11/01/2025

Tràn lan nước đá mất vệ sinh

Ngày 16-8, ghé vào nhiều hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TP.HCM, chúng tôi thấy nhan nhản những thùng, bao đựng nước đá không hợp vệ sinh.

 

Tràn lan nước đá mất vệ sinh

 

 Ngày 16-8, ghé vào nhiều hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TP.HCM, chúng tôi thấy nhan nhản những thùng, bao đựng nước đá không hợp vệ sinh.



Dùng tay trần bốc đá là cảnh thường thấy ở nhiều hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống - Ảnh: VĂN TIÊN
Dùng tay trần bốc đá là cảnh thường thấy ở nhiều hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống – Ảnh: VĂN TIÊN

Mặc dù trước đó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM có thông tin sau ngày 15-8 sẽ đồng loạt kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm việc sử dụng nước đá, công bố thông tin các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Quán sang, quán cóc đều vi phạm

Sáng 16-8, tại quán T trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (P.1, Q.Tân Bình) chuyên kinh doanh nước uống kèm cơm trưa văn phòng, có hai thùng nhựa đựng đá thẻ đặt trước… cửa nhà vệ sinh! Khi mở thùng đá, nhiều nhân viên không đóng nắp thùng, còn khách ra vào nhà vệ sinh “giải quyết” xong cũng không đóng cửa lại. Thi thoảng có người phủi tay nước văng qua thùng đá mở nắp…

Trưa cùng ngày, tại quán C trên đường Đinh Tiên Hoàng (P.Bến Nghé, Q.1) kinh doanh đồ ăn thức uống trong không gian sân vườn thoáng mát. Nơi đặt thùng nhựa đựng nước đá của quán cũng thông thoáng ngoài trời, nhưng khi lấy đá cho khách nhân viên ở đây thản nhiên dùng tay trần bốc từng thẻ đá trước mặt mọi người. 

Khi chúng tôi thắc mắc sao không đeo bao tay hoặc dùng dụng cụ múc đá cho vệ sinh, một nhân viên sau khi cầm khăn lau bàn ghế và bốc đá cho khách quay sang trả lời: “Đeo bao tay bốc đá thì sao mà cầm ly mang ra cho khách được”. Nhân viên này cũng cho biết quán chưa nghe thông tin phải đảm bảo vệ sinh an toàn về nước đá.

Quán M trên đường Nguyễn Văn Đậu (P.5, Q.Bình Thạnh) nổi tiếng với các loại chè, rất đông khách đến. Quán này sử dụng đá cây, chứa trong kho dưới nền nhà. Để có đá bào phục vụ khách, nhân viên dùng tay trần bê những cây đá lớn đi xay. Thau đựng đá xay trông rất mất vệ sinh. Đá xay xong, nhân viên dùng tay trần hốt đá vào các thùng lớn mang ra quầy chè.

Giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Điện Biên Phủ (Q.3) thường tập trung một số quán cà phê cóc. Người đi đường qua lại dễ dàng nhận ra những thùng “nước đá xăng” tràn lan. Đó là thùng nước đá có khi hở nắp, đặt nhếch nhác trên vỉa hè. Phía bên trên hoặc cạnh bên thùng nước đá được đặt những bình xăng nặng mùi mà chủ quán cóc bán thêm để tăng thu nhập…

“Giấy xác nhận đủ điều kiện của cơ sở làm đá, công bố hợp quy, giấy xét nghiệm nước đá còn hạn trong vòng sáu tháng sẽ nói lên nguồn gốc của nước đá. Khi đoàn kiểm tra đến mà các cơ sở kinh doanh ăn uống không trình được những loại giấy tờ này thì coi như vi phạm

Bác sĩ 
Nguyễn Thị Huỳnh Mai

Phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nước đá

Ngày 16-8, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết ước tính cả TP hiện có 5.000 cơ sở kinh doanh ăn uống thuộc cấp TP quản lý, trên 35.000 cơ sở thuộc cấp quận, huyện quản lý và hơn 17.000 cơ sở thức ăn đường phố do phường xã quản lý.

Bà Mai cũng cho biết Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống khi mua nước đá phải có giấy xác nhận đủ điều kiện của cơ sở làm đá, công bố hợp quy, giấy xét nghiệm nước đá còn hạn trong vòng sáu tháng.

Còn với người bán hàng rong có sử dụng nước đá, các cơ quan chức năng quản lý và xử phạt thế nào?

Bà Huỳnh Mai cho biết sau văn bản trên của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP, UBND các phường xã tiếp tục có công văn nhắc lại những hướng dẫn trên gửi đến tận các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng nước đá thuộc UBND các phường xã quản lý. Sau khi hướng dẫn xong, UBND các phường xã cũng sẽ đi kiểm tra.

Theo bà Mai, hàng rong có hai loại: hàng rong cố định (quản lý được), hàng rong đi liên quận (khó quản lý hơn chứ không phải không quản lý được).

Tuy nhiên, bà Mai nhìn nhận việc xử lý vi phạm hành chính đối với những người bán hàng rong rất khó vì có nhiều người vi phạm nhưng không mang bên mình những giấy tờ chứng minh nhân thân.

Chưa kể những người bán hàng rong phần lớn là người nghèo, từ các tỉnh đến TP ở không cố định, khi vi phạm họ lại đổi nhà trọ khác, gây khó khăn cho việc xử lý.

“Biện pháp hay nhất là cần hướng dẫn, giáo dục sức khoẻ cho người bán hàng rong, chứ xử lý hết các trường hợp bán hàng rong là không làm nổi” – bà Mai nói.

Bà Mai cũng nhìn nhận việc kiểm tra hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng nước đá là không thể.

Vận chuyển trên các phương tiện chuyên dụng

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP vừa có văn bản gửi các phòng y tế quận huyện, trung tâm y tế dự phòng các quận huyện, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP để hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nước đá, nước uống đóng chai.

Trong đó, hướng dẫn nước đá dùng liền phải được đóng gói trong bao bì kín, hợp vệ sinh và ưu tiên cho các sản phẩm thực hiện ghi nhãn theo đúng quy định. Sản phẩm phải được bảo quản, vận chuyển trên các phương tiện, dụng cụ chuyên dụng, đảm bảo về nhiệt độ bảo quản.

Tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nước đá dùng liền phải được bảo quản trong các dụng cụ, thiết bị hợp vệ sinh.

 

S.BÌNH – T.DƯƠNG – V.TIÊN