Thu phí xe máy không hiệu quả
Bộ Tài chính vừa chính thức kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Trước đó, Quỹ bảo trì đường bộ trung ương cũng kiến nghị dừng thu phí này. Tại sao?
Thu phí xe máy không hiệu quả
Bộ Tài chính vừa chính thức kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Trước đó, Quỹ bảo trì đường bộ trung ương cũng kiến nghị dừng thu phí này. Tại sao?
Xe máy tuy nhiều nhưng thu phí sử dụng đường bộ chẳng được bao nhiêu |
Hầu hết địa phương đã thực hiện thu phí đều khẳng định việc thu phí gặp nhiều trắc trở, trong đó quan trọng nhất là không nhận được sự đồng thuận của người dân.
Người dân không đồng tình
Ông Nguyễn Thanh Phong – chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Bến Tre – cho biết việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy thực hiện từ tháng 9-2013.
Trong năm đầu thu được khoảng 12 tỉ đồng, đạt khoảng 60% chỉ tiêu đề ra. Đến năm 2014, địa phương này chỉ thu được hơn 7 tỉ đồng. Giải thích nguyên nhân thu giảm sút, ông Phong cho rằng cơ bản là người dân nhận thấy không bị chế tài nên không đóng.
Tiền Giang cũng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy từ cuối năm 2013, tính đến hết năm 2014 tổng thu được 16,3 tỉ đồng, từ đầu năm 2015 đến nay chỉ thu được 325 triệu đồng.
Tương tự, Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết sau ba năm thu phí, tổng số tiền thu được chưa đến 15 tỉ đồng (đạt 2,89%).
“Kế hoạch năm 2015, toàn tỉnh sẽ thu khoảng 49 tỉ đồng, nhưng việc thu phí đang gặp rất nhiều khó khăn do người dân không đồng tình” – ông Nguyễn Đình Thảo, chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Quảng Ngãi, nói.
Ông Thảo còn nói: “Quảng Ngãi vẫn tiếp tục thu phí, nhưng không đôn đốc các địa phương”.
Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, nhưng quá trình thu gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả thu không cao.
Ông Phạm Văn Đức, tổ trưởng tổ dân phố số 1 P.Đồng Xuân (Q.Hoàn Kiếm), cho biết khi được giao thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy thì bắt buộc phải thực hiện, nhưng thực tế có chuyện thu được của người này mà không thu được của người kia.
“Người ủng hộ thì họ nộp, người không ủng hộ thì không có cách nào để thu, mà tổ dân phố cũng không muốn đứng ra thu khoản này” – ông Đức nói.
Ở Hà Nội, chỉ tiêu thu phí sử dụng đường bộ với xe máy không chỉ có một quận, huyện không đạt được mà cả TP đều không đạt số thu. Cụ thể trong năm 2013, năm đầu toàn TP chỉ thu được 55 tỉ đồng, trong khi kế hoạch dự kiến thu hơn 260 tỉ đồng.
Năm 2014 số tổng thu chỉ đạt 36 tỉ đồng, trong khi kế hoạch thu đặt ra trên 260 tỉ đồng, thậm chí số liệu thu năm 2015 được tổng hợp mới đây cho thấy số thu mới chỉ đạt khoảng 3 tỉ đồng.
Với TP.HCM, ông Nguyễn Thành Chung – giám đốc Sở Giao thông vận tải, chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ TP – cho biết HĐND TP khẳng định đã “gút”, UBND TP có văn bản chỉ đạo các quận huyện thành lập ban hoặc tổ công tác thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.
Trên cơ sở đó, trong tuần tới hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ sẽ tiến hành rà soát kiểm tra công tác triển khai thu phí xe máy để có báo cáo cụ thể với UBND TP.
Ông Chung nhìn nhận việc thu phí chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhưng phải thực hiện vì “đây là quy định”. Nếu Chính phủ đồng ý dừng thì sẽ được áp dụng cho năm 2016 về sau.
Kiến nghị không thu
Đề cập ý kiến của Bộ Tài chính về việc dừng thu phí xe máy, ông Đinh Quốc Thái – chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho biết: “Tỉnh nhất trí với ý kiến của bộ và sẵn sàng dừng thu phí đường bộ đối với xe máy. Bởi nhiều cử tri thắc mắc, chưa đồng tình”.
Vì sao người dân còn chưa đồng tình? Ông Đoàn Quốc Hoan – chủ tịch UBND P.Tân Phong, TP Biên Hòa – nói: “Khi tiếp xúc, cử tri phản ảnh chịu nhiều loại thuế, phí nên không muốn đóng, đề nghị dừng thu phí xe máy”.
Tại TP Đà Nẵng, việc HĐND TP ra nghị quyết tạm dừng thu phí đối với môtô, xe máy từ ngày 7-7 được người dân hết sức đồng tình. Nguyên nhân việc tạm dừng thu phí là do người dân phản ứng quyết liệt tại các kỳ tiếp xúc cử tri.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng, nói việc dừng thu phí là thực hiện đúng theo nguyện vọng của người dân, nên cơ quan này đề nghị HĐND dừng thu.
Ông Lê Văn Dũng – một người dân ở P.Tân Chính, Q.Thanh Khê – nói: “Quyết định tạm dừng thu phí xe máy đem lại sự công bằng cho người dân.
Lâu nay việc thu phí đường bộ không có chế tài kèm theo nên ai thích nộp thì nộp, ai không nộp thì chính quyền cũng bó tay. Như vậy là không công bằng giữa người chấp hành và người không chấp hành”.
Số liệu thống kê năm 2014 cho thấy việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy ở TP Đà Nẵng chỉ đạt 19%, nguồn thu quá ít, chỉ đủ trang trải cho việc in hoá đơn, chứng từ và trả công cho người đi thu…
Cùng quan điểm với TP Đà Nẵng, ông Trần Phúc Chỉnh, trưởng Ban kinh tế – ngân sách HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng không nên thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, lý do quan trọng nhất “bỏ thu phí xe máy là một hình thức khoan sức dân”.
Ông Chỉnh cho biết tỉnh áp dụng mức thu tối thiểu theo hướng dẫn của các bộ liên quan nhưng vẫn cảm thấy “áy náy”.
Trước tình hình này, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đồng ý cho phép UBND tỉnh trình việc tạm ngưng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy ra trước kỳ họp vào cuối năm 2015.
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có công văn gửi Quỹ bảo trì đường bộ trung ương đề nghị cơ quan này kiến nghị Chính phủ tạm dừng.
Cũng như TP Đà Nẵng, ông Đào Anh Dũng – phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ – cho biết đã giao Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ lấy ý kiến các đơn vị liên quan để trên cơ sở đó TP sẽ có ý kiến với trung ương là có dừng hay tiếp tục thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy hay không.
* Ông Lê Trường Lưu (chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế): Tốn kém nhân lực, hiệu quả không cao Tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ đề nghị Chính phủ cho tạm dừng thu phí xe máy vào cuối năm 2015. Nếu thu đúng, thu đủ thì dự kiến mỗi năm cả tỉnh chỉ thu được 15 tỉ đồng, nhưng phải huy động vào cuộc hầu hết các cấp chính quyền từ tỉnh đến thôn. Việc này tốn kém nhân lực mà hiệu quả không cao. Chẳng hạn như tất cả tổ trưởng dân phố, trưởng thôn phải kiêm nhiệm thêm công việc đi vận động thu phí từng hộ gia đình, rồi ở các cấp xã, huyện, tỉnh đều phải có bộ phận phụ trách để theo dõi, tiếp nhận thu phí, trong khi đó số tiền thu được rất nhỏ so với nhu cầu sửa chữa bảo trì đường. Khó khăn nhất là không có chế tài xử lý những người không nộp phí, không có cơ chế kiểm tra, dẫn đến bất bình đẳng và không thực hiện được việc thu phí này. * TS Đặng Ngọc Dinh (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng): Khoan thư sức dân mới là kế lâu bền Người dân chia sẻ với các cấp chính quyền trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, hệ thống đường bộ không riêng ở nước ta mà ở đâu cũng cần có kinh phí bảo trì. Nhưng không có nghĩa là tất cả đều có thể đổ dồn thành các loại phí, tạo nên gánh nặng quá sức đối với người dân. Ngược lại, càng trong khó khăn càng phải thấy “khoan thư sức dân” mới là kế lâu bền. Vừa qua, những ai nghe đến “một con gà cõng 14 loại phí” đều lắc đầu kêu trời. Tương tự, một chiếc xe máy đến tay người dân đã phải chịu không ít loại thuế, phí trong giá thành, khi chạy xe thì tiếp tục chịu nhiều loại thuế, phí khác (quỹ bình ổn giá xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường đều thu qua xăng), đó là chưa kể đến phí trông giữ xe hằng tháng và phí gửi xe khi lưu hành mỗi ngày. Những khoản thu bất hợp lý nếu không được bãi bỏ kịp thời thì dù ít, dù nhiều đều khiến sức dân bị bào mòn. |
Hai năm rưỡi chỉ thu được hơn 16% kế hoạch Đó là số liệu được Quỹ bảo trì đường bộ trung ương tổng hợp từ 32 địa phương. Tổng hợp báo cáo các địa phương cho thấy từ ngày 1-1-2013 đến 30-6-2015, tổng số tiền thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô là hơn 1.279 tỉ đồng, so với kế hoạch đưa ra là 2.600 tỉ đồng/năm. Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương (do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng – chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương – ký) kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy. Tại bản kiến nghị, ông Thăng cho biết có nhiều nguyên nhân như: việc tổ chức thu ở cấp xã, phường chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ khâu quản lý số lượng xe máy trên địa bàn đến việc tổ chức thu và nộp vào ngân sách. Chế tài xử phạt chưa khả thi, khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt không phải do cơ quan công an mà do cơ quan thuế, thanh tra sở chuyên ngành, UBND các cấp thực hiện. Hội đồng quản lý quỹ cũng cho biết việc chấp hành nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ chưa cao, việc triển khai thu phí tại các địa bàn vùng sâu vùng xa còn khó khăn. Sự di chuyển của một bộ phận lớn người dân làm việc và học tập ngoài tỉnh, mang theo xe máy tạo sự chênh lệch giữa kê khai thực tế và số liệu đăng ký trên địa bàn, dẫn đến khâu lập kế hoạch thu chưa chính xác. Đồng tình với quan điểm nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thừa nhận việc thu phí đường bộ với xe máy gặp nhiều vướng mắc, hiệu quả không cao. Theo Bộ Tài chính, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do xe máy là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm lưu hành, người sử dụng xe không bắt buộc là chủ sở hữu nên rất khó kiểm soát và thu phí, đặc biệt trường hợp chủ xe (sinh viên, lao động tự do…) đăng ký ở địa phương này nhưng mang xe đến địa phương khác sử dụng. Đáng chú ý là chế tài xử phạt còn hạn chế nên chủ xe không chấp hành nộp phí dẫn đến số phí thu được thấp, không công bằng về trách nhiệm của chủ phương tiện. |