Biết nước đá dơ nhưng vẫn dùng
Nước đá dơ tràn lan nhưng đa số người tiêu dùng cho biết vẫn phải dùng, còn người bán thì không quan tâm đến việc chọn mua nước đá đạt chất lượng.
Biết nước đá dơ nhưng vẫn dùng
Nước đá dơ tràn lan nhưng đa số người tiêu dùng cho biết vẫn phải dùng, còn người bán thì không quan tâm đến việc chọn mua nước đá đạt chất lượng.
Một điểm bán nước đá ở quận Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: Đức Phú |
Đó là kết quả khi làm khảo sát nhỏ với 40 người dân ở TP.HCM. Hiến kế để làm sao có nước đá sạch đến tay người dùng, cả 40 người trả lời (gồm 20 người sử dụng nước đá để kinh doanh và 20 người dùng nước đá) đều đòi hỏi trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý: phương án tăng cường kiểm tra, phạt nặng các cơ sở sản xuất nước đá bẩn được lựa chọn nhiều nhất.
Không có sự lựa chọn nào khác
Theo thống kê của Chi cục An toàn thực phẩm TP, hiện có gần 60% cơ sở sản xuất nước đá từ nước giếng. Nhiều mẫu khi xét nghiệm cho kết quả bị nhiễm các vi sinh vật có hại. Đó là chưa kể quá trình đóng gói thủ công, vận chuyển bằng các phương tiện không đảm bảo vệ sinh làm đá bị nhiễm bẩn. Các thông tin này đã được báo chí đăng tải.
Tuy nhiên, hỏi 20 người thường xuyên sử dụng nước đá thì có 5 người trả lời họ không quan tâm đến chất lượng nước đá. Trong số 15 người nói rằng mình quan tâm đến chất lượng nước đá chỉ có 6 người quan tâm thường xuyên, 9 người thi thoảng quan tâm. Về phía 20 người bán nước đá hoặc thức uống có sử dụng nước đá, chỉ 3 người cho biết là khách hàng có hỏi thăm họ về nguồn gốc nước đá, còn lại nói rằng họ chưa từng nghe ai hỏi gì.
Và số đông người tiêu dùng vẫn tiếp tục sử dụng nước đá dù biết đó là nước đá không sạch (có 7 người nói vẫn sử dụng bình thường, 11 người cho biết sẽ hạn chế, chỉ dùng trong một số trường hợp bất đắc dĩ), chỉ có 2 người nói rằng sẽ không sử dụng nữa.
“Nước đá biết là không sạch nhưng mặt bằng chung thì đồ ăn thức uống khác cũng có gì là sạch đâu, nước đá chỉ là một phần rất nhỏ”, bà Vũ Thị Trang (Q.3) giải thích lý do vì sao vẫn dùng nước đá. Còn chị Phương Lan (Q.Phú Nhuận) thì nói dù biết dơ nhưng đành chấp nhận thôi, vì uống không có nước đá thì không thấy ngon, ở những buổi tiệc tùng nước đá là một phần không thể thiếu.
Đồ hoạ: TẤN ĐẠT |
Phải kiểm tra thường xuyên
Trong lựa chọn của người bán nước đá hoặc thức uống có sử dụng nước đá, số đông chỉ chú ý việc thuận tiện khi mua hàng (người quen, gần nhà, giao hàng nhanh) hoặc giá rẻ mà ít chú ý đến chất lượng nước đá. Chỉ có 6/31 lựa chọn hướng đến cơ sở sản xuất nước đá có thương hiệu, có cơ sở vật chất tốt, có xe chuyên dụng vận chuyển hoặc có giấy chứng nhận an toàn.
Có 3 nhà hàng được hỏi nói rằng họ sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được nước đá sạch, nhưng vấn đề là không biết sao mới là sạch, có khi nhìn vậy mà không phải vậy!
Mới đây, Chi cục An toàn thực phẩm TP yêu cầu các cơ sở sản xuất nước đá phải có giấy chứng nhận an toàn, phải có bao bì, nhãn mác rõ ràng. Nhưng kết quả khảo sát thực tế là không có người bán nào lựa chọn cơ sở cung cấp nước đá dựa trên việc sản phẩm đó có bao bì nhãn mác. “Tui bán nước uống mười mấy năm nay chưa từng thấy nước đá nào đựng trong bao bì có nhãn mác. Tui cũng không đòi ai phải trưng ra giấy chứng nhận an toàn gì đó”- bà N.T.H., bán nước giải khát trên đường Hoàng Văn Thụ, nói.
Để có nước đá sạch đến tay người dùng, đa số người trả lời khảo sát đều khẳng định hai yếu tố quan trọng nhất là ý thức của người sản xuất nước đá và trách nhiệm kiểm tra quản lý của cơ quan chức năng. Có 24 ý kiến cho rằng phải kiểm tra thường xuyên cơ sở sản xuất, 14 ý kiến nói phải phạt nặng và bêu tên các cơ sở sản xuất nước đá dơ.
“Phải kiểm tra gắt gao, những cơ sở làm ăn không đàng hoàng thì nên cho đóng cửa. Những nơi kiểm tra xong mà thấy làm ăn đàng hoàng, chất lượng thì mọi người nên ủng hộ dù giá có cao hơn chút đỉnh”- ông Nam, một người bán cà phê mang đi trên đường Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình), nói.
Một người bán hàng khác, chị Phạm Thị Hương (Q.5), thì góp ý theo một góc nhìn khác: “Tôi nghĩ nên khuyên khách hạn chế dùng nước đá. Mình để chai nước trong thùng ướp lạnh được rồi, nếu ai đòi ly đá hãy đưa, không thì thôi. Như vậy vừa tiết kiệm cho mình, vừa bảo vệ sức khoẻ cho mọi người”.
PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong (Trung tâm đào tạo bác sĩ gia đình ĐH Y dược TP.HCM): Nước đá dơ – nguồn gây hại cho sức khoẻ Bản thân việc dùng nước đá đã không tốt cho hệ hô hấp của cơ thể. Việc dùng nước đá dơ không kiểm soát từ các hàng quán, nhà hàng càng gây hại nhiều hơn. Bẩn ở đây theo hệ thống từ nguồn nguyên liệu đầu vào, nơi sản xuất, vận chuyển, lưu trữ… Việc sử dụng nguồn nước rất quan trọng, nước không bị ô nhiễm và dùng để uống mới làm nguyên liệu sản xuất nước đá. Với các cơ sở sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hoá chất (thuỷ ngân, chì, asen, kẽm…), nhiều loại có khả năng gây ung thư cho người dùng. Nguồn nước bị nhiễm vi sinh (E.coli, coliforms,Faecal streptoccoci) có thể gây bệnh về đường ruột, tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn huyết, siêu vi A. Trực khuẩn không bị tiêu diệt trong môi trường nước đá nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu… sẽ gây chết người. |
* Phạm Quang Huy (Q.5):
Đi ăn ở ngoài, uống cà phê hằng ngày, làm sao mà tránh được chuyện uống nước đá. Có lo lắng cũng không làm gì được, vẫn phải dùng nên tôi không bao giờ quan tâm. * Nguyễn Mai Anh (Q.Tân Bình):
Quan trọng là tự bảo vệ mình thôi, đâu có ai giúp được. Đi ra đường hạn chế kêu nước có nước đá, mua nước đóng chai ướp lạnh được rồi. * Trần Tuấn Hoàng (sinh viên ĐH Rmit):
Tôi sẽ không bao giờ dùng nước đá ở bên ngoài nữa. Ở nhà thì dùng đá trong tủ lạnh nhà mình, làm bằng nước đun sôi để nguội. Tôi sẽ mua bình nước cách nhiệt để khi ra ngoài mang nước đá theo uống cả ngày. |