11/01/2025

Phía sau câu chuyện “cướp” nghêu

Bãi bồi ven biển Bạc Liêu lại nóng lên khi hàng trăm người tràn vào bãi nghêu nuôi để “cướp” nghêu.

 

Phía sau câu chuyện “cướp” nghêu

 

Bãi bồi ven biển Bạc Liêu lại nóng lên khi hàng trăm người tràn vào bãi nghêu nuôi để “cướp” nghêu. 



Những “nghêu tặc” chỉ là người nghèo cần bãi bồi để mưu sinh - Ảnh: Tiến Trình
Những “nghêu tặc” chỉ là người nghèo cần bãi bồi để mưu sinh – Ảnh: Tiến Trình

Trước đó, hàng loạt vụ việc tương tự xảy ra trên các bãi nghêu khắp các tỉnh từ Bến Tre kéo dài đến Cà Mau.

Từ sáng 8-8, hàng chục người dân kéo đến bắt nghêu nuôi được cho là của ông Lê Vinh Phát (ngụ xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu) tại bãi bồi Cái Cùng (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) và xảy ra va chạm với lực lượng bảo vệ bãi nghêu.

Hôm sau, hàng trăm người lại kéo đến bãi nghêu tiếp tục bắt nghêu. 

“Bãi nghêu là nguồn sống của bà con cô bác hộ nghèo. Tự nhiên anh cắt ngang giao cho người khác là cả vấn đề. Nếu muốn tìm nguồn sống cho hộ nghèo thì phải chuyển nghề gì chứ đây là miếng cơm manh áo của người ta. Ban đêm bà con đi soi bắt ba khía, bắt cá thòi lòi, bắt đẻn, bắt cua, bắt nghêu… để sinh sống và nuôi con cái ăn học
Ông NGUYỄN XUÂN THỦY (phó chủ tịch UBND huyện Đông Hải)

“Chuyện nóng” ở bãi bồi

Chủ nuôi nghêu thừa nhận đã thuê 103 người, cùng với người nhà ông hơn 20 người nữa để kéo đến “nói chuyện” với người bắt nghêu. Xô xát xảy ra khiến hai người bên phía ông Phát và một phụ nữ bắt nghêu bị thương.

Trước lượng người vào bắt nghêu quá đông, nhóm người của ông Phát phải rút đi, bỏ lại cho hàng trăm người từ khắp nơi kéo đến bãi nghêu. Lúc này ông Phát mới “xuống nước”, đưa người ra “năn nỉ” để được mua lại nghêu của… chính mình thả nuôi.

Bãi nghêu Cái Cùng không phải là “điểm nóng” mới nhất người dân tràn vào bãi nghêu nuôi để “cướp” nghêu. Trước đó, nhiều điểm nuôi nghêu trên bãi bồi ven biển từ Bến Tre đến Cà Mau không ít lần “vỡ trận” khi hàng trăm, hàng ngàn người từ khắp nơi kéo đến “bình địa” các bãi nghêu.

Cũng như những vụ trước, lực lượng bảo vệ và chính quyền địa phương bó tay trước số lượng người vào “cướp” nghêu quá đông.

Lãnh đạo xã Long Điền Đông thừa nhận không thể đưa lực lượng đến điểm nóng để can thiệp vì “không thể đưa lực lượng xuống đối đầu với dân”.

Bí thư Đảng ủy xã Long Điền Đông Lê Văn Dô nói với phóng viên Tuổi Trẻ về quyết định không đưa người đến bãi nghêu: “Nếu được việc chưa chắc được khen, còn nếu không được việc bị đánh lỗ đầu chảy máu có khi lại kẹt”.

Nhiều trẻ em cũng theo người lớn làm “nghêu tặc” như em nhỏ này và thành quả một ngày lao động là chừng đó nghêu - Ảnh: Tiến Trình
Nhiều trẻ em cũng theo người lớn làm “nghêu tặc” như em nhỏ này và thành quả một ngày lao động là chừng đó nghêu – Ảnh: Tiến Trình

“Nghêu tặc” là ai?

Cùng với chúng tôi băng qua cánh rừng phòng hộ ven biển để đến điểm nóng bãi nghêu Cái Cùng, một nông dân chỉ về căn chòi nằm cheo leo phía cuối bãi đất: “Nhà báo chụp hình đi, bãi nghêu này đã “giải phóng” rồi”. 

Hỏi ra, hồi tháng 4-2015 gần bãi nghêu mà những người này đang hướng tới có một bãi nghêu khác đã bị hàng trăm người kéo đến “bình địa”. Vụ việc kết thúc khi những người giữ nghêu ở đây rút lui. Chỉ trong vài ngày, bãi đất rộng lớn đã sạch nghêu.

Một người dân tên Khánh không giấu lo lắng khi chúng tôi đi qua đoạn đường dài tiến đến khu bãi bồi, nơi có hàng trăm “nghêu tặc” đang sục sôi “cày xới” bãi nghêu người nuôi bỏ lại.

Trên đường, chúng tôi đã nghe kể về cuộc đụng độ giữa “nghêu tặc” và hàng trăm “giang hồ”, nhiều người từ cả hai phe bị thương. Và khi chúng tôi đến đã có những tiếng hô lớn thông báo có sự xuất hiện của người lạ khiến nhiều “nghêu tặc” dè dặt kéo khăn che mặt.

Tại bãi nghêu Cái Cùng, lúc chúng tôi đến chỉ thấy những con người miệt mài móc, xới đất bùn cát tìm nghêu. Bóng dáng của cuộc va chạm đầy căng thẳng giữa “nghêu tặc” và “giang hồ” tan nhanh theo đôi chân của những đứa trẻ vô tư nghịch nước.

Người đầu tiên tiếp chúng tôi với nụ cười hồn nhiên, “nghêu tặc” Nguyễn Minh Nhật “khai” em là học sinh lớp 6 Trường Lê Quý Đôn (xã Long Điền Đông).

Cậu nhóc nói vì nhà nghèo, cha mẹ sống bằng nghề mò cua bắt ốc ven biển, mấy tháng nay em nghỉ học để nối tiếp cái nghề mò cua bắt ốc cũng như hàng trăm, hàng ngàn con người ven biển hằng ngày vẫn ra bãi bồi cúi mặt mưu sinh.

Một phụ nữ cho biết tên Trương Thị Huyền (35 tuổi, ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thạnh) dẫn hai con hòa theo dòng người ra bãi “hôi” nghêu.

Đứa con lớn của chị Huyền tên Nguyễn Văn Phúc, mùa tựu trường này cháu sẽ vào lớp 5. Huyền nói chị đang phân vân không biết có nên cho con tiếp tục việc học hay theo nghiệp mẹ mò cua bắt ốc.

Trên “điểm nóng” bãi nghêu Cái Cùng, chúng tôi gặp vợ chồng anh Phan Văn Thương – Mai Thị Bảy (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thạnh) vừa mới ra khỏi danh sách hộ nghèo. Gia đình anh Thương có hai con, đứa lớp 8, đứa lớp 6 mấy ngày nay cũng theo cha mẹ đi bắt nghêu.

“Mấy đứa con tui học giỏi lắm. Anh tới nhà coi, giấy khen đầy nhà luôn. Năm nay nhà tui “bị” thoát nghèo, không biết có lo cho hai đứa học nổi không nữa?”.

Cũng trên bãi nghêu này, chúng tôi gặp cả những nông dân từng là điểm sáng của địa phương với mô hình trồng rẫy. Anh này cùng cô vợ đang mang thai 7 tháng từ mấy ngày nay ra bãi “hôi” nghêu.

Lãnh đạo xã Long Điền Đông nói trong số những người tràn vào bắt nghêu, không phải gia đình nào cũng là hộ nghèo mà có cả người khá giả, cả trưởng ấp… cũng hoà vào dòng người làm “nghêu tặc”.

Em Nguyễn Minh Nhật, học sinh lớp 6, bỏ học theo cha mẹ ra bãi bồi bắt nghêu - Ảnh: Tiến Trình
Em Nguyễn Minh Nhật, học sinh lớp 6, bỏ học theo cha mẹ ra bãi bồi bắt nghêu – Ảnh: Tiến Trình

Phải hài hòa lợi ích…

Theo lãnh đạo xã Long Điền Đông, xã có khoảng 1.000 người sống trong các gia đình hộ nghèo. Trong số đó có đông người nghèo sống ven biển, mưu sinh bằng nghề mò cua, bắt ốc, bắt nghêu, đặt cá…

Xã có 7,5km bờ biển, người dân được mưu sinh trong phạm vi 3km từ bờ biển qua khỏi rừng phòng hộ, qua bãi bồi. Ông Lê Văn Dô nói những người nghèo ven biển sống “chờ vào con thiên nhiên, có con nào bắt con nấy, không hiệu quả”.

Thẩm quyền của xã không được cấp phép cho thuê diện tích bãi bồi. Tuy nhiên “thấy đất trống”, từ năm 2012 lãnh đạo xã đã cho một số hộ dân “mượn” bãi bồi để nuôi nghêu. Riêng hộ ông Lê Vinh Phát được “mượn” 50ha.

Nhiều hộ dân sống ven bãi bồi nói rằng khi một diện tích lớn ở đây được khoanh nuôi nghêu đã làm hẹp phạm vi kiếm sống hằng ngày của họ.

Bà Châu Thị Thương (ấp Vĩnh Điền, xã Long Điền Đông) dẫn đứa con 12 tuổi vừa bỏ học đi theo dòng người tràn vào bắt nghêu nói rằng cực chẳng đã bà mới đi “hôi” nghêu thế này. Cả ngày, hai mẹ con bà Thương bắt được 5kg nghêu, bán được 25.000 đồng.

Những người khác có người nói họ kiếm được vài trăm ngàn đồng sau một ngày “hôi” nghêu. Ông Phát thì nói bị thiệt hại tiền tỉ.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, phó chủ tịch UBND huyện Đông Hải, nói huyện chưa cấp phép cho thả nuôi nghêu tại bãi Cái Cùng. Huyện cũng không hay hộ ông Phát vào thả nghêu từ lúc nào.

Theo ông Thủy, thực chất bãi nghêu này có từ lâu, dân nghèo ven biển thấy nơi nào nhiều nghêu thì kéo đến khai thác.

Cũng theo ông Thủy, trước đây huyện đã nhiều lần cấp phép cho các hợp tác xã nuôi nghêu trên bờ biển dài 23km của huyện nhưng công tác bảo quản rất khó…

“Bãi nghêu là nguồn sống của bà con cô bác hộ nghèo. Tự nhiên anh cắt ngang giao cho người khác là cả vấn đề. Nếu muốn tìm nguồn sống cho hộ nghèo thì phải chuyển nghề gì chứ đây là miếng cơm manh áo của người ta.

Ban đêm bà con đi soi bắt ba khía, bắt cá thòi lòi, bắt đẻn, bắt cua, bắt nghêu… để sinh sống và nuôi con cái ăn học” – ông Thủy nói.

Ông Thủy cho biết lãnh đạo huyện đang tính chuyện “tương lai ổn định” là đưa các hộ dân nghèo cùng tham gia các hợp tác xã nuôi nghêu, theo phương thức người có tiền thì hùn vốn, người nghèo thì hùn công giữ gìn, khai thác nghêu.

“Phải hài hoà được lợi ích thì mới mong bảo tồn được bãi nghêu” – ông Thủy nói.

 

TIẾN TRÌNH, [email protected]