11/01/2025

Doanh nghiệp mua trường ĐH: Không thể dựa mãi vào ngân sách!

Sau thông tin Trường ĐH An Giang đã được UBND tỉnh đồng ý bán lại cho một doanh nghiệp lớn của tỉnh này, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo dục phản hồi.

 

Doanh nghiệp mua trường ĐH: Không thể dựa mãi vào ngân sách!

 

Sau thông tin Trường ĐH An Giang đã được UBND tỉnh đồng ý bán lại cho một doanh nghiệp lớn của tỉnh này, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo dục phản hồi.



Một góc Trường ĐH An Giang - Ảnh: Đ.Vịnh
Một góc Trường ĐH An Giang – Ảnh: Đ.Vịnh

Chưa bán thì cứ cho thuê!

Muốn tìm giải pháp cho ĐH An Giang cũng như hàng loạt cơ sở trường học khác đang rơi vào tình trạng này, cần phải thẳng thắn nhìn vào thực tế. Đây là một trường ĐH công lập, nhưng ngân sách trung ương từ Bộ 

GD-ĐT chỉ rót xuống 5 tỉ đồng khi trường được thành lập năm 2000. Hiện nay hằng năm tỉnh An Giang phải cấp kinh phí hoạt động cho trường chừng 70 – 80 tỉ đồng. Đây là con số không lớn so với tổng chi ngân sách năm 2015 của An Giang là 10.120 tỉ đồng. 

Vấn đề nằm ở chỗ ngân sách một địa phương không thể dùng để chi thường xuyên cho một trường ĐH như thế.

Giả sử ĐH An Giang được chọn làm thí điểm, chuyển đổi mô hình hoạt động từ một đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, liệu tập thể cán bộ giảng viên ở đây có tự chủ về mặt tài chính được không?

Ắt là không, bởi nếu được thì hằng năm đã không nhận 70 – 80 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh rồi. Trường với gần 600 cán bộ giảng dạy đã làm tốt vai trò đào tạo nhân lực cho tỉnh chưa? Ắt là chưa, bởi nếu được thì đã không có chuyện 600 sinh viên ngành sư phạm ra trường chỉ có 30 người được tuyển dụng. 

Lối thoát của trường nằm ở quyết định 22/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng ký ban hành ngày 22-6-2015, trong đó Nhà nước khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục được “thí điểm cho thuê quản lý, thuê cơ sở vật chất, thí điểm cổ phần hoá trên nguyên tắc bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn”.

Nếu Tập đoàn Sao Mai, nơi ngỏ ý muốn mua ĐH An Giang, thật sự có ý muốn cải thiện tình hình, “đầu tư để trường trở thành ĐH quốc tế đầu tiên tại ĐBSCL”, thì giai đoạn đầu An Giang cứ giao cơ sở vật chất cho họ thuê, chuyển đội ngũ cán bộ cho họ quản lý.

Khi thuê thì khỏi lo chuyện họ chiếm đất, chuyển đổi mục đích kinh doanh. Và để khuyến khích một tầm nhìn lâu dài, có thể đặt ra lộ trình sẽ cổ phần hoá nhà trường, mà Sao Mai là bên sẽ được ưu tiên nếu giai đoạn thuê quản lý làm tốt. 

Một đơn vị giỏi quản trị có thể biến một trường từ chỗ phải nhận trợ cấp ngân sách đến chỗ tự chủ tài chính, nếu không thì đã không có các trường ĐH tư thục ra đời. 

Lúc đó, có thể An Giang vẫn phải tốn 70 – 80 tỉ đồng mỗi năm, nhưng có thể chúng là trị giá các suất học bổng cấp cho con em gia đình nghèo để theo học ĐH An Giang hoạt động theo mô hình mới. Lúc đó, tốn tiền nhưng vẫn đáng tốn hơn hiện nay. 

* TS Bùi Trân Phượng (hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen):

Sai lầm từ chủ trương mỗi tỉnh một trường đại học

Tôi cho rằng khó khăn của Trường ĐH An Giang hiện nay do sai lầm của chủ trương mỗi tỉnh một trường ĐH. Việc đầu tư này là sai nên không hiệu quả, chứ không phải do là trường công mà không hiệu quả.

Theo tôi, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên hợp tác lại đầu tư cho Trường ĐH An Giang, vì hiện trường này đang có cơ sở vật chất tốt, giúp định hướng cho nhà trường phát triển đúng hướng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả khu vực này. Nếu kêu gọi sự đóng góp của doanh nghiệp cho nhà trường thì Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ việc này.

Theo đó, doanh nghiệp phải đóng góp thành quỹ giáo dục do Nhà nước kêu gọi. Một giải pháp nữa là An Giang nên giảm bớt quy mô của Trường ĐH An Giang hiện tại. Hiện nay nhà trường có hơn 50ha đất ở khu cũ lẫn khu mới. Như vậy là quá lớn! Nên thu hẹp lại để lấy quỹ đất này đầu tư, làm ra nguồn lợi và sử dụng chính nguồn lợi này đầu tư trở lại cho nhà trường.

TRẦN HUỲNH ghi

* Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang):

Đừng nghĩ giao cho tư nhân là không tốt

Tôi chính là người đi xin Chính phủ thành lập Trường ĐH An Giang và đưa chủ trương xuất tiền ngân sách, cấp đất đai xây dựng Trường ĐH An Giang những ngày đầu thành lập.

Thật ra khó khăn của Trường ĐH An Giang không phải bây giờ mới xuất hiện, mà ngay từ năm 2002, khi đó tôi đang làm chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã thấy rằng nếu tỉnh “ôm” trường sẽ rất khó, vì ngân sách tỉnh còn nghèo mà mỗi năm phải bỏ ra khoảng 28 – 30 tỉ đồng để trường hoạt động là không ổn.

Thấy khó khăn này nên trong lần phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm về làm việc với An Giang, tôi đã đề xuất với phó thủ tướng giao trường cho Bộ GD-ĐT quản lý và phó thủ tướng đồng ý. Nhưng tiếc rằng khi tôi đưa vấn đề này ra bàn trong Ban thường vụ Tỉnh ủy thì nhiều đồng chí không đồng tình giao cho Bộ GD-ĐT nên thôi.

Bây giờ khó khăn về tài chính của ĐH An Giang đã lộ ra rõ ràng hơn, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo…

Tôi nghĩ cách tốt nhất là khi địa phương không kham nổi thì nên cầu cứu Bộ 
GD-ĐT tiếp nhận, vì đây là cơ sở đào tạo có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ cán bộ giảng dạy ổn định nhiều năm nay. Nếu Bộ GD-ĐT vẫn không nhận thì cũng có thể giao cho doanh nghiệp tiếp nhận trường, vì đừng nghĩ cứ giao cho tư nhân là không tốt, nhưng việc này phải làm rất thận trọng.

Phải tìm cho được tập đoàn kinh tế mạnh, có tâm huyết làm giáo dục thật sự mới giao. Chứ nếu anh nhảy vô đầu tư tiếp quản trường vì mục đích kiếm tiền thật nhanh thì sẽ phá nát ngôi trường này, có tội với dân.

H.T.DŨNG ghi

* PGS.TS LÊ HỮU LẬP (nguyên phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông):

Phải tìm nguồn đầu tư mới cho trường

Nếu nói rằng nên giao lại Trường ĐH An Giang cho Bộ 
GD-ĐT, không để doanh nghiệp lấn quá sâu, thao túng hoạt động giáo dục vốn đặc thù thì hoàn toàn không ổn.

Tỉnh An Giang không lo nổi cho Trường ĐH An Giang vì không đủ ngân sách, nếu giao cho Bộ GD-ĐT thì vẫn là ngân sách “gánh” mà thôi.

Dễ thấy rằng nếu một trường ĐH công có thương hiệu, hoạt động tốt, có sức đề kháng tốt trong hội nhập thì có thể lựa chọn việc thực hiện tự chủ tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán như doanh nghiệp. Bằng không, trường phải chấp nhận liên kết hợp tác rồi dần tiến đến cổ phần hoá.

Với cổ phần hóa, việc thực hiện chỉ thuận lợi khi trường được định giá tốt, hấp dẫn nhà đầu tư. Còn nếu không, vẫn phải thực hiện từ bước hợp tác liên kết, giúp nhà trường mạnh dần lên mới cổ phần hoá được.

Cách đây vài tháng, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cũng suýt bị chuyển từ Bộ Thông tin – truyền thông về trực thuộc một tập đoàn kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng, nhưng câu chuyện của học viện hoàn toàn khác.

Học viện này đang hoạt động tốt, có thương hiệu, đang thực hiện tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán như doanh nghiệp chứ không dựa dẫm vào ngân sách.

Người làm giáo dục cũng đừng tham vọng một cách mơ hồ rằng: doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục là “cho không”, không màng đến việc thu lợi nhuận. Doanh nghiệp chắc chắn phải tính toán để đầu tư có hiệu quả.

Mặt khác, doanh nghiệp khi đầu tư vào giáo dục phải bình tĩnh, đừng cố thu hồi vốn nhanh vì đây là lĩnh vực rất đặc thù. Mỗi năm một tỉnh phải bỏ ra mấy chục tỉ đồng để đầu tư cho trường ĐH, mà trường không phát triển được thì phải tìm đến nguồn đầu tư mới, cách đầu tư mới.

Tuy nhiên, nhà đầu tư khi rót vốn phải có đề án rõ ràng, bảo đảm vốn, tài sản nhà nước tại trường ĐH đó không bị giảm đi, đảm bảo giải quyết lao động dôi dư nếu có, đào tạo lại lực lượng tại chỗ, thu hút người tài, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo…

Giảng viên, cán bộ nhà trường từ chỗ đang hưởng đầu tư ngân sách, lại nghe nói có thể bị chuyển đổi mô hình để doanh nghiệp đầu tư, có thể nảy sinh tâm tư, lo lắng.

Nhưng cần phải hiểu rằng: nếu không chịu nhận nguồn đầu tư mới, trong khi Nhà nước xóa bao cấp, thì nhà trường không hoạt động được và bản thân người lao động cũng không có chỗ để làm việc nữa.

NGỌC HÀ ghi

 

NGUYỄN VŨ