậu Yên Thế, một sáng lập viên của nhóm chia sẻ.

Giờ đây, còn vui hơn khi một phiên bản 3D của triển lãm được khai trương trên mạng, tại địa chỉ http://vr3d.vn/trienlam. “Mọi người chưa quen với các triển lãm ảo lắm. Tức là ở triển lãm thật Đình làng Việt có gì thì triển lãm ảo này có cái đó”, chàng thanh niên 17 tuổi Nguyễn Trí Quang nói. Quang chính là người đã lập trình để 3D hóa phiên bản triển lãm kia. Nói cách khác, chúng ta đã có một bảo tàng ảo về đình làng trên mạng.
“Đây không phải là bảo tàng ảo đầu tiên ở VN. Nhưng chắc chắn nó là bảo tàng ảo đầu tiên về đình làng”, nhà nghiên cứu hội hoạ Nguyễn Đức Bình nói. Gần như khi có ý tưởng về triển lãm đình làng thật, thì mong muốn có một triển lãm đình làng ảo cũng ra đời. Ông Bình cho biết, Trí Quang đã bỏ mấy tháng để lập trình mà không đòi hỏi bất cứ một yêu cầu vật chất nào.
Giờ đây, chỉ cần vào mạng, nhấp chuột vào hình ảnh nào thì các thông tin về chính ngôi đình đó sẽ hiện ra. Đó có thể là Chu Quyến với những hàng cột thẳng tắp, một ngôi đình trùng tu kiểu mẫu. Đó có thể là những mảng chạm gỗ vô cùng tinh tế của người xưa hay hình ảnh những đầu đao cong vươn lên duyên dáng. “Không chỉ là trưng bày ảo, bảo tàng ảo. Đó còn là kho tư liệu quý về đình làng. Giả sử, lúc nào đó người làm trùng tu cần tư liệu, họ cũng có thể tìm thấy điều đó ở đây”, ông Bình nói.
Tư liệu đình làng ở đây do nhiều cá nhân trong nhóm Đình làng Việt ghi lại, đóng góp. Điều kỳ lạ nhất, các thành viên trong nhóm phần lớn là người trẻ. Họ gần như là những “nhà nghiên cứu nghiệp dư”, luôn say mê tìm, học và trao đổi kiến thức về đình làng. Chính vì thế, những tư liệu ảnh của họ quý giá và đa dạng. Nó ghi lại đình làng ở nhiều nơi, nhiều thời điểm. Có những tư liệu gốc về di tích mà chính những nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu cũng chưa có.
Làm thay nhà nước
“Tôi nghĩ đáng lẽ ra việc tư liệu hoá, số hoá đình làng thành một bảo tàng như vậy phải được nhà nước làm từ lâu rồi”, ông Bình nói. Trên thực tế, mới chỉ có rất ít bảo tàng ảo giới thiệu tư liệu di sản như vậy. Bảo tàng ảo mới nhất có trưng bày về cổ vật Phật giáo thuộc về Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Từ đó đến nay cũng chưa có thêm trưng bày nào dù đã 2 năm trôi qua. Việc một nhóm, chủ yếu là người trẻ, tự lực làm bảo tàng, triển lãm ảo về đình làng thật đáng nghĩ.
“Khi người ta chưa có điều kiện đến thăm triển lãm thật thì một triển lãm ảo, bảo tàng ảo trên mạng là điều rất nên làm. Nhưng ngay cả các bảo tàng trong nước cũng chưa đủ điều kiện để làm điều này. Vì thế, nếu các bạn ở nhóm Đình làng Việt làm được thì thật đáng khâm phục”, ông Nguyễn Viết Hữu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nói.
Hiện tư liệu để tiếp tục cập nhật cũng đã được nhóm Đình làng Việt (hơn 4.000 thành viên) quy tụ, phân loại dần. Nhiều giảng viên mỹ thuật đã sử dụng các tư liệu này để giảng dạy, đào tạo các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ tương lai.
“Tôi nghĩ đây là một việc làm bổ ích. Nó giúp đình làng không trở thành một di tích bị đóng khung, mà được hiểu rõ hơn, tiếp tục là một di sản sống. Ở đó, có sinh hoạt cộng đồng của người dân. Như thế, đình làng mới tiếp tục phát huy được giá trị của mình”, GS-KTS Hoàng Đạo Kính nhận xét.

 

Trinh Nguyễn