Đường đầy “sống trâu” phí vẫn tăng cao
Quốc lộ 5 Hà Nội – Hải Phòng được đầu tư bằng vốn ngân sách nhưng thay vì bỏ trạm thu phí thu nộp vào ngân sách thì dự kiến mức phí còn tăng nhiều lần.
Đường đầy “sống trâu” phí vẫn tăng cao
Quốc lộ 5 Hà Nội – Hải Phòng được đầu tư bằng vốn ngân sách nhưng thay vì bỏ trạm thu phí thu nộp vào ngân sách thì dự kiến mức phí còn tăng nhiều lần.
Hàng trăm điểm hằn lún vệt bánh xe không được nâng cấp, sửa chữa trên tuyến quốc lộ 5 trong thời gian dài khiến người dân ngán ngẩm – Ảnh: Tiến Thắng |
Với lý do hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 được thu để hỗ trợ dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức BOT, hiện Bộ Tài chính còn đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định mức phí hai trạm thu phí ở đây tăng lên gấp ba lần.
Giá cước vận tải sẽ tăng 10-15%
Theo dự thảo thông tư quy định mức thu phí sử dụng đường bộ tại hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, mức thu phí từ khi áp dụng cho đến ngày 31-3-2016 sẽ tăng mạnh, từ 30.000 – 200.000 đồng/vé/lượt, tuỳ theo các nhóm xe (chia thành năm nhóm xe).
Cụ thể, nếu đề xuất của Bộ Tài chính được áp dụng thì mức thu phí tăng cao nhất là đối với ôtô dưới 12 chỗ ngồi, gấp ba lần so với hiện nay tức là từ 10.000 đồng/vé/lượt lên 30.000 đồng/vé/lượt.
Và từ ngày 1-4-2016 trở đi, mức thu phí đối với ôtô dưới 12 chỗ ngồi được tăng thêm 45.000 đồng/vé/lượt, tức gấp 4,5 lần so với hiện nay.
Dự kiến mức thu phí mới sẽ được thực hiện từ cuối năm nay. Tổng số tiền thu phí hằng năm sau khi trừ các khoản thuế theo quy định sẽ được dùng để hoàn vốn cho dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Sốc với thông tin này, nhiều doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng cho biết nếu mức thu phí như nêu trên được áp dụng thì chắc chắn phải tăng cước vận tải.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn, cho biết bộ phận kinh doanh của công ty đang phải đau đầu tính toán giá cước mới bởi giá vừa tăng đợt đầu năm mà bây giờ tăng tiếp thì sẽ bị khách hàng phản đối.
Vì mỗi xe container hiện nay đi đăng kiểm phải đóng phí bảo trì đường bộ khoảng 1,8 triệu đồng/tháng, cộng với giá vé qua trạm thu phí trên quốc lộ 5 là 80.000 đồng/lượt.
Nếu mức thu qua hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 tăng lên thì mỗi xe container sẽ tăng lên thêm 320.000 đồng/lượt, doanh nghiệp chỉ còn cách phải tăng giá cước.
Còn ông Nguyễn Hồng Anh, cán bộ phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp vận tải xe khách tại Hải Phòng, cho rằng với mức thu phí dự kiến, mỗi ôtô chở khách qua hai trạm thu phí quốc lộ 5 phải chi thêm khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.
“Bù đắp cho chi phí này, giá vé sẽ tăng khoảng 10-15%” – ông Hồng Anh nói.
Nhà nước góp vốn đường cao tốc bằng phí quốc lộ 5
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) – nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cho biết việc tăng phí trên trạm quốc lộ 5 là theo lộ trình phương án tài chính dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được Thủ tướng chấp thuận.
Theo đó, nguồn thu hoàn vốn chủ yếu của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là từ khoản thu phí đường cao tốc này và thu phí quốc lộ 5.
Giải thích rõ hơn về việc thu phí quốc lộ 5 cho đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết việc này được thực hiện theo quyết định 1621 năm 2007 của Thủ tướng về một số cơ chế chính sách thí điểm đầu tư dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mà VIDIFI làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Theo đó, hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 được Thủ tướng cho phép chuyển giao cho VIDIFI quản lý thu phí để thu hồi vốn cho dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng từ đầu năm 2009. Đây là hình thức hỗ trợ của Nhà nước với nhà đầu tư dự án đường cao tốc.
Đến năm 2013, Thủ tướng cho phép thực hiện dự án sửa chữa mặt đường quốc lộ 5 với tổng mức đầu tư hơn 793 tỉ đồng từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển VN.
Theo đó, Thủ tướng cho phép lấy nguồn thu phí của hai trạm thu phí trên này để trả 50% nợ và lãi vay cho dự án, một nửa còn lại được lấy từ quỹ bảo trì đường bộ. Dự án sửa chữa quốc lộ 5 gồm 13 gói thầu thực hiện từ tháng 1-2013 đến tháng 4-2014.
Theo ông Trường, việc khắc phục hằn lún mặt đường quốc lộ 5 được Bộ GTVT yêu cầu đến hết tháng 10-2015 phải hoàn thành, đảm bảo êm thuận.
Ông Trường cho rằng phí quốc lộ 5 nếu tăng lên thì vẫn nằm trong khung của thông tư 159 như mức phí ở một số trạm thu phí khác và rẻ hơn mức phí 1.500 đồng/km so với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Doanh nghiệp không đồng tình Ông Lê Văn Tiến, chủ tịch Hiệp hội Giao thông vận tải Hải Phòng, cho biết người sử dụng dịch vụ vận tải trên quốc lộ 5 đang phải chịu những thiệt thòi vô lý vì chất lượng đường ngày càng xuống cấp trong khi phí sử dụng đường lại tăng quá cao. “Thực tế ai cũng thấy rõ giao thông trên quốc lộ 5 ách tắc, luồng tuyến đi thì chật, đường sửa đi sửa lại vẫn lồi lõm đầy “sống trâu”, bây giờ mà thu phí tăng thì đương nhiên chúng tôi không đồng tình. Lẽ ra trước khi tăng thu phí thì chất lượng sản phẩm ở đây là quốc lộ 5 phải được cải thiện. Mặt khác, một bất hợp lý nữa là số thu hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 được dùng để phục vụ đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Thực tế ôtô chưa được hưởng lợi gì từ đường cao tốc mà đã phải đóng phí” – ông Tiến nói. |
Tại sao phí đề xuất tăng cao? Trao đổi với Tuổi Trẻ, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết hiện nay mức thu phí phổ biến của các trạm BOT đều 30.000 – 35.000 đồng/vé/lượt. Mức thu phí hiện hành của hai trạm trên quốc lộ 5 được áp dụng từ năm 2004, nay đã hơn 10 năm. Bên cạnh đó, mức thu phí dự kiến vẫn thấp hơn khung quy định tại thông tư 159 năm 2013 của Bộ Tài chính về thu phí để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Vì sao người dân không đi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mà lại phải nộp phí cho dự án này qua hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 (Hà Nội – Hải Phòng)? Theo Bộ Tài chính, một trong những căn cứ xây dựng dự thảo thông tư nói trên là thực hiện quyết định số 746 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. |