11/01/2025

Thép phản quang cắt chân người đi đường

Gần hai tháng nay, vết thương ở chân của bà Đoàn Thị Đoan (66 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) vẫn chưa khỏi hẳn.

 

Thép phản quang cắt chân người đi đường

 

Gần hai tháng nay, vết thương ở chân của bà Đoàn Thị Đoan (66 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) vẫn chưa khỏi hẳn. 



Bà Đoàn Thị Đoan với vết thương ở chân do va chạm với tấm thép phản quang - Ảnh: Đức Phú
Bà Đoàn Thị Đoan với vết thương ở chân do va chạm với tấm thép phản quang – Ảnh: Đức Phú

Ở TP.HCM, đầu mỗi dải phân cách (bằng bêtông), vòng xoay, lối rẽ trái đều được ốp miếng thép có dán màng phản quang hoặc sơn vạch nhằm cảnh báo, hướng dẫn hướng lưu thông. Lâu ngày, các tấm thép này bung ra tạo thành những cái “bẫy” đối với người đi đường.

Gần hai tháng nay, vết thương ở chân của bà Đoàn Thị Đoan (66 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) vẫn chưa khỏi hẳn. Vết thương trên do một miếng thép ốp viền theo lối rẽ từ đường Cộng Hòa qua đường Hoàng Hoa Thám (dưới gầm cầu vượt) gây ra khi bà Đoan chạy xe máy chở cháu đi học về.

Khu vực cầu vượt Hoàng Hoa Thám thường ùn ứ xe nên người đi đường phải chạy sát vào những miếng thép rất nguy hiểm

Anh HIỀN (
người dân ở P.13, Q.Tân Bình, 
TP.HCM)

Đứt gân chân 
vì miếng thép

Bà Đoan kể khi bà đang chạy xe rẽ trái vào đường Hoàng Hoa Thám thì một chiếc taxi chạy cùng chiều bấm còi inh ỏi. Đường đông xe, sợ ngã nên bà Đoan thòng chân trái xuống đề phòng té ngã. Vừa lúc đó, bà có cảm giác bị vật sắc nhọn rạch vào chân.

“Nhìn xuống mặt đường tôi thấy một miếng thép nhọn bung ra. Chân đau buốt, tê cứng nhưng xe quá đông nên tôi nén đau để chạy về nhà” – bà Đoan kể.

Chạy khỏi hiện trường khoảng 100m, chân bà Đoan chảy máu đầm đìa, sau đó bà được đưa đến Bệnh viện Bình Dân cấp cứu và phải nằm viện ba tuần để điều trị vết thương. “Tốn nhiều tiền rồi, bác sĩ mổ nối gân mấy lần nhưng giờ đi lại vẫn còn đau buốt” – bà Đoan than.

Anh Hiền – người dân ở P.13, Q.Tân Bình – cho biết khu vực trên đã có nhiều người đi đường bị va chạm với miếng thép lòi ra đường. Anh kể mấy bữa trước có người xuống dập miếng thép gây tai nạn vào sát bêtông nhưng tại vài vị trí khác lại bị bong ra, chĩa mũi nhọn ra đường.

Ghi nhận chiều 17-8 tại khu vực gầm cầu vượt Hoàng Hoa Thám, hàng ngàn người bị kẹt cứng dưới gầm cầu do xe cộ đông. Nhiều người đi xe máy bị ôtô ép sát vào lề đường. Một số người tinh ý đã tránh được các miếng thép dài khoảng 3cm lòi ra đường.

Trước đó, ghi nhận tại khu vực trên, những tấm thép được sơn phản quang lâu ngày chưa được duy tu đã bung giương mũi nhọn chĩa ra đường. Có đoạn miếng thép dài khoảng 20cm. Một số đoạn tấm thép bung ra nhưng được đập cong lại để tránh gây tai nạn cho người đi đường.

Tấm thép phản quang ở khu vực cầu vượt Lăng Cha Cả, Q.Tân Bình (TP.HCM) bung ra chờ “bẫy” người đi đường - Ảnh: Đức Phú
Tấm thép phản quang ở khu vực cầu vượt Lăng Cha Cả, Q.Tân Bình (TP.HCM) bung ra chờ “bẫy” người đi đường – Ảnh: Đức Phú

Nhiều “bẫy” trên đường

Trên nhiều tuyến đường, nhiều tấm thép sơn phản quang hư hỏng vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa có nguy cơ gây hoạ cho người đi đường. Tại khu vực dưới cầu vượt thép Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình), những tấm thép còn bị bung ra mặt đường.

Tại tiểu đảo dưới gầm cầu, đầu miếng thép bung khoảng 20cm, “há miệng” chĩa ra đường 10cm. Một vài vị trí quanh tiểu đảo chỉ còn những chiếc đinh gắn vào tường bêtông. Tại ngã tư đường Minh Phụng – Ba Tháng Hai (Q.11), một tấm thép cũng bung ra, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Ở đầu các dải phân cách tại nhiều tuyến đường cũng được bịt miếng thép phản quang. Giống như những nơi khác do xe va chạm nên miếng thép này bị cong, vênh lên các cạnh sắc nhọn.

Điều đáng nói, gần những vị trí này là lối của người đi bộ và thời điểm tan tầm rất nhiều người chạy xe máy quay đầu xe chạy sát đầu các dải phân cách, chỉ cần va quẹt nhẹ trúng miếng thép thì người điều khiển xe có nguy cơ bị thương tích.

Cụ thể, gần ngã ba Hai Bà Trưng – Trần Quang Khải (Q.1), miếng thép bịt đầu dải phân cách bị bong nhô lên khoảng 20cm. Quan sát tại đây khoảng 10 phút, chúng tôi thấy có hàng chục khách bộ hành đi qua, trong đó có nhiều người vì né xe máy nên đi sát đầu dải phân cách.

Nhiều người chạy xe máy tới đây cũng nghiêng người ôm sát dải phân cách để quay đầu xe. Dù có người đã đập miếng thép này xuống nhưng một thời gian xe va chạm vào miếng thép lại bung lên.

Tương tự, trên đường Võ Thị Sáu (Q.3) gần ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa, người đi đường rất dễ đụng phải một đầu thép dài 3cm giương mũi nhọn ra đường.

Sẽ nghiên cứu vật liệu thay những miếng thép

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), cho biết việc gắn thêm các tấm thép tại những vòng xoay, ngã rẽ, đầu dải phân cách nhằm tăng cường cảnh báo cho người đi đường.

Theo ông, việc dán miếng phản quang lên tấm thép sẽ hiệu quả hơn so với việc dán miếng phản quang trực tiếp lên đá hay các khối bêtông.

Về trường hợp bị tai nạn của bà Đoan, ông Ninh cho rằng chưa có tiền lệ và mới nghe phản ảnh nên việc có bồi thường hay không còn xem xét ở nhiều yếu tố như lý do vì sao miếng thép bị bung ra, người đi đường có chạy xe đúng luật hay không…

Ông Ninh cũng khuyên người đi đường nên giữ khoảng cách an toàn với những miếng thép này để hạn chế thấp nhất các va chạm.

Về giải pháp sắp tới, ông Ninh cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị kiểm tra, khắc phục bằng cách đập, ép những miếng thép bị bung ra sát vào các khối bêtông.

Trước ý kiến cho rằng nếu khắc phục như vậy thì không bao lâu sẽ lại phát sinh những “bẫy” mới, ông Ninh cho biết sẽ nghiên cứu vật liệu thay thế những miếng thép hoặc các giải pháp khác nâng cao tính an toàn hơn.

 

ĐỨC PHÚ – QUANG KHẢI ([email protected])